Phóng to |
Từ trái sang: ông Nguyễn Văn Ngọc, bà Trương Mỹ Lệ, bà Trần Thị Ngọc Hảo nguyên cán bộ Thành đoàn, giao lưu với các đại biểu tại chương trình họp mặt truyền thống “Thành đoàn - viết tiếp bản hùng ca” - Ảnh: MINH ĐỨC |
“Tôi nhận nhiệm vụ từ cầu Thị Nghè băng qua bảy ngã tư, rẽ trái là dinh Độc Lập. Nhưng trong lúc vừa đánh nhau vừa di chuyển làm sao nhớ đã qua mấy ngã tư?” - ông Thận mở đầu câu chuyện như thế...
Ký ức ngày giải phóng
Lúc xe tăng tông cổng vào dinh, chủ ý của ông Bùi Quang Thận là bắt một con tin đang ngồi trong phòng đằng kia, không để ý phòng có tấm cửa kính nên... va vào ngã bật ra. “Lúc đó tôi cũng run, nhưng khi nắm con tin tôi thấy ông ta còn run hơn mình, nên quát to vừa lấy tinh thần cho mình vừa trấn áp đối phương: “Cho gặp tổng thống Dương Văn Minh”. Ông Dương Văn Minh bước ra nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này”, rồi gọi một người đưa tôi lên nóc dinh. Anh này dẫn tôi đến thang máy. Thang máy mở ra, tôi nghĩ... đó là cái hòm nhốt mình lại. Bao nhiêu năm làm nông ở Thái Nguyên, tôi nào biết thang máy là cái gì. Anh kia bảo: “Mời ông vào”, tôi nói: “Ông vào trước đi”...”.
Dân là hơi thở Bài học mà ông Nguyễn Văn Ngọc, nguyên cán bộ Thành đoàn phụ trách công tác vận động thanh niên Công giáo, nguyên thứ trưởng, phó trưởng Ban Tôn giáo chính phủ, chia sẻ tại cuộc họp mặt: “Dân chính là hơi thở, mà có thở mới sống được”. |
Bà Trương Mỹ Lệ - nguyên quyền bí thư Thành đoàn, được Thành ủy phân công chỉ huy năm cánh quân khởi nghĩa trong chiến dịch Hồ Chí Minh - xúc động: “Đã qua 35 năm tôi vẫn còn nhớ mãi”. Đó là những ngày bà cùng đồng đội Nguyễn Chơn Trung, Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Thị Ngọc Hảo, Lê Công Giàu... những học sinh sinh viên tuổi 18, đôi mươi tổ chức, chỉ huy dân nổi dậy khởi nghĩa ở Bàn Cờ - Vườn Chuối, Khánh Hội - Xóm Chiếu, Cầu Kiệu - Phú Nhuận, Cầu Bông - Bà Chiểu, Tân Phú, Tân Sơn - Bà Quẹo. Rồi trưa 30-4-1975 theo các mũi tiến công này, Thành đoàn đã tiếp quản căn nhà số 4 Duy Tân - trụ sở Tổng hội SV Sài Gòn - Gia Định...
Chất keo thế hệ
Trong 12 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm nay có ba cựu cán bộ Thành đoàn: liệt sĩ Trần Quang Cơ, đại tá Lê Tấn Quốc, má Sáu Hòa - Nguyễn Thị Tự.
Tại buổi họp mặt truyền thống, người đồng đội của liệt sĩ Trần Quang Cơ (Tám Lượng), ông Lê Hồng Tư nói: “Gần 50 năm tôi không bao giờ quên hình ảnh anh Tám Lượng tận tụy, chuyên cần”. Đó là những đêm miệt mài làm việc không ngơi nghỉ, đó là những quyết định khôn ngoan bảo toàn lực lượng “đánh là phải thắng”, đó là giây phút hi sinh của người thủ lĩnh Trần Quang Cơ để lại cho anh em tinh thần “biến đau thương thành hành động”.
Bà Nguyễn Thị Nam thì kể câu chuyện chuyển vũ khí từ ngoại thành vào nội thành đầy khôn khéo và mưu trí của má Sáu Hòa. Chất súng AK trên xe lam, khi thấy lính bộ binh cộng hòa đi càn má Sáu một đằng cho xe dừng lại, một đằng chửi lớn: “Đồ con gái hư, chỉ biết ngủ nướng, trưa trờ trưa trật, đồ ăn hư hết giờ bán cho ai?”. Lính tới bu quanh, dòm vào thấy bà Nam (bấy giờ khoảng 20 tuổi) ngồi thút thít khóc, thì nói với má Sáu: “Thôi, em nó lỡ rồi, đừng có la tội nghiệp”. Vậy là xe vũ khí đi trót lọt.
Ký ức của ông Lê Tấn Tài (bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch phường 6, Q.5) về người ba thân yêu của mình, đại tá Lê Tấn Quốc, chính là những buổi ngồi chụm củi nấu nước nghe ba giảng giải: “Lòng dân thì chặt, lòng lửa thì phải trống”. “Những điều đó thấm vào trong suy nghĩ của tôi thật tự nhiên, tự nhiên như bây giờ tôi làm việc...” - ông Tấn Tài bộc bạch.
Đó cũng chính là chất keo nối kết thế hệ trước và sau - thông điệp của ngày họp mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận