07/12/2011 06:05 GMT+7

Vu vơ chuyện viết thư tay

DIỄM KIỀU (Quy Nhơn)
DIỄM KIỀU (Quy Nhơn)

AT - Tôi tự phong cho mình biệt danh “Rảnh quá mức”. Tôi cũng rảnh thật vì ngoài công việc, đa số thời gian của tôi là đọc sách.

7u9t3cpL.jpgPhóng to
Minh họa: NGÔ VŨ HÀ MY

Lại vu vơ lục đống giấy vụn ra, nói là giấy vụn chứ thật sự đối với tôi nó là “của quý hiếm" vì nó được tích góp khá lâu: những thư tình của người tình đầu, những lá thư của mẹ gởi cho tôi khi tôi là sinh viên, những lá thư của bạn bè trên mọi miền viết cho tôi để làm quen. Tôi nâng niu chúng và coi như đó là vật quý báu của riêng mình. Tôi lại bắt đầu cầm bút và viết. Lá thư gần đây nhất tôi viết cho một bà cô ở nước ngoài, với nội dung chúc tết và kể tình hình tết ở Việt Nam. Cảm giác đặt bút ghi:

Quy Nhơn,

Ngày… tháng… năm...

Sao mà khác lạ quá!

Cũng đã lâu rồi tôi không còn viết thư cho ai, cũng đã lâu lắm rồi tôi không còn nhận thư ai, để hồi hộp đọc từng dòng chữ và để khát khao đợi chờ mong tin thư.

Bắt đầu tôi lân la đi hỏi vài người tôi quen biết, bạn có nhớ mình viết thư gởi cho ai đó gần đây nhất là khi nào?

- Chắc cũng năm năm rồi mình không còn viết thư và cũng không nhớ viết thư là gì nữa.

- Ôi, buồn thật!

Anh có còn viết thư nữa không?

- Vớ vẩn. Ai đời giờ còn viết thư chi cho khổ sở. Điện thoại, email đầy ra đấy viết thư mà chi, lạc hậu quá!

- Ôi, buồn thật!

- Chị đã viết thư lần nào chưa?

- Có, lúc xưa còn viết dăm ba lá thư, giờ cũng quên rồi và cũng chả biết viết cho ai, làm gì.

- Ôi, nghĩ cũng buồn!

Đại loại là tôi rảnh nên liệt kê vậy đấy. Và tôi lại nghĩ vu vơ. Ngày xưa, thời chinh chiến những chị, những mẹ, những em gái, người yêu viết thư rồi cẩn thận gởi ra mặt trận nơi bom rơi, đạn nổ, mong người thân yêu của mình nhận được thư. Rồi cũng từ nơi mặt trận đó, ngày đêm hành quân, chiến đấu, thế mà các chiến sĩ vẫn cố gắng viết vội vài dòng gởi về quê nhà nơi hậu phương ngóng đợi. Những lá thư đó có khi đi nửa năm mới đến, có khi thư đến nơi người nhận thì người viết đã hi sinh, thế mà thư vẫn viết vẫn gởi.

Tôi còn nhớ bài thơ Lượm của Tố Hữu. Chú bé liên lạc chuyên đưa thư không sợ hiểm nghèo. Mới thấy lá thư được trân trọng đến mức nào.

Thôi không nói chuyện xưa nữa, không khéo người khác nói tôi “lạc hậu”!

Năm năm trước, lúc tôi đi học xa, cứ dăm hôm, nửa tháng là mẹ lại gởi thư cho tôi. Chẳng biết viết gì, mẹ cứ dặn dò con gái cố gắng lo học, ăn uống, giữ gìn sức khỏe. Mẹ tôi siêng viết thư lắm. Tháng nào tôi cũng nhận hai đến ba lá thư của mẹ.

Còn tình yêu của tôi ngày đó với những lá thư dài, những dòng cảm xúc được thể hiện trên trang giấy trắng với nét chữ quen thuộc, thân thương. Và tôi nghĩ những người viết thư có cảm xúc thật mới viết lên giấy. Không như bây giờ chỉ một tin nhắn ”Anh yêu em” mà gởi đến chục người trong danh bạ điện thoại, lặp đi lặp lại, sáo rỗng, vô cảm.

Tự nhiên tôi nghĩ: “Ai viết thư tỏ tình mình, chắc mình sẽ cảm động lắm đấy!”. Những lá thư, những tình cảm chứa chan trong từng câu chữ vậy mà bây giờ nhiều người cũng đã quên. Tôi nghĩ chắc trong giáo dục phổ thông cũng không còn dạy bài “Cách viết thư” nữa rồi, nên lứa trẻ giờ đâu biết viết thư mà chỉ biết chat chít, nhắn tin, điện thoại mà thôi.

Những bì thư bây giờ chỉ là nơi bỏ tiền vào và trao đi. Đám cưới cũng bì thư, đám tang cũng bì thư, đám tiệc cũng bì thư. Đi họp cũng bì thư, muốn con vào học trường điểm cũng bì thư, muốn con cháu vào cơ quan nọ làm việc cũng bì thư, cấp cứu ca mổ cũng bì thư… Tất tần tật, bì thư bỏ tiền vào và trao đi để mong nhận lại cái lợi cho mình.

Bây giờ chẳng ai rảnh mà viết thư, bỏ vào phong bì rồi ra bưu điện mua con tem hai ngàn đồng, dán vào chỗ góc phải, ghi địa chỉ một người bạn thân và đem bỏ vào thùng thư. Tôi đảm bảo bây giờ không còn mấy ai làm như thế nữa.

Tôi mong rằng ai đó đọc xong bài viết này đột nhiên cầm bút viết lên giấy những suy nghĩ, tình cảm của mình và gởi cho một người thân đã lâu không gặp. Tôi tin rằng “người nhận thư sẽ rất ngạc nhiên, có khi còn nói “Bạn bị hâm à”. Nhưng cũng có khi họ hạnh phúc khi đọc thư bạn. Vì bao năm rồi có ai viết thư cho họ nữa đâu.

Và cũng lâu rồi tôi chưa nhận một lá thư viết tay của ai đó gởi cho tôi. Chợt nhiên thèm cảm giác nhận thư, cắt phong bì và đọc ngấu nghiến từng chữ trong đó. Thật hạnh phúc!

ophYo3Ed.jpgPhóng toÁo Trắngsố 22 ra ngày 01/12/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

DIỄM KIỀU (Quy Nhơn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên