Má trót dại mang bầu với ba. Ông bà ngoại giận má không thèm nói tới. Ông bà nội không chấp nhận má là dâu. Ông bà nội sợ thiên hạ chê cười. Ngày rước dâu về, cô dâu phải vào từ cửa sau. Ba bê tha, trai gái, bỏ mặc má bơ vơ... Có lần má định chết đi, nhưng bào thai trong bụng má là anh hai tôi đã níu chân má ở lại với cuộc đời này.
Từ ngày tôi biết lưu giữ trí nhớ vào đầu là đã thấy ba và má cãi vã bất hòa. Ba sáng xỉn chiều say, mượn rượu bắt má đến đứng trước nhà ông bà ngoại, đánh má, chửi luôn ông bà ngoại. Ngoại không lên tiếng, ba tấm tức nắm đuôi tóc má kéo má đi ngược con đường làng. Về nhà ba bắt mấy anh em tôi cúi hết. Ba rẽ tóc má buộc vào thanh giường đánh má tả tơi... Tình cảnh đau đớn, tủi hổ, má với tay lấy cây mác dưới gầm giường cắt luôn mái tóc để từ hồi con gái.
Khi em út của tôi chào đời, ba dẫn người đàn bà xa lạ về nhà tuyên bố ly hôn. Nước mắt của má cạn khô, chỉ còn nước mắt của tôi... Nước mắt tôi rơi khi mỗi lúc đến trường bạn bè chọc ghẹo: “Ba mày theo vợ bé”; mỗi lần cô giáo mời họp phụ huynh, buộc ba đi họp, vì sợ các bà mẹ bênh con; mỗi lần tôi nhẩm thầm giả định: “Ví như còn ba chắc tôi còn chứng kiến cảnh ba rẽ tóc má buộc vào thanh giường mà đánh”.
Ba ra đi để má một mình ở lại gồng gánh gia đình. Má đã ở vậy suốt đến giờ để nuôi chúng tôi khôn lớn.
Với một mảnh vườn nhỏ, má dầm mưa phơi nắng, trồng chặt quanh năm. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi sáng má đi làm vườn, tôi hay đòi má dắt theo. Cầm cây dao chành đi làm cỏ, xới đất, má gom những đống cỏ khô làm từ hôm trước thành đống un, khói giăng giăng cả mảnh vườn. Khói làm mắt tôi cay xè. Tôi òa lên khóc, má chạy đến dỗ dành. Má cũng bị khói un làm nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Tôi thắc mắc sao má cứ un khói hoài, nhà chú Ba bên cạnh cũng trồng cam như nhà mình, sao ổng mua mấy bao phân gì trắng trắng bỏ cây chứ đâu như nhà mình hay un đống un! Má vỗ nhẹ lên đầu tôi nói: “Cam nhà chú Ba là những cây cam lớn, chú Ba hái cam bán lấy tiền mua phân hóa học. Còn cam nhà mình còn nhỏ, chưa có trái, nên má chưa có tiền mua đâu con!”. Lúc đó tôi không biết mấy bao chú ba mua là thứ phân đắt tiền mà nhà tôi không bao giờ mua được...
Má biết tôi sợ khói mà hay đòi theo, nên những lần sau má không đi làm buổi sáng nữa, đợi trưa khi tôi ngủ say má mới đi làm vườn. Có những trưa thức giấc không thấy má đâu, tôi chạy ra vườn cam sau nhà tìm. Thấy má đội chiếc nón lá rách tả tơi làm cỏ, xới đất, un đống un bón cam. Tôi nép nhanh vào bụi chuối có những cây cam chiết bật khóc, không phải vì khói bay vào mắt mà vì thương má quá.
Tôi đã lớn lên cùng tình thương, cùng vườn cam sau nhà của má. Bao năm rồi má chăm bón vườn cam biết bao nhiêu cơ cực, vậy mà vườn cam của má vẫn không trúng mùa. Trong khi vườn cam nhà chú Ba bên cạnh năm nào cũng có tiếng là ngon ngọt, được anh chị báo chí tham quan, phỏng vấn. Tôi ước lúc nào đó cũng sẽ được khoe rằng “vườn cam nhà tôi là số 1, U Minh Hạ của tôi là xứ sở của cây lành trái ngọt”.
Năm tôi tốt nghiệp cấp III, nắng nóng triền miên. Nước ở những bờ ao rút xuống cạn đáy sâu. Nhà chú Ba phải bơm nước ngầm tưới cam. Nhà tôi, má phải tự làm một cái gàu vảy dài để múc nước tưới cam. Nước tưới không đủ cộng với nạn thiếu phân bón, vườn cam của má từ cằn cỗi chuyển sang khô héo, nhiều cây cam bị chết. Vụ cam năm đó má đành thu hoạch sớm. Cam chua, cam ngọt má cũng bán hết. Má đưa hết tiền cho tôi, bảo tôi theo mấy đứa bạn lên Sài Gòn.
Ngày tiễn tôi, trên đoạn đường đi hai hàng nước mắt má chứa chan: “Lên Sài Gòn, con ráng tìm việc ở công ty, xí nghiệp nào đó rồi đi học thêm để sau này khỏi cực nghe con!”. Đến con lộ đất đỏ, má dừng lại bờ cam cuối mảnh vườn, vừa cầm gàu múc nước tưới những cây cam còn sót lại vừa dõi theo tôi... Nước mắt tôi rơi nhòa theo từng nhịp chân bước...
Tôi lên Sài Gòn đã lâu, đi làm ở nhiều xí nghiệp. Gần đây tôi xin được việc làm ở một xí nghiệp phân bón. Mỗi lúc tôi nhớ cảnh má un đống un hay nhớ cảnh má cầm gàu vảy múc nước tưới cam là tôi tự nhắc mình: phải dành dụm tiền mua vài bao phân tốt để bón cho vườn cam của má... Tôi sẽ mua cho má một máy bơm nước, một máy cắt cỏ... Tôi sẽ cố gắng học thêm để trở thành một kỹ sư nông nghiệp để tự mình về chăm sóc lại những cây cam yếu sức..., cho má tôi không còn vất vả, nhọc nhằn với những ngày phơi nắng dầm mưa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận