![]() |
Học trò vùng sâu qua cầu treo đến trường, xã Bình Phú, Châu Phú |
Sáu Quý còn nghĩ ra và làm nhiều chuyện lạ đời hơn người ta như chế ra chiếc “ho bo” tương tự như vỏ tắc ráng, nhưng có hình dáng thon dài giống trái bom để gắn “máy đuôi tôm” phóng bay bay như tên bắn trên mặt đồng ruộng mênh mông và các kênh rạch quê nhà.
Và bên cây đàn ghita phím lõm, giọng hát Sáu Quý không xuất sắc lắm nhưng vừa đàn vừa hát thì đúng là một nghệ sĩ thứ thiệt của phong trào đờn ca tài tử vùng nông thôn Nam bộ. Và khi nói về chuyện làm cầu treo thì anh hào hứng lắm...
An Giang có nhiều tuyến kênh rạch chằng chịt. Và khó có thể đếm hết để biết có bao nhiêu cây cầu tre hay cầu ván tạm bợ. Đời sống phát triển, đi lại nhiều, phải thay những chiếc cầu ấy bằng những chiếc cầu vững chắc, an toàn hơn.
An Giang thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc xây dựng nông thôn mới. Nhu cầu xây dựng cầu được đưa ra dân bàn bạc, góp ý, tính toán chi phí, tự nguyện đóng góp, tham gia giám sát thi công và nghiệm thu công trình “của mình” trên tinh thần thực thi dân chủ cơ sở, và những cây cầu treo đã xuất hiện ngày càng nhiều... Trong phong trào ấy nổi lên một... “ngôi sao”: anh Phạm Ngọc Quý, 42 tuổi, ở ấp Hưng Thạnh, xã Đào Hữu Cảnh mà người dân An Giang phong làm “vua cầu treo”.
Bắt đầu từ những ưu tư khi thấy con em chòm xóm phải đẩy xuồng qua sông để đến Trường tiểu học B Bình Phú, Châu Phú (An Giang), anh Quý đã tính đến chuyện xây cầu. Nhưng làm cầu tre, những ngày mưa thân tre trơn láng dễ làm trẻ em té sông rất nguy hiểm; còn cầu lót ván phải cắm trụ dưới lòng kênh 13 thì ghe tàu đi ngang, nhất là loại xáng cạp hay đi nạo vét kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu, phải tháo dỡ cầu...
Cần có một cây cầu vừa ít tốn kém, vừa có thể an toàn, không cản trở giao thông thủy và tồn tại lâu dài là một bài toán đố đầu tiên thách thức anh. Xem truyền hình, nghe, thấy có những cây cầu treo bắc ngang sông rạch, nhất là cầu dây bắc qua sông suối phục vụ kháng chiến..., anh Quý nhận ra một phương pháp giải đáp vướng mắc của mình.
![]() |
Anh Phạm Ngọc Quý chuẩn bị bàn giao cầu treo bắc ngang kênh 10 ở ấp Qưới, thị trấn Cái Dầu, Châu Phú, An Giang |
Thế là cây cầu đầu tiên, có bề mặt rộng 1,2m bắc ngang kênh 13 dài gần 30m ngay Trường tiểu học B, xã Bình Phú được xây dựng, giúp bà con có thể qua lại dễ dàng, trẻ em đến trường an toàn.
Ngày ấy (1990), tôi đến tìm hiểu và trông nó cũng đẹp lắm, tôi bỏ xe gắn máy bên kia kênh và đi cùng đám học trò bước lên cầu. Các em tung tăng hớn hở mà lòng tôi... run vì mặt ván của cầu dưới chân tôi cũng đang đong đưa khẽ.
Tiếp đến là cây cầu nằm trên con đường ven kênh 13, ở đoạn có con kênh 10 vốn là ranh giữa hai xã Bình Phú và Đào Hữu Cảnh (Châu Phú). Đi tuyến đường này phải đẩy xe gắn máy xuống ghe chở qua bờ bên kia của con kênh 10 vừa rộng, vừa sâu. Với 42 triệu đồng, cây cầu treo có bề mặt 2m, dài hơn 40m hoàn thành làm nức lòng bà con.
Cây cầu này đã được Sáu Quý tính toán cẩn thận với hai mố cầu đổ bêtông, buộc dây néo làm cáp treo trên đỉnh bốn trụ cầu xốc dưới mép sông rất chắc chắn. Những chiếc xe suốt lúa, xay xát gạo có trọng lượng trên 1 tấn qua lại cầu dễ dàng đã chứng minh anh nông dân nòi khi chịu làm cũng không thua gì kỹ sư cầu đường thứ thiệt.
Tin lành đồn xa, Sáu Quý được nhiều nơi mời đến làm cầu: tuyến kênh xáng Châu Thành - Tri Tôn có bốn cây cầu treo. Cầu treo ở Mương Trâu (huyện Châu Thành), cầu treo ở Ô Long Vỹ, cầu treo ở ấp Bình Đức - đặc biệt, kinh phí làm cầu treo tính ra chỉ bằng khoảng 60% cầu xây bằng bêtông cốt thép, như cầu bắc ngang kênh xáng Cây Dương - qua UBND xã Bình Phú có bề mặt rộng 2,5m, dài 64m, kinh phí 164 triệu đồng.
Cầu treo ở ấp Long Châu Hai - bắc qua ấp Long Châu Ba, thuộc xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú) có bề mặt rộng 2,5m, dài 76m, kinh phí 180 triệu đồng. Đến nay Sáu Quý đã xây dựng được trên 50 cây cầu treo, trong đó chỉ riêng huyện Châu Phú quê tôi anh đã dựng 32 cây cầu treo, số còn lại anh xây dựng ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành và An Minh (Kiên Giang).
Cũng không ít nhà khoa học kỹ thuật, những kỹ sư cầu đường không phục và biếm nhẽ khi... không đọc được bản vẽ những chiếc cầu của Sáu Quý. Anh không có may mắn được đào tạo trường lớp thì làm sao có thể trình bày ý tưởng của mình bằng những bản vẽ kỹ thuật với những hình cắt ngang, cắt dọc, với những ký hiệu qui ước của bộ môn sức bền vật liệu và những thông số kỹ thuật khi vẽ thiết kế nên khó lòng được các nhà khoa học chấp nhận.
Cũng chính vì vậy mà một số nơi muốn mời anh đến xây dựng những chiếc cầu treo phù hợp với ngân sách địa phương bị rào cản của những qui định pháp lý khi thanh quyết toán, nghiệm thu công trình nên đành chờ có kinh phí, có thiết kế và thi công của cơ quan chuyên ngành...
Còn dân An Giang quê tôi hiểu được những điều mà Sáu Quý chưa thể hiện được trong bản vẽ nhưng thể hiện trong tâm hồn, đó là tấm lòng hết mình vì mọi người của anh và bà con tin tưởng gom góp tiền nhờ anh làm cầu treo cho quê mình.
Và ai cũng biết những cây cầu quê tôi được Sáu Quý dựng nên không tốn tiền thuê nhà tư vấn, tiền thiết kế, tiền phần trăm huê hồng khi mua vật tư... Và có những cây cầu Sáu Quý làm giúp địa phương không tính tiền công... nên giá đầu tư thi công rất rẻ. Bà con tự đóng góp, tự đi mua vật tư, công khai tài chính và góp thêm công lao động cùng anh xây dựng cầu cho mình.
Giờ đây, sau khi quan sát, nghiên cứu từ mô hình cầu dây văng Mỹ Thuận, những chiếc cầu treo sau này đã được Sáu Quý cải tiến ngày càng chắc chắn, kiên cố hơn với những trụ bêtông thay trụ gỗ, dây văng căng ra trên đỉnh bốn trụ bêtông không còn treo trên những dây cáp nữa.
Anh cũng đã đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ xây dựng cầu, tạo được êkip thợ hồ, thợ mộc quen việc nên giờ đây anh đã rút ngắn thời gian xây dựng và ngày càng có nhiều chiếc cầu treo xuất hiện ở nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và ở đâu người ta cũng kêu anh là “vua cầu treo”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận