Tay vợt người Nga hạng 2 thế giới Daniil Medvedev ở Wimbledon năm 2021 - Ảnh: Wimbledon.com
Quyết định này "đánh dấu sự chia rẽ nghiêm trọng nhất trong các cơ quan quản lý quần vợt" trong một thời gian dài, theo báo Anh The Guardian. Như thế, Wimbledon, từ chỗ là 1 trong 4 giải đấu danh giá nhất của quần vợt chuyên nghiệp, giờ chỉ còn không hơn một giải giao hữu. Giải thích của ATP về quyết định này cho thấy họ không chấp nhận để các vấn đề chính trị ảnh hưởng lên thể thao.
Phản đối chính trị hóa thể thao
"Việc các tay vợt thuộc mọi quốc tịch được thi đấu dựa trên năng lực và không bị phân biệt đối xử là tối quan trọng với hệ thống giải của chúng tôi", ATP tuyên bố. "Quyết định của Wimbledon cấm các tay vợt người Nga và Belarus, không cho họ thi đấu ở Anh mùa hè này đã gây tổn hại cho nguyên tắc đó và cho sự chính trực trong hệ thống xếp hạng của ATP. Quyết định đó cũng thiếu nhất quán với thỏa thuận về xếp hạng các tay vợt của chúng tôi. Nếu tình hình không thay đổi, thì dù rất tiếc và rất miễn cưỡng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại Wimbledon khỏi hệ thống tính điểm của ATP cho năm 2022".
Cả ATP và WTA đều nhấn mạnh quyết định của Wimbledon đã vi phạm những thỏa thuận về xếp hạng quần vợt thế giới. Ngoài ra, Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) cũng tuyên bố sẽ không tính điểm cho các nội dung giải trẻ và giải đấu cho vận động viên ngồi xe lăn của Wimbledon.
Đáp lại, tối 20-5, CLB Quần vợt toàn Anh (AELTC), đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức Wimbledon, nói họ "cực kỳ thất vọng" với lập trường của ATP, WTA và ITF, đồng thời khẳng định không thay đổi quyết định của mình.
"Do lập trường hiện giờ của Chính phủ Anh trong việc kiềm chế ảnh hưởng toàn cầu của Nga..., chúng tôi giữ nguyên quan điểm của mình, mà chúng tôi cho rằng là quyết định khả dĩ duy nhất với Wimbledon trong vai trò một sự kiện thể thao nổi tiếng thế giới cũng như một định chế của nước Anh, và chúng tôi sẽ không thay đổi", AELTC nêu quan điểm.
Định chế của đất nước
Có vẻ sẽ khó có nhượng bộ sau một tuyên bố như vậy, nhất là khi Wimbledon đã tuyên xưng họ không chỉ là một giải quần vợt, mà còn là một "định chế của nước Anh" - tức cũng sánh ngang với chế độ Nghị viện, các đại học Oxbridge (từ ghép chỉ hai nhóm trường ĐH Oxford và Cambridge của Anh), hay thậm chí là nền quân chủ lập hiến!
Là giải Grand Slam lâu đời nhất, có từ năm 1877, Wimbledon cũng khắt khe và bảo thủ nhất với rất nhiều tập tục, nghi thức, và lề lối, mà chuyện buộc các tay vợt mặc toàn đồ trắng có lẽ là nổi tiếng nhất. Phàm đã là một "định chế của nước Anh" thì tất nhiên không thể chấp nhận các tay vợt Nga và Belarus giữa lúc căng thẳng tột độ này ở châu Âu.
Hồi tháng 4, Wimbledon giải thích cho quyết định đó là có khả năng Nhà nước Nga sẽ lợi dụng thành công của các tay vợt nước mình để tuyên truyền cho cuộc chiến của họ tại Ukraine, cũng như nhiều quy định của Chính phủ Anh khiến họ khó tổ chức cho các tay vợt Nga và Belarus thi đấu.
Wimbledon nổi tiếng toàn thế giới và tạo ra doanh thu không nhỏ cho AELTC - khoảng 40 triệu USD vào năm 2021. Đáng nói hơn, các tay vợt Nga và Belarus vẫn được phép thi đấu ở các giải quần vợt quốc tế khác với tư cách vận động viên trung lập, và sẽ góp mặt ở giải Pháp mở rộng, một Grand Slam danh giá khác, khởi tranh hôm nay 22-5.
ATP cũng nói cái cớ mà Wimbledon đưa ra về quy định của Chính phủ Anh là không thuyết phục: "Chúng tôi rất coi trọng mối quan hệ lâu đời với Wimbledon và AELTC và hiểu những quyết định khó khăn cần đưa ra khi tính tới các hướng dẫn của Nhà nước Anh. Chúng tôi lưu ý rằng các hướng dẫn đó là không chính thức, không có tính bắt buộc, đồng nghĩa là có những giải pháp khác cho phép từng cá nhân vận động viên được phép tự quyết định có thi đấu hay không, với tư cách tay vợt trung lập".
Chính quyền Anh, thông qua một tuyên bố của Bộ trưởng Văn hóa - truyền thông và thể thao Nadine Dorries, thì đã bày tỏ sự ủng hộ với quyết định của Wimbledon. "Chúng tôi ủng hộ tuyệt đối quyết định của Wimbledon đứng về phía lẽ phải. Chúng tôi hết sức lấy làm tiếc với quyết định hôm nay của ATP và hối thúc họ xem xét lại lập trường về điểm xếp hạng cho giải này", trang France 24 dẫn lời bà Dorries.
Có vẻ như các giải Grand Slam giờ sẽ gắn với lập trường chính trị quốc gia: Anh là một trong những nước tích cực nhất với các lệnh cấm vận và phong tỏa Nga vì cuộc chiến Ukraine. Pháp hay Úc, những nơi cũng có giải Grand Slam, có lập trường vừa phải hơn và các giải Pháp và Úc mở rộng vẫn có sự góp mặt của các tay vợt Nga.
Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đứng bên bảng vàng ghi danh các nhà vô địch hằng năm của giải Wimbledon và tay anh đang chỉ vào tên mình, nhà vô địch năm 2021 - Ảnh: Wimbledon.com
Thể thao không có lỗi
Theo The Guardian, đã có sự bất đồng nghiêm trọng giữa các tay vợt về cả quyết định ban đầu của Wimbledon lẫn phản ứng của các tổ chức quần vợt thế giới. Có khả năng một số tay vợt người Nga và Belarus sẽ khởi kiện Wimbledon.
Tuy nhiên Daniil Medvedev, tay vợt người Nga đang xếp hạng 2 của ATP và là người có thứ hạng cao nhất không được thi đấu ở Wimbledon năm nay, chia sẻ quan điểm của anh trong một cuộc họp báo ngày 20-5: "Tôi không phải là người có quyền quyết định, nếu không được thi đấu, tôi cũng chẳng kiện cáo gì".
Sẽ có những quan điểm đối nghịch, ví như chia sẻ của tay vợt người Ukraine Marta Kostyuk: "Ukraine đang cần hòa bình và tự do, điều mà chúng tôi đang hy sinh tính mạng để gìn giữ... Bất kỳ ai nghĩ rằng những quyết định như thế này nhắm vào cá nhân các tay vợt đang suy nghĩ khá là ích kỷ... Im lặng chính là bội phản".
Nữ huyền thoại quần vợt Martina Navratilova, đang giữ kỷ lục giành Wimbledon 9 lần từ năm 1978 - 1990, đồng thời có vợ là người Nga (Navratilova là người đồng tính), thì nghĩ khác: "Sự loại trừ như thế này không phải là cách, đấy không phải lỗi của các tay vợt", bà nói với Đài phát thanh LBC (London).
"Quần vợt là môn thể thao hết sức dân chủ, thật khó khăn khi phải thấy nó bị chính trị hủy hoại. Về phía nữ, quyết định đó trên thực tế đồng nghĩa với khoảng 10% các tay vợt không được thi đấu... Tôi hiểu tình thế của họ (Wimbledon), nhưng tôi không tin là họ nhìn thấy bức tranh lớn hơn, ở quy mô toàn cầu. Thẳng thắn mà nói, tôi hết sức buồn với quyết định này".
Chỉ là khẩu hiệu suông?
Thời gian qua đã có những dư luận trái chiều trên thế giới về một số lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga liên quan cuộc chiến tại Ukraine. Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA) đã cấm cầu thủ Nga thi đấu quốc tế. Các hãng Disney, Warner, Sony tạm dừng phát hành phim ở Nga. Người Nga cũng bị cấm tham dự cuộc thi Ca khúc truyền hình châu Âu (Eurovision Song Contest). Các triển lãm nghệ thuật, các chương trình biểu diễn hòa nhạc và ballet của Nga cũng đã bị hủy bỏ tại các nước phương Tây. Gần đây nhất, các chương trình biểu diễn ballet của nhiều công ty Nga đã bị hủy tại Anh do bị các cơ quan, tổ chức văn hóa nước này tẩy chay. Những sự việc như vậy khiến dư luận đặt câu hỏi về tính thực chất trong các khẩu hiệu trước nay phương Tây thường nhắc tới là "nghệ thuật không có biên giới" hay "thể thao không liên quan chính trị".
ĐỖ DƯƠNG
Djokovic phản đối
Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic sẽ bước vào Wimbledon với tư cách ứng cử viên số 1, nhất là khi hai trong số các đối thủ lớn nhất của anh - các tay vợt Nga hiện đều trong top 10 thế giới là Daniil Medvedev và Andrey Rublev, đều không được tham dự.
Khi Novak Djokovic vô địch Wimbledon năm 2021, anh kiếm được 2.000 điểm. Tay vợt người Serbia cũng nằm trong số người phản đối lệnh cấm của Wimbledon ngay từ đầu, theo AFP. Wimbledon 2022 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 27-6 tới 10-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận