Phóng to |
Nhiều hộ dân ở xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đang mong nhận được tiền bồi thường của Vedan để khôi phục sản xuất - Ảnh: N.TRIỀU |
- Trước đây vào thời điểm tháng 5-2009, khi tiến hành xác minh thiệt hại của người dân Cần Giờ do ảnh hưởng từ việc xả thải của Vedan thì có đến hơn 1.000 hộ phản ảnh có thiệt hại. Sau đó, khi đối chiếu ranh mốc với vùng thiệt hại trên địa bàn huyện Cần Giờ do Viện Môi trường - tài nguyên tính toán, số hộ trong phạm vi ảnh hưởng là 839 hộ.
Chúng tôi đại diện theo ủy quyền để thương thảo đòi Vedan bồi thường thiệt hại cho những hộ này.
Tuy nhiên sau khi Vedan chấp nhận bồi thường, nhiều hộ ngoài danh sách đã ủy quyền tìm đến tôi và Hội nông dân, UBND huyện Cần Giờ khiếu nại, đề nghị được xem xét chi trả thiệt hại.
Sau khi huyện Cần Giờ niêm yết công khai danh sách chi tiết các hộ trong diện được chi trả thì cũng phát sinh khiếu nại lẫn nhau rằng diện tích của hộ này chưa đúng, thời gian bị thiệt hại của hộ kia chưa hợp lý... Do đó, chúng tôi cùng Hội nông dân và các bộ phận chuyên môn của huyện Cần Giờ phải rà soát, giải quyết các khiếu nại đó trước khi chi trả tiền cho người dân.
* Nhưng việc giải quyết khiếu nại kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều hộ dân đang mong mỏi nhận được tiền bồi thường?
- Chúng tôi hiểu niềm mong đợi của người dân, nhất là khi Vedan đã chuyển trả tiền đợt 1 như cam kết. Nhưng khi có phát sinh khiếu nại thì buộc phải xác minh, giải quyết, trả lời theo đúng trình tự để bảo đảm việc chi trả tiền được khách quan, chính xác nhất. Nói như thế không có nghĩa phải chờ đến khi nào người dân thôi khiếu nại mới chi trả tiền.
Hiện huyện Cần Giờ đang hoàn tất danh sách với số liệu chi tiết cho từng hộ và dự kiến công bố lần thứ hai vào cuối tháng này. Nếu người dân còn thắc mắc, khiếu nại thì sẽ được giải quyết, trả lời dứt điểm trong vòng năm ngày. Sau đó chúng tôi sẽ phối hợp với huyện Cần Giờ chi trả tiền bồi thường ngay cho người dân.
* Nếu có trường hợp nào đó vẫn chưa hài lòng và tiếp tục khiếu nại thì sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?
- Làm hài lòng tất cả mọi người là việc không dễ. Do đó, ngay từ khi nhận được tiền bồi thường của Vedan, huyện Cần Giờ đã họp bàn rất kỹ và lập các tổ chuyên môn với sự tham gia của các ngành, các đoàn thể để phối hợp và giám sát lẫn nhau trong quá trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại.
Chúng tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể trên nguyên tắc khách quan, công bằng và đúng pháp luật.
* Tiền bồi thường đã được Vedan chuyển trả lần đầu cách đây hơn hai tháng, trong thời gian đó có phát sinh lãi không và việc chi trả sẽ thực hiện như thế nào?
- Theo ký kết giữa hai bên, tiền bồi thường của Vedan được chuyển thẳng vào tài khoản của Hội Nông dân huyện Cần Giờ tại Kho bạc Nhà nước huyện Cần Giờ, vì vậy trong thời gian qua không phát sinh lãi. Việc chi trả cho người dân cũng sẽ được thực hiện qua Kho bạc Nhà nước huyện Cần Giờ.
* Nhiều hộ dân trong diện được bồi thường từng vay vốn từ quỹ xóa đói giảm nghèo và các nguồn vốn khác còn chưa trả hết. Liệu các khoản nợ này có bị cấn trừ khi người dân nhận tiền bồi thường không, thưa ông?
- Đây cũng là điều mà chúng tôi quan tâm và sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng để bảo đảm tiền bồi thường được chuyển đến tay người dân đầy đủ. Phải xác định tiền bồi thường là nguồn vốn khắc phục thiệt hại, là tiền để người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Những trường hợp nợ vay nếu đến hạn thì có thể nhắc người dân hoàn trả sau khi nhận được tiền bồi thường, còn việc cấn trừ trong trường hợp này là điều tối kỵ.
Tháng 11 sẽ chi trả tiền đợt 1 cho dân Đồng Nai * Phát sinh 2 hộ dân kiện Vedan ra tòa đòi bồi thường 18 tỉ đồng Sau khi Vedan chấp nhận bồi thường gần 120 tỉ đồng, địa phương đã có một số phát sinh nên ban chỉ đạo bồi thường thiệt hại dự kiến sẽ áp giá, chi trả tiền đợt 1 cho người dân trong tháng 11-2010. Ông Lâm Ngọc Trao - chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), phó ban chỉ đạo chi trả tiền bồi thường của huyện - cho biết như vậy chiều 25-10. Theo ông Trao, danh sách người dân bị thiệt hại do Vedan đã được niêm yết tại hai xã Long Thọ, Phước An để người dân theo dõi. Mọi thắc mắc, khiếu nại của bà con sẽ được địa phương xem xét. Sau khi rà soát kỹ danh sách người dân bị thiệt hại mới thực hiện việc áp giá cho từng loại hình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và việc này cũng công khai ở địa phương. Riêng những việc phát sinh, ông Trao cho biết có những hộ từng làm việc ở lâm trường đòi bồi thường nên ban chỉ đạo đang xem xét có giải quyết không. Mặt khác, số tiền bồi thường như hiện nay nếu căn cứ trên sản lượng đánh bắt theo cách tính của Viện Môi trường - tài nguyên thì có sự chênh lệch khá lớn giữa hai địa bàn xã Phước An và Long Thọ. Do vậy ban chỉ đạo bồi thường đang tính toán thật kỹ để tránh sự chênh lệch quá lớn giữa hai xã và tránh những thắc mắc của người dân. Tại huyện Long Thành, ông Nguyễn Văn Ngẫu - chủ tịch UBND huyện, phó ban chỉ đạo bồi thường của huyện - cho biết việc rà soát danh sách thiệt hại của dân ở xã Long Phước tương đối ổn nhưng tại xã Phước Thái đang thực hiện rất chậm. Ông Ngẫu nói số tiền Vedan chuyển đợt 1 cho huyện vẫn còn nằm ở huyện vì tinh thần của ban chỉ đạo là làm cẩn thận, không để xảy ra tranh chấp, khiếu nại. Vì vậy việc áp giá bồi thường và chi trả tiền cho dân cũng sẽ được thực hiện vào giữa tháng 11-2010. Theo ông Ngẫu, sau khi Vedan chấp nhận bồi thường đã có hai hộ dân tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) và TP.HCM kiện Vedan ra tòa và yêu cầu bồi thường số tiền khoảng 18 tỉ đồng. Vụ kiện này đã được Tòa án huyện Long Thành thụ lý. Huyện Long Thành sẽ xác minh hai hộ đi kiện nói trên có sản xuất thực tế ở huyện hay không, đồng thời gặp gỡ giải thích cho những hộ khiếu kiện rõ. Trả lời câu hỏi “Trong cam kết Vedan chỉ bồi thường gần 120 tỉ đồng khi không có phát sinh khiếu kiện. Vậy trong tình huống người dân vẫn kiện, huyện sẽ giải quyết ra sao?”, ông Ngẫu cho biết trước đây khi Hội nông dân tham gia giải quyết vụ việc Vedan, hai hộ dân đi kiện nói trên không gặp hội để kê khai thiệt hại. Nay nếu thuyết phục mà hai hộ dân này vẫn không chấp nhận rút đơn khởi kiện thì huyện sẽ tiếp tục làm việc với Vedan về vấn đề này. Trước đó vào giữa tháng 9-2010, Vedan đã chuyển 60 tỉ đồng tiền bồi thường đợt 1 (Long Thành 15 tỉ đồng, Nhơn Trạch 45 tỉ đồng). Theo cam kết, số tiền còn lại trên 59,5 tỉ đồng sẽ được Vedan thanh toán đợt 2 chậm nhất vào ngày 14-1-2011. Trong đó, nông dân bị thiệt hại ở huyện Long Thành sẽ nhận được trên 15,7 tỉ đồng và Nhơn Trạch nhận hơn 43,8 tỉ đồng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận