17/12/2006 05:14 GMT+7

Wilfred Burchett - người bạn tận tụy của VN

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TT - Trong một số thước phim tài liệu về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ ở VN, khán giả có thể bắt gặp hình ảnh một người phương Tây với khuôn mặt tròn và cặp kính gọng đen: có lúc thấy ông trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc lại gò lưng đạp xe cùng các chiến sĩ trên con đường mòn xuyên rừng ngoằn ngoèo, nhỏ xíu. Đó là Wilfred Burchett, người bạn của nhân dân VN.

d01KFb0J.jpgPhóng to

George Burchett - con trai của Wilfred - tại Hà Nội - Ảnh: Hương Giang

TT - Trong một số thước phim tài liệu về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ ở VN, khán giả có thể bắt gặp hình ảnh một người phương Tây với khuôn mặt tròn và cặp kính gọng đen: có lúc thấy ông trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc lại gò lưng đạp xe cùng các chiến sĩ trên con đường mòn xuyên rừng ngoằn ngoèo, nhỏ xíu. Đó là Wilfred Burchett, người bạn của nhân dân VN.

Là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng với cán bộ, chiến sĩ VN tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc kháng chiến, Burchett từng tường thuật Chiến tranh thế giới thứ hai cho báo chí Anh. Ông cũng chính là phóng viên phương Tây đầu tiên có mặt tại Hiroshima, Nhật Bản sau khi Mỹ thả bom nguyên tử, lúc thành phố còn đầy mùi bụi phóng xạ. Một trong những dòng chữ đầu tiên mà Burchett viết về sự kiện này là: “Tôi viết để cảnh báo thế giới”. Đây là một trong những lý do khiến nhà làm phim David Bradbury ngưỡng mộ Burchett: “Tôi yêu quí và kính trọng ông ấy. Ông tin rằng nghề nghiệp báo chí của mình có thể giúp nhân rộng sự nhân đạo”.

Wilfred Burchett tường thuật các sự kiện cho nhiều đầu báo khác nhau, viết khoảng 35 cuốn sách được dịch thành nhiều thứ tiếng. “Hộ chiếu của tôi bị mất cắp trong một nhà khách không lâu sau khi tôi vào VN” - Wilfred Burchett nói trong bộ phim tài liệu Kẻ thù chung số một (Public enemy number one) của David Bradbury. Ông liên tục yêu cầu các cơ quan chức năng cấp lại hộ chiếu Úc cho ông, nhưng điều đó không bao giờ thành hiện thực. Đó là cái giá Burchett phải trả cho việc tường thuật cuộc chiến ở VN từ góc độ người bị xâm lược. Ông bị nhiều người Úc coi là kẻ phản bội. Ông đã không thể quay lại Úc trong nhiều năm. Tuy vậy, các bài báo và sách của Burchett vẫn được đông đảo nhà hoạt động phản chiến ở Úc đọc trong suốt những năm chiến tranh ở VN.

***

4pf2GwpD.jpgPhóng to
Wilfred Burchett tại Củ Chi năm 1963 - Ảnh tư liệu do con trai ông là George Burchett cung cấp

23 năm sau ngày cha mất, họa sĩ George Burchett về thăm Hà Nội, nơi cha ông từng gắn bó và có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc đời của cả gia đình ông. Đây cũng là lần đầu tiên George thăm lại nơi ông được sinh ra trong chiến tranh (1955). Ông mang theo bộ phim Kẻ thù chung số một giới thiệu với VN, bộ phim từng được George giới thiệu ở tất cả những nơi ông đi qua.

“Cha tôi phản ứng bình tĩnh trước mọi lời buộc tội phản quốc, bởi ông biết vốn ông không phải vậy - George kể lại với phóng viên Tuổi Trẻ - Mặc dù nhiều thập niên đã qua, cha tôi vẫn chưa được nhìn nhận và đánh giá đúng từ phía nhiều người dân Úc. Nhưng dù hoàn cảnh ra sao, ông luôn tràn đầy sức sống và đầy ý tưởng”.

“Ba anh em tôi đã không được hưởng những quyền lợi cơ bản như những đứa trẻ Úc khác. Trong một thời gian dài, tôi không là người của nước nào cả - George nói - Sau khi mất hộ chiếu, cha tôi nhiều năm phải đi lại bằng một tập giấy chứng nhận do chính quyền VN cấp. Tập giấy đó hiện mẹ tôi vẫn đang giữ. Thật buồn cười, đó là hộ chiếu duy nhất chúng tôi có khi đó. Nó đã phần nào cứu chúng tôi khỏi cảnh cô lập. Tuy vậy, gia đình tôi cũng chỉ có thể đi lại trong khối các nước xã hội chủ nghĩa”.

Cuộc sống di chuyển qua khắp nơi cùng người cha dần ảnh hưởng đến George. Từ một cậu bé nhút nhát, George học cách thích nghi với các nền văn hóa khác nhau, học nói những ngôn ngữ khác nhau, kết bạn với những người khác nhau… Rời Hà Nội khi còn quá nhỏ, George dần quen với những địa điểm nơi mình sinh ra qua các lời kể sau này của cha ông. Đó là câu chuyện về chiến tranh, về sự phá hủy, về nụ cười và sự lạc quan. Nhờ những cuộc chuyện trò đó, George đã dũng cảm giơ tay phát biểu khi cô giáo lịch sử hỏi: “Ai là chủ tịch nước VN?” - “Bác Hồ” - “Không phải, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh” - “Nhưng ở VN, mọi người đều gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ” - cậu bé George láu lỉnh trả lời.

Giờ đây, trên con đường tìm lại sự công bằng cho cha mình thông qua việc giới thiệu bộ phim tài liệu về ông (Kẻ thù chung số một), George thấy một Hà Nội sôi động và quyến rũ trong cái lạnh đầu đông trái với những ký ức về Hà Nội toàn màu đen - trắng và chiến tranh. Ở Hà Nội, George có được nhiều nguồn động viên, chia sẻ, ủng hộ mới cho hành trình của mình.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên