20/05/2008 19:37 GMT+7

Vừa đau khớp vừa nhiễm trùng tiểu

BS TĂNG HÀ NAM ANH
BS TĂNG HÀ NAM ANH

TTO - * Ông xã em năm nay 27 tuổi, bị đau khớp đã hơn một năm, khoảng ba tháng gần đây bệnh có dấu hiệu nặng hơn. Anh ấy đi xét nghiệm ở Trung tâm Medic (TP.HCM), kết quả xét nghiệm có một số chỉ tiêu vượt quá cho phép như sau:

gDp9nWQB.jpgPhóng to
Lắng tụ tinh thể acid uric trong khớp gối thấy qua nội soi khớp gối. Ảnh N.A
TTO - * Ông xã em năm nay 27 tuổi, bị đau khớp đã hơn một năm, khoảng ba tháng gần đây bệnh có dấu hiệu nặng hơn. Anh ấy đi xét nghiệm ở Trung tâm Medic (TP.HCM), kết quả xét nghiệm có một số chỉ tiêu vượt quá cho phép như sau:

Na = 26 L (132-145mmol/L); Cl = 96 L (100-110 mmol/L); WBC = 12.9 H (4.0-10.0)10^9/L; PLT 462 H (130-400) 10^9/L; ASO (Quantitative) = 572.82 H (<200ui/ml); CRP (Quantitative) = 42.65 H (8mg/l Âm tính); Uric Acid/Serum = 5.54 H (3-5.50 mg/100ml).

Những chỉ tiêu khác thì bình thường, trong giới hạn cho phép. Bác sĩ kết luận anh ấy bị đau khớp nặng, có dấu hiệu sắp biến chứng qua hở van tim, nước tiểu có quá nhiều chất cặn nên giải pháp đưa ra là uống ít nhất 3 lít nước/ngày để lọc bớt chất cặn!

Bác sĩ cũng cho toa thuốc điều trị bệnh đau khớp. Vậy bác sĩ vui lòng cho hỏi với kết quả xét nghiệm như thế tình trạng bệnh có nghiêm trọng hay không? Có điều trị hết hẳn được không? Ăn uống có kiêng cữ gì không? Làm việc nhiều có ảnh hưởng đến tình trạng bệnh không?

(Mỹ Hằng)

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Gửi bạn Mỹ Hằng,

Về các chỉ số bạn gửi cho chúng tôi, natri và clo trong máu không liên quan nhiều đến bệnh lý khớp nên chúng tôi không phân tích ở đây.

Về công thức máu cho thấy bạch cầu tăng so với chỉ số bình thường, nhưng rất tiếc bạn không cho chúng tôi công thức cụ thể nên khó biết loại bạch cầu nào tăng. Như vậy chỉ biết rằng cơ thể có thể có tình trạng nhiễm trùng cộng với tình trạng CRP tăng cao chứng tỏ cơ thể có tình trạng viêm. Cộng với tình trạng bạch cầu cao chúng tôi nghĩ rằng có thể đang có tình trạng nhiễm trùng.

Bạn nói rằng nước tiểu có nhiều cặn nhưng chúng tôi không thấy kết quả phân tích nước tiểu nên không biết tình trạng nhiễm trùng này có phải do nhiễm trùng tiểu không? Ông xã bạn có bị tiểu gắt, buốt không? Nếu có thì có nhiều khả năng là nhiễm trùng tiểu.

Có vẻ như nồng độ acid uric trong máu của ông xã bạn hơi tăng so với bình thường. Nhưng chúng tôi lại không biết những triệu chứng khác như anh có hay bị đau khớp ngón chân, gối, cổ chân mỗi khi đi nhậu về hay khi ăn nhiều đồ ăn có chất đạm như đồ biển không? Nếu có thì đó là gợi ý cho một bệnh gút.

Chúng tôi nghĩ rằng việc kết luận bệnh khớp nặng, có biến chứng qua hở van tim là do các bác sĩ nhìn thấy kết quả ASO tăng cao. ASO chính là kháng thể antistreptolysin-O của vi khuẩn liên cầu khuẩn nhóm A. Đây là loại vi khuẩn gây viêm họng cho các bé từ 5-15 tuổi. Trước 3 tuổi hay sau 21 tuổi tỉ lệ này rất hiếm.

Có quá nhiều câu hỏi cần đặt ra: chồng bạn đau khớp một năm nhưng có bớt hay liên tục cho đến giờ? Đau khớp có kèm đau họng trước đó hay không? Tình trạng viêm họng đến bây giờ có bị tái phát hay không?

Trên thực tế không phải đau khớp sau nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A (mà bệnh được gọi là thấp khớp cấp) gây biến chứng chạy vào tim làm hở van tim.

Nguyên nhân chính của việc nhiễm trùng hầu họng do vi trùng này gây ra lại có biểu hiện trên khớp, tim, van tim, não chính là vì protein M của vi khuẩn này có bộ mặt giống bộ mặt của các protein ở màng khớp, cơ tim, van tim. Do đó cơ thể khi tạo kháng thể tấn công vi khuẩn này lại tấn không luôn cả khớp, cơ tim, van tim cùng một lúc. Bệnh có thể biểu hiện ở khớp, cơ tim, van tim cùng một lúc hay ở những giai đoạn khác nhau.

Và điều cuối cùng có thể khiến bạn lo lắng do sự giải thích đôi khi chung chung theo kiểu phổ thông đại chúng cho bệnh nhân gây hiểu lầm dẫn tới việc nghĩ rằng khi viêm khớp rồi sẽ dẫn tới viêm cơ tim, hở van tim…

Tóm lại trong trường hợp chồng bạn, chúng tôi nghĩ đến khả năng sau:

Có thể bị nhiễm trùng tiểu và viêm khớp phản ứng. Nhiễm trùng do vi trùng gì thì cần phải lấy nước tiểu cáy để định danh vi trùng. Khi điều trị hết nhiễm trùng viêm khớp sẽ tự lui.

Chồng bạn có thể bị gút, khi đó cần điều trị theo hướng này bằng chế độ thuốc và ăn kiêng. Nếu các tinh thể acid uric đã lắng tụ vào khớp gây đau kháng trị với thuốc, có thể phẫu thuật nội soi làm giảm bớt tình trạng này.

Và điều cuối cùng ít xảy ra nhất là chồng bạn bị thấp khớp cấp do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Nếu vậy cần điều trị viêm họng bằng kháng sinh và điều trị viêm khớp cùng lúc. Việc phòng ngừa kháng sinh cho nam giới trên 21 tuổi không có biến chứng trên tim hay não là không cần thiết.

Chúng tôi khuyên bạn nên đưa chồng cùng với kết quả xét nghiệm đến một bệnh viện có khoa nội khớp hay chấn thương chỉnh hình để các bác sĩ kiểm tra kỹ hơn với những thông tin hỏi thêm về tình trạng bệnh của ông xã chị.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

BS TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên