Đây là thông tin vui vừa được các nhà khoa học thuộc Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI) công bố ngày 11-12.
Phóng to |
Sau cuộc khảo sát 2 tuần (quan sát bằng mắt và lắng nghe âm thanh “hót” của vượn vào lúc bình minh tới giữa trưa), nhóm nghiên cứu FFI gồm 31 người - được dẫn đầu bởi hai nhà sinh vật học Nguyễn Thế Cường - điều phối viên điều tra “dân số” vượn của FFI và Brian Crudge - tham gia Chương trình bảo vệ động vật linh trưởng của FFI - đã phát hiện tổng cộng 129 cá thể loài vượn Cao Vít quý hiếm tại khu bảo tồn vượn Cao Vít (Cao Bằng) - nơi được cho là môi trường sống cuối cùng của loài vượn này.
Theo FFI, đây là số lượng vượn Cao Vít lớn nhất được ghi nhận kể từ khi một quần thể loài này (gồm 26 con) được phát hiện năm 2002 tại khu vực rừng trên núi đá vôi của huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), tăng 17% so với cuộc điều tra “dân số” vượn Cao Vít (gồm 110 con) vào năm 2007.
Phóng to |
Tích cực bảo vệ rừng, tiếp cận cộng đồng, phát triển sinh kế, giáo dục môi trường, phục hồi môi trường sống và nghiên cứu sinh thái là những biện pháp được FFI và ban quản lý khu bảo tồn vượn Cao Vít áp dụng khi triển khai dự án bảo tồn loài vượn này - hiện được xếp ở mức “cực kỳ nguy cấp” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Tiến sĩ Ulrike Streicher, giám đốc thực hiện Chương trình bảo vệ động vật linh trưởng FFI Việt Nam, cho biết: “Tất cả mọi người tham gia các hoạt động bảo vệ loài vượn Cao Vít nên được khen ngợi về những nỗ lực không mệt mỏi của họ”.
Nói về kết quả mới điều tra “dân số” loài vượn Cao Vít, ông Nông Văn Tạo - giám đốc khu bảo tồn vượn Cao Vít - cho biết ông rất hài lòng với thành tựu chung đạt được của ban quản lý và FFI và bày tỏ hi vọng được tiếp tục hợp tác lâu dài với FFI.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận