07/02/2012 07:43 GMT+7

Xã vẫn chưa báo cáo nhà ông Quý bị phá

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TT - Chiều 6-2, ông Ngô Ngọc Khánh - chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) - đã có buổi trao đổi ngắn với các phóng viên báo chí để tiếp tục thông tin về vụ việc cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về nội dung vụ việc được chính quyền huyện Tiên Lãng báo cáo như thế nào lên TP, sau khi Thủ tướng yêu cầu Hải Phòng báo cáo lại, ông Khánh nói: “Chính quyền huyện đã báo cáo lại đầy đủ quá trình giao đất, thu hồi và cưỡng chế. Còn vấn đề đúng sai thế nào thì các cơ quan chức năng, Thanh tra Chính phủ, thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ kết luận”.

Xem hồ sơ vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng trên TTO

SjlLChcp.jpgPhóng to
Căn nhà của ông Đoàn Văn Quý đã bị phá hủy hoàn toàn - Ảnh: H.Phong

Ngày 6-2, bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý) tiếp tục được Cơ quan điều tra Công an TP Hải Phòng triệu tập để làm việc. Theo bà Hiền, cơ quan điều tra đã yêu cầu gia đình hoàn tất thủ tục để mời luật sư Nguyễn Việt Hùng bào chữa cho ông Vươn và ông Quý theo nguyện vọng của các bị can.

Về vấn đề nhà của ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Đoàn Văn Vươn) không nằm trên diện tích đất bị cưỡng chế đã bị phá hủy và cá, tôm trong đầm nhà ông Vươn bị mất trộm - một trong ba vấn đề Thủ tướng yêu cầu làm rõ, ông Ngô Ngọc Khánh cho biết hiện xã vẫn chưa báo cáo việc nhà ông Quý bị phá. Theo như lập luận của ông Khánh, hiện huyện chưa nhận được đơn kiến nghị của gia đình ông Vươn, mới nghe qua báo chí nên chưa có cơ sở để xem xét trách nhiệm cụ thể. “Báo chí mới chỉ là thông tin chung chứ huyện chưa nhận được văn bản nào của báo chí về việc này” - ông Khánh nói.

Cùng ngày, phóng viên Tuổi Trẻ đã đến nhà ông Lưu Quang Yên - nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng từ năm 1992-1998, người chịu trách nhiệm chính ban hành quyết định giao đất cho ông Đoàn Văn Vươn. Theo ông Yên, ở thời điểm năm 1993 huyện Tiên Lãng quy định thời hạn giao đất căn cứ theo thông tư 05 của Bộ Thủy sản và Tổng cục Địa chính. “Ở thời điểm giao đất, chúng tôi không biết quy định nào khác ngoài thông tư 05 quy định thời hạn giao đất tối đa là 15 năm. Huyện giao đất cho ông Vươn với thời hạn 14 năm và tính toán khi thu hồi nhùng nhằng mất một năm là tối đa theo thông tư” - ông Yên nói.

Khi đặt vấn đề sau khi nghị định 64 của Chính phủ ra đời quy định thời hạn giao đất nông nghiệp để trồng cây hằng năm và nuôi trồng thủy sản là 20 năm, tại sao huyện không điều chỉnh thời hạn giao đất cho ông Vươn thì ông Yên giải thích rằng diện tích đất của ông Vươn nằm trong dự án Vinh Quang 2 về quai đê lấn biển. Khi giao đất cho gia đình ông Vươn, huyện Tiên Lãng đã tính toán, căn cứ vào tiến trình, nhu cầu sử dụng đất của dự án đến 14 năm sau sẽ thu hồi.

“Sở dĩ huyện không điều chỉnh thời hạn giao đất cho ông Vươn vì căn cứ phần cuối của nghị định 64 quy định về đất bãi bồi, ven sông thì giao TP, địa phương tùy điều kiện để quản lý, sử dụng. TP đã giao dự án Vinh Quang 2 cho địa phương tức là cũng giao đất trong dự án này cho huyện quản lý và điều chỉnh. Khi giao đất huyện cũng đã giải thích, thỏa thuận hết thời hạn 14 năm sẽ thu hồi, ông Vươn đã đồng ý thì mới nhận đất” - ông Yên lập luận.

Về vấn đề tại sao huyện giao đất không tính đến chuyện bồi thường khi thu hồi, ông Yên đưa ra bốn lý do: Thứ nhất, trước khi giao đất huyện đã có thỏa thuận loại đất giao không gia hạn thì mới bồi thường, còn loại đất có gia hạn thì không bồi thường. Thứ hai, sau 14 năm gia đình đã đủ thời gian để có lãi. Thứ ba, gia đình ông Vươn được hưởng sự đầu tư của Nhà nước vào các công trình trong khu đất. Thứ tư là chính quyền huyện cân nhắc sự hài hòa lợi ích của người dân vì gia đình ông Vươn không phải trả tiền thuê đất, còn nhiều chủ đầm khác phải đấu thầu và trả tiền thuê hằng năm.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên