07/08/2016 00:13 GMT+7

Vượt khó dự Hội khỏe Phù Đổng

KHƯƠNG XUÂN - HỒ VĂN
KHƯƠNG XUÂN - HỒ VĂN

TT -  Đó là câu chuyện của cậu bé 15 tuổi Lý Văn Thào người dân tộc Mông đến từ đoàn Cao Bằng hay chuyện phải vay tiền làm lộ phí dự Hội khỏe Phù đổng của VĐV Võ Minh Sang đoàn Đắk Nông...

Lý Văn Thào (phải) tập luyện trước khách sạn trước khi thi đấu. Ảnh: K.X
Lý Văn Thào (phải) tập luyện trước khách sạn trước khi thi đấu. Ảnh: K.X

Những câu chuyện xúc động về những cô bé, cậu bé người dân tộc vượt qua nhiều định kiến xã hội để tham dự Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) khiến ngày hội thể thao học đường thêm ý nghĩa.

Không về bản cưới vợ, Thào đi thi Hội khỏe Phù Đổng

Việc cô em gái của Thào năm nay mới 12 tuổi đã được gả chồng khiến chuyện Lý Văn Thào (15 tuổi) chưa cưới vợ là một điều rất lạ. Nhưng cậu bé có thân hình nhỏ bé này đã quyết tâm tự mình đi nộp hồ sơ nhập học, vượt qua định kiến đến tuổi phải nghỉ học lấy vợ như các chàng trai Mông khác.

Thào nói: "Học xong tiểu học ở xã, do đạt học lực khá đủ tiêu chuẩn nên em tự làm hồ sơ đăng ký vào học trường cấp II dân tộc nội trú của huyện Bảo Lâm. Bốn năm qua, cứ 1- 2 tháng, em được trường cho về nhà một lần, đi học được nuôi ăn ở, phát quần áo, đồ dùng học tập. Bố mẹ cũng chưa bao giờ về trường xem em học thế nào vì đi bộ rất xa. Bà nội em nói mày chỉ học đến lớp 9 là phải đi cưới vợ để có người làm rẫy chứ không được học nữa. Tuy nhiên em không nghe lời bà. Nhờ đi học, em mới được học đánh cờ vua và được đi dự HKPĐ”.

Ở trường dân tộc nội trú, bất ngờ các thầy phát hiện năng khiếu tuyệt vời của Thào ở môn cờ vua. Giành giải cao tại HKPĐ tỉnh Cao Bằng, Thào được chọn đi HKPĐ toàn quốc 2016 tại Nghệ An. Thào ấp ủ mơ ước: “Trong bản em, nhà ai có người ốm là đi thầy lang cúng. Vì vậy, em muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người để không phải khổ vì bệnh nữa”.

Thầy Hà Phạm Nhơn, HLV đội Cao Bằng, cho biết Thào là một trong những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất của đoàn. Nơi Thào ở, đồng bào quanh năm ăn ngô vì thiếu đói, thậm chí họ quen ăn ngô đến nỗi khi ăn cơm không ăn nổi. Hầu hết thầy cô ban giám hiệu các trường học ở đây quanh năm phải đến nhà động viên phụ huynh cho học sinh đến trường. Nhiều bé gái 12-13 tuổi đã cưới chồng, bé trai 14-15 tuổi lấy vợ để có người làm nương. “Nhà cách nương cả nửa ngày đi bộ, vào bản chúng tôi phải hẹn trước nhiều ngày mới gặp được. Không thuyết phục được cha mẹ cho các em đi học thì phải nhờ chính quyền xã, thôn cùng vận động. Để đến được HKPĐ, những cậu bé như Thào phải trải qua một hành trình rất gian nan”, thầy Nhơn chia sẻ.

Vay 1,5 triệu của gia đình làm lộ phí

Tại khách sạn Asean, nơi đóng quân của đoàn Đắk Nông, các VĐV taekwondo và đẩy gậy của đoàn đang tập luyện trên “bãi tập” là sân gạch của khách sạn. HLV bộ môn taekwondo, thầy Nguyễn Văn Bình, cho biết phải sử dụng sân gạch của khách sạn để tập vì chưa được ban tổ chức xếp lịch tập luyện trong khi đoàn không có kinh phí để thuê sân tập cho VĐV.

Nhìn những đôi chân trần của các võ sĩ taekwondo chạy và nhảy trên nền gạch, các VĐV môn gậy tận dụng cầu thang bộ của khách sạn để chạy rèn thể lực, các HLV chỉ biết thở dài đầy thương cảm. “Do kinh phí eo hẹp, các em chỉ được trang bị hai bộ áo quần, riêng giày chỉ được một đôi bata nên chỉ được phép mang khi thi đấu. Vì vậy chân em nào cũng phồng rộp vì tập luyện bằng chân không”.

Bữa cơm bụi của các VĐV Sóc Trăng. Ảnh: H.VĂN
Bữa cơm bụi của các VĐV Sóc Trăng. Ảnh: H.VĂN

Hầu hết các VĐV trong đoàn Đắk Nông là học sinh có hoàn cảnh gia đình nghèo hoặc không khá giả lắm. Họ đến với thể thao học đường với một hành trang là niềm đam mê thể thao. Theo thầy Bình, trước khi ra Nghệ An tham dự, đoàn chỉ được tập ở sân tập của tỉnh đúng 5 ngày. “Những ngày còn lại chúng tôi tận dụng sân trường để các em tập, có khi phải đưa các em về nhà tôi để tập luyện. Có nhiều em khi tới tập trong túi không còn tiền, tôi phải cho tiền đổ xăng để các em về nhà, có khi phải lo cho các em ăn”, thầy Bình kể.

VĐV Võ Minh Sang, phụ tá cho đoàn, do nhà ở vùng sâu, vùng xa nên khi các học sinh tập luyện, Sang phải di chuyển hơn 20km từ nhà đến sân tập để phụ giúp thầy Bình. “Trước khi lên đường thi đấu ở Nghệ An, tôi phải xin ba mẹ, vay tiền anh chị em được 1,5 triệu đồng làm lộ phí. Tiền ăn ở thì các thầy lo cho” - Sang nói.

Theo thầy Phạm Tú Nghĩa - HLV môn vovinam, do kinh phí eo hẹp nên các trang thiết bị, chỗ ăn ở chỉ đáp ứng mức tối thiểu cho VĐV thi đấu. “Đoàn Đắk Nông đến với HKPĐ chỉ với tinh thần cọ xát là chính” - thầy Nghĩa nói.

Đi 3 ngày 2 đêm, vượt 1.700km để dự Hội khỏe Phù Đổng

Đó là câu chuyện của các học sinh, thầy cô của tỉnh Sóc Trăng. Do địa phương không có tiền đi máy bay, để đến Nghệ An, đoàn Sóc Trăng đã phải vượt qua quãng đường bằng ôtô khách với chiều dài một lượt đi là 1.700km với thời gian di chuyển 3 ngày 2 đêm. Đi thi vất vả là thế, nhưng thầy trò Sóc Trăng rất tự hào bởi trong đoàn 100% VĐV là học sinh phổ thông đúng theo quy định của ban tổ chức.

KHƯƠNG XUÂN - HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên