01/06/2004 06:00 GMT+7

Vùng ven một thời con gái

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Mãi gần 30 năm sau ngày hòa bình lập lại, huyền thoại của đội nữ pháo binh huyện Bến Cát (Bình Dương) mới được chuyển tải thành những thước phim truyện, với tên gọi Vùng ven một thời con gái (kịch bản: Chu Lai, đạo diễn: Trần Vịnh).

jzgbawVO.jpgPhóng to
Các cô gái trong đội nữ pháo binh, phim Vùng ven một thời con gái - Ảnh: THBD
TT - Mãi gần 30 năm sau ngày hòa bình lập lại, huyền thoại của đội nữ pháo binh huyện Bến Cát (Bình Dương) mới được chuyển tải thành những thước phim truyện, với tên gọi Vùng ven một thời con gái (kịch bản: Chu Lai, đạo diễn: Trần Vịnh).

Bộ phim dài bảy tập này được xem là "nắm đấm" của Hãng phim truyền hình Bình Dương và vừa được chiếu cho báo chí xem trước khi lên sóng.

Kinh phí cho một tập phim truyền hình về đề tài chiến tranh không nhiều (chỉ khoảng 150 triệu), vậy mà bộ phim Vùng ven một thời con gái cũng có được những toàn cảnh chiến đấu ra trò, xe tăng rồi xe nhà binh chạy ầm ì, những cuộc chạm súng tóe lửa, căng thẳng, một số đoạn phim tài liệu về trực thăng được cài đặt khá nhuyễn. Tạo được không khí khói lửa mà không phải ngốn tiền bạc tỉ, chỉ vậy thôi đã là điểm thành công khéo léo của bộ phim.

Hẳn nhiên, nếu chỉ khéo tạo dựng những trận đánh thì vẫn chưa đủ để tạo sức hút cho một bộ phim. Phim, trước hết và trên hết, là hệ thống nhân vật, là sự khắc họa tính cách con người. Ở Vùng ven một thời con gái, có được vài số phận đáng ghi nhận. Như Ba Liên, vai diễn của Nhật Lệ, liên tục rơi vào nghịch cảnh.

Thương mẹ già đã lòa đôi mắt, thui thủi một mình nơi căn nhà lá tuềnh toàng, thế là nữ pháo thủ Ba Liên bỏ rừng bỏ cứ để về săn sóc cho mẹ. Ba Liên nuốt nước mắt chấp nhận bị hiểu lầm là hèn nhát, không chịu nổi gian khổ.

Chưa hết. Ba Liên, khi đã về nhà, lại gặp phải sự khước từ của mẹ vì bà chỉ muốn con gái tiếp tục cầm súng... Hoàn cảnh như thế làm bật lên tính cách. Mối tình của Ba Liên với Thi, xã đội trưởng, cũng lắm phen sóng gió. Họ gặp nhau là khắc khẩu, Thi cục mịch trong khi Liên lém lỉnh, thích khiêu khích, chọc giận. Khán giả có dịp nhìn thấy một tính cách linh động nơi Ba Liên.

Cũng khá sinh động là nhân vật chính Tư Lan, "linh hồn" của đội quân tóc dài bắn cối. Gan dạ cùng mình trong những cuộc đọ súng với địch, thế nhưng Tư Lan (do Minh Nguyệt đóng) lại chợt trở nên mềm mại, yếu đuối khi đứng trước Hùng (đại đội trưởng đặc công thủy, Ngọc Thảo đóng), người cô yêu. Những khoảnh khắc dễ thương dễ cảm đến thế, tạo nên chút yên bình giữa thời bom đạn ầm ã...

Hầu hết diễn viên trong phim là trẻ, mới nên cũng dễ nhận ra nét diễn của họ còn căng cứng, gượng gạo - ngoại trừ Minh Nguyệt, Nhật Lệ, Trần Bá Thi, Ngọc Thảo, Chu Hiển vượt lên, diễn xuất linh động hơn.

Đối trọng về phía bên kia là đại tá Thạch (Viết Vinh) của quân đội Sài Gòn. Thạch luôn tỏ thái độ không ưa gì tay cố vấn Mỹ, tỏ ra là người độc lập, thích lập luận chữ nghĩa, nhưng kỳ thực chỉ là sự làm xiếc ngôn từ, với mớ triết lý võ biền, rẻ tiền mà tác giả bộ phim đặt vào miệng nhân vật.

Một tính cách được xây dựng có lúc ngỡ thoát khỏi sự minh họa một chiều nhưng rồi cũng nhận ra sự đơn điệu không hơn không kém. Trong phim có đoạn xảy ra vào dịp Mậu Thân, lúc bấy giờ chế độ Diệm đã sụp đổ, thế nhưng trên phim vẫn còn trương khẩu hiệu cần lao nhân vị... Đó là vài lỗi về nhân vật, bối cảnh.

Đề tài phim chiến tranh quả không dễ làm, nhưng vẫn không thể thiếu trong đời sống phim ảnh VN. Đạo diễn Trần Vịnh được tiếng là người năng nổ, từ đây đến cuối năm sẽ lại bấm máy ba bộ phim nữa: Người đàn bà đi trong mưa (Đài phát thanh truyền hình Khánh Hòa), Tử chiến Nọc Nạn (Đài phát thanh truyền hình Bạc Liêu), Bên đường lá đỏ (Đài phát thanh truyền hình Bình Phước). Nói cách khác, Trần Vịnh đang trở thành đạo diễn mát tay mà bộ phim Vùng ven một thời con gái là dẫn chứng, nhìn chung vẫn là phim có chuyện để xem...

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên