26/09/2008 17:44 GMT+7

WHO: Triệu chứng trẻ bị nhiễm melamine

Cổng TTĐT Chính phủ
Cổng TTĐT Chính phủ

Sáng 26-9, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sỹ Jean-Marc Olive cho biết, WHO đang phối hợp chặt chẽ với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình thanh kiểm tra mọi sản phẩm có khả năng nhiễm độc ở Việt Nam, trong đó có sản phẩm sữa trên thị trường.

LgHZZdim.jpgPhóng to

Tiến sỹ Jean-Marc Olive Trưởng đại diện WHO và Bà Marjatta Tolvanen Ojutkargas-Trưởng Chương trình Y tế Dinh dưỡng UNICEF tại Việt Nam

Triệu chứng trẻ bị nhiễm melamine

Tiến sỹ Jean-Marc Olive cho biết những triệu chứng về mặt lâm sàng của trẻ em khi bị nhiễm melamine và trong thận có sạn: trước tiên trẻ sẽ khóc rất nhiều khi đi tiểu. Đôi khi, trẻ nôn và đi tiểu ra máu. Lượng máu ít hay nhiều phụ thuộc vào sỏi gây tổn thương ở thận và bàng quang như thế nào.

Tiếp đến là xuất hiện tình trạng thiểu niệu (đi tiểu ít) và thậm chí là vô niệu (không tiểu tiện được); đồng thời kèm theo các triệu chứng khác như đau ở vùng thận và những ảnh hưởng do bị sỏi thận gây ra như tăng huyết áp... Ông Jean-Marc Olive cho biết, những trường hợp trẻ em sử dụng sữa bị nhiễm melamine ở Trung Quốc phần lớn là trẻ từ 2 tuổi trở xuống. Đây là lứa tuổi đang cần phải sử dụng sữa nhiều nhất. Trong khi đó, bệnh sỏi thận thường rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Chính vì thế, có thể hoàn toàn tránh được bệnh này khi nuôi trẻ bằng sữa mẹ và không dùng những sản phẩm thay thế sữa mẹ có chứa melamine.

Tiến sỹ Jean-Marc Olive cũng cho biết, việc xét nghiệm tìm ra các các sản phẩm bị nhiễm độc là tốn kém. Melamine không phải là thành phần tự nhiên có trong sữa. Khi phát hiện trẻ em bị triệu chứng sạn thận hiếm thấy thì mới nghĩ đến việc xét nghiệm chất melamine có trong sữa hay không. Khi người ta nghi vấn sữa có nhiễm độc Melamine thì mới tiến hành kiểm nghiệm, vì bình thường không tiến hành các kiểm nghiệm này. Nếu các sản phẩm sữa nhập vào Việt Nam không được kiểm duyệt và kiểm định chất lượng chặt chẽ sẽ rất nguy hiểm.

Khuyến cáo của UNICEF: Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh

Bài học kinh nghiệm mà Việt Nam cần rút ra từ sự việc nghiêm trọng này, theo Trưởng Chương trình Y tế Dinh dưỡng UNICEF tại Việt Nam, bà Marjatta Tolvanen Ojutkargas, trước hết, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, cổ động việc nuôi con bằng sữa mẹ. Bà Marjatta Tolvanen Ojutkargas khuyến cáo, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tốt cho trẻ sơ sinh hơn bất cứ loại sữa bột nào. Các bậc cha mẹ nên nhận thức rằng, các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện có trên thị trường có thể bị hỏng hoặc nhiễm độc trong suốt quá trình sản xuất, pha chế và sử dụng.

Điều thứ hai là cần gióng lên tiếng chuông cảnh báo về vấn đề ATVSTP. Đây cũng là vấn đề đáng báo động và cần được quan tâm tại Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người trong đó có trẻ em do nguồn gốc thức ăn, thực phẩm không đảm bảo gây nên. Vì vậy cần phải đảm bảo thức ăn và thực phẩm được an toàn tuyệt đối từ khâu sản xuất đến sử dụng.

Việt Nam chưa có trẻ em nhiễm độc melamine

Tiến sỹ Jean-Marc Olive cho rằng, Bộ Y tế Việt Nam đang có những bước đi và cách làm kịp thời, hiệu quả trong việc ngăn chặn các sản phẩm sữa có nhiễm melamine được nhập khẩu vào Việt Nam; cũng như sự điều phối và phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Theo ông Jean-Marc Olive, Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật hoàn chỉnh và đầy đủ về vấn đề ATVSTP. Việc cần làm là thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật đó.

Đại diện của WHO cũng cho biết đã được Bộ Y tế cung cấp đầy đủ thông tin song không thể biết được những sản phẩm nào đã nhập vào Việt Nam bị nhiễm melamine. Tính đến thời điểm này, sản phẩm duy nhất bị phát hiện là sữa Yili hiện đã bị thu hồi, chờ tiêu hủy.

Cục ATVSTP Việt Nam cần ra hạn cho các nhà nhập khẩu thực phẩm từ 7 đến 10 ngày để kiểm nghiệm toàn bộ các sản phẩm đã nhập khẩu, nếu có vấn đề phải báo cáo để cùng xử lý.

Tiến sỹ Jean-Marc Olive khẳng định, theo thông tin WHO nhận được đến thời điểm này, chưa có trẻ em Việt Nam nào bị nhiễm độc melamine. Người dân Việt Nam không nên quá hoang mang, bởi trường hợp người lớn hoặc ngay cả trẻ em uống sữa có chứa melamine, song với số lượng ít thì cũng sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất vẫn là trẻ nhỏ đang trong thời kỳ bú sữa mẹ dùng các sản phẩm sữa thay thế có nhiễm melamine.

Bộ Y tế cho biết, Thanh tra Bộ Y tế sẽ kiểm tra một số mẫu sữa được nhập khẩu từ các nước khác, ngoài các sản phẩm sữa có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sáng 25/9, đoàn thanh tra liên ngành về sữa đã kiểm tra tại Công ty Cổ phần Hoá chất Á Châu Hà Nội (số 1 Tô Hiệu, Hà Nội). Công ty đã nhập 25 tấn sữa nguyên kem xuất xứ Trung Quốc từ Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) và 2 tấn của Công ty Cổ phần Hoá chất Á Châu TP.HCM. Theo giấy nhập kho của phía Công ty Cổ phần Hoá chất Á Châu Hà Nội, công ty này đã nhập 18 tấn sữa nguyên kem (cũng của Công ty Longcom) của Hanoimilk vào năm 2007. Hiện nay số sữa này đã được bán hết. Công ty Cổ phần Hoá chất Á Châu Hà Nội đã không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đoàn thanh tra đã yêu cầu công ty không được nhập bất kỳ sản phẩm sữa hay nguyên liệu sữa từ 22 công ty sữa Trung Quốc đã công bố.

Cổng TTĐT Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên