Và đây là tìm hiểu của Tuổi Trẻ về chuyện đào tạo của họ trong những ngày đội U-19 Tottenham tham dự Giải bóng đá quốc tế U-19 - Cúp Nutifood 2014.
Không có “lò luyện”
Ông Aaron Harris, HLV thể lực của đội trẻ Tottenham, cho biết có khoảng 35 cầu thủ trong độ tuổi 16-19 tại CLB. Đặc biệt, không hề có chuyện các ngôi sao trẻ ở Tottenham “thường trú” tại học viện bóng đá của đội. Mỗi tuần họ đến học viện năm ngày để tập luyện, học hành từ sáng đến tối sau đó ai về nhà nấy. Phần đông cầu thủ nhà ở khá xa nên họ thường chia thành các nhóm gồm 2-3 người và đến ngủ nhờ tại nhà người thân của một cầu thủ nào đó trong nhóm. Tại học viện, các cầu thủ đôi khi còn phải tự tay làm các công việc như vệ sinh lớp học, dọn tuyết. Mỗi tuần họ được trả lương khoảng 100 bảng.
Hình thức sinh hoạt của các học viên nhí của CLB lại càng giản dị hơn. Học viện bóng đá của Tottenham có khoảng 200 cầu thủ trẻ, chia làm ba độ tuổi. Với lứa tuổi dưới 11, bóng đá đơn giản chỉ là một hình thức sinh hoạt ngoại khóa của các học sinh sau khi tan trường và chỉ tập luyện vào buổi tối.
Với lứa tuổi từ 12-16, thời lượng tập luyện cũng chẳng hơn bao nhiêu, khi một tuần họ chỉ tập luyện cố định từ 4-6 giờ, chia làm hai buổi trong một chương trình bóng đá học đường mang tên “Ngày thư giãn” (Day release) của Anh. Theo đó, thay vì học từ sáng đến chiều, các học viên nhí của một CLB chuyên nghiệp nào đó (không riêng gì Tottenham) sẽ được lựa ra hai buổi chiều trong tuần để đi tập bóng đá và sẽ được miễn các môn học trong hai buổi đó.
Ông McDermott, HLV U-19 kiêm người quản lý công tác đào tạo trẻ ở Tottenham, cho biết: “Chương trình “Ngày thư giãn” khuyến khích mọi phụ huynh cho phép con mình tiếp xúc với các CLB chuyên nghiệp từ nhỏ. Bóng đá dù phát triển mạnh ở Anh nhưng cũng chỉ là một nghề nghiệp khá mạo hiểm nên chúng tôi muốn tạo sự thoải mái cho các cầu thủ trẻ và họ chỉ nên đưa ra quyết định chọn lựa tương lai của mình khi đã đến tuổi trưởng thành”.
Tập ít, học cũng ít
Độ tuổi ông Dermott nói đến là khoảng 16 tuổi. Thay vì vừa đi học ở các trường trung học, vừa tập luyện tại CLB, các cầu thủ đến 16 tuổi sẽ được chuyển đến sinh hoạt cố định tại học viện bóng đá của CLB Tottenham từ 2-3 năm.
Họ được nghỉ ngơi và về nhà hai ngày cuối tuần. Chương trình tập luyện và học hành của các học viên rải đều vào các buổi sáng, chiều, tối từ thứ hai đến thứ sáu với khoảng 20 giờ tập bóng đá và 15 giờ học văn hóa mỗi tuần. Đó thật sự là những con số rất ít.
Học viện của Tottenham có tám thầy dạy văn hóa từ Barking Abbey School, họ có trách nhiệm đào tạo một chương trình học tương tự các trường trung học phổ thông cho các học viên của CLB. Có không ít ngôi sao trưởng thành từ học viện Tottenham đã thi đậu và hiện đang học đại học như David Button, Oscar Jansson... lứa cầu thủ “tốt nghiệp” cách đây ba năm của CLB. Ở Anh, phần lớn các trường đại học đều có khoa thể thao nên việc các cầu thủ có thể học đại học không phải là chuyện xa lạ.
Trong những ngày cuối cùng tại TP.HCM, các cầu thủ U-19 Tottenham có một buổi sinh hoạt chia thành nhiều nhóm nhằm đi tìm hiểu về cuộc sống ở TP.HCM thông qua việc tìm cách mua đồ, trả giá, tự tìm đường... Các cầu thủ cho biết đó không chỉ là một trò chơi đơn thuần mà là một đề tài ngoại khóa của môn xã hội học mà họ sẽ trình bày khi trở về học viện. Ông McDermott cho biết: “Việc học văn hóa với các cầu thủ chuyên nghiệp luôn rất khó khăn. Vì vậy chúng tôi hướng đến việc đào tạo cho họ những kỹ năng làm việc sau này. Phần đông các học viên không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đều có thể trở thành HLV, chuyên gia dinh dưỡng... sau ngày giải nghệ”.
[box]Học viện bóng đá liên kết trường trung học danh tiếng
Ông McDermott cho biết việc học tại các học viện bóng đá của Anh tương tự chương trình học tín chỉ. Các học viên chia làm hai lớp theo độ tuổi sẽ được lựa chọn những môn học mà mình thích bên cạnh vài môn học bắt buộc như ngoại ngữ, toán... Phần lớn các môn học này nhằm đào tạo kỹ năng quản lý thể thao cho các cầu thủ, gồm xã hội học, tài chính, dinh dưỡng, nấu ăn, diễn thuyết... Tất cả học viện bóng đá của Anh đều có mô hình tương tự.
Thời gian học ít nên các học viện bóng đá đặc biệt chú trọng vào chất lượng giảng dạy. Theo ông McDermott, các học viện bóng đá của Anh đều liên kết với các trường trung học danh tiếng trong vùng. Chẳng hạn với Tottenham đó là trường Barking Abbey School, nổi tiếng về ngành nhân văn và thể thao ở Anh.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận