14/08/2006 06:05 GMT+7

Vườn thơ còn lại của Lưu Trọng Lư

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Ngày 12-8-2006, nhà lưu niệm Lưu Trọng Lư (19-6-1911 - 10-8-1991) đã được gia đình làm lễ khánh thành tại địa chỉ 75/5 Lâm Văn Bền, khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM.

LQgwBi0W.jpgPhóng to

Giá sách và những kỷ vật gia đình - Ảnh: L.Điền

TT - Ngày 12-8-2006, nhà lưu niệm Lưu Trọng Lư (19-6-1911 - 10-8-1991) đã được gia đình làm lễ khánh thành tại địa chỉ 75/5 Lâm Văn Bền, khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, Q.7, TP.HCM.

Khu nhà nép mình cạnh những hàng cau hàng trúc. Bên trong, không gian đầy ắp kỷ niệm về nhà thơ tiên phong trong phong trào Thơ Mới (1930-1945).

Góc thơ gồm có các tác phẩm Lưu Trọng Lư viết từ thuở tuổi đôi mươi, đặc biệt có quyển Nhật ký đọc Kiều - tập tiểu luận về Nguyễn Du và Truyện Kiều, trong đó có những bài từng bút chiến với trường phái thơ cũ thời 1930.

Bút tích nhà thơ được các con nâng niu gìn giữ, còn có bản chép tay ba bài thơ: Tiếng thu, Thơ sầu rụng, Nắng mới - ba bài đưa tên tuổi nhà thơ vào lòng bạn đọc từ hơn 60 năm qua. Cuối đời, Lưu Trọng Lư tự tổng kết sự nghiệp thơ của mình bằng hai câu: “Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ/ Vì thương người lắm mới say thơ”. Giờ đây thủ bút hai câu này kèm theo chữ ký được đặt trang trọng tại gian thờ.

Ông Lưu Trọng Hải - con của nhà thơ - tâm đắc một điều: “Cả đời bố tôi chuyên chú một chữ nhân, cho nên qua bao thăng trầm, ông vẫn giữ đạo nhân, để thanh thản”.

Chia sẻ với điều tâm niệm của Lưu Trọng Lư, nhà thơ Tố Hữu đã ứng tác bốn câu tại lễ viếng: “Lưu Trọng Lư ơi, biệt cõi trần/ Tiếng thu man mác nhạc trong ngần/ Nửa đêm sực tỉnh đời pha mộng/ Da diết lòng anh một chữ nhân”. Nay bốn câu thơ ấy cùng thủ bút của Tố Hữu cũng được trưng bày nơi nhà lưu niệm.

Trên giá sách có dựng một chiếc đàn tranh, đây là chiếc đàn kỷ vật của gia đình. Theo lời ông Lưu Trọng Văn, “khi cuối đời, mẹ tôi vẫn thường đàn cho ông cụ nghe vào mỗi buổi chiều bằng chiếc đàn này”.

Một chiếc ghế đặt bên bàn làm việc, cũ kỹ tự bao đời, chiếc ghế nhà thơ vẫn ngồi và viết nên nhiều tác phẩm giai đoạn cuối đời, một chiếc máy điện thoại cũ kỹ từ những năm 1950, những bức ký họa của Trịnh Cung, Việt Hải, những bức ảnh tư liệu chụp chung với học giả Đào Duy Anh và các bạn văn nghệ thời còn ở Khu Bốn...

Gia đình nhà thơ có ý định “sẽ thiết kế một “bức tường Thơ Mới” ngay trong khu vườn nhà lưu niệm, trên tường ốp đá khắc chân dung các nhà thơ mới của VN kèm theo các câu thơ được xem là “đại biểu” cho mỗi tác giả”.

Và như vậy, khu nhà lưu niệm Lưu Trọng Lư cũng chính là nơi tưởng niệm những bè bạn cùng thời với ông, thú vị hơn, “nơi này sẽ là không gian gặp gỡ của các nhóm thơ văn, có thể đàm đạo, uống trà, giới thiệu sách, luận văn chương... tùy thích” - ông Lưu Trọng Văn vui vẻ nói.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên