Bà Nguyễn Thị Cúc Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: XUÂN MAI
Đó là bà Nguyễn Thị Cúc Anh (62 tuổi, ngụ xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho) - nạn nhân trong vụ tài xế gây tai nạn rồi bỏ lại ở đoạn đường vắng vào khoảng 1h ngày 27-10 vừa qua.
Phải ngồi tựa vào thành giường bệnh một cách khó khăn vì tổn thương cột sống sau vụ tai nạn, bà Cúc Anh bần thần kể lại: "Tôi đang đi xe đạp sát lề thì bất ngờ bị một chiếc xe màu trắng tông. Lúc sau, tài xế xuống xe cho rằng tôi đi giữa làn nên mới gây ra tai nạn. Nhưng vị trí chiếc xe đạp của tôi sau tai nạn xảy ra vẫn còn nằm sát lề đường".
Sau khi xảy ra tai nạn, người dân đã yêu cầu tài xế xe 7 chỗ chở bà Cúc Anh đến bệnh viện gần nhất. Tuy nhiên, tài xế này có ý định bỏ chạy nên người dân đã kịp chụp bảng số xe.
Lúc chuẩn bị lên xe trên đến bệnh viện, bà Cúc Anh lấy điện thoại cá nhân gọi người nhà và yêu cầu đợi người nhà đi cùng. Tuy nhiên, vì vết thương quá đau nên bà đành phải lên xe một mình để tài xế chở đi.
Khi đi tới đoạn đường vắng, tài xế này cự cãi với bà Cúc Anh, đồng thời yêu cầu bà xuống xe. Tại đây, bà Cúc Anh vịn chặt cửa xe nhưng vẫn bị tài xế này dùng chân đạp mạnh xuống đường.
Lúc này, bà Cúc Anh cố gượng dậy kêu người đi đường nhưng họ không nghe thấy. Một số người thấy nhưng không biết chuyện gì nên bà Cúc Anh tìm điện thoại và gọi đến em trai.
Người nhà nạn nhân cho biết bà Cúc Anh gãy 3 đốt cột sống sau vụ tai nạn - VIDEO: XUÂN MAI
Ngay sau đó bà Cúc Anh được em trai mình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang. Tuy nhiên, do chấn thương nặng nên phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 2h sáng ngày 29-10.
Người nhà nạn nhân - anh Huỳnh Minh Đăng (ngụ TP.HCM) - cho biết các bác sĩ chẩn đoán bà Cúc Anh bị gãy 3 cột sống. Hiện đi lại khó khăn, chỉ nằm và ngồi một chỗ.
Có tình tiết tăng nặng
Luật sư Lê Trung Phát, đoàn luật sư TP HCM cho rằng hành vi của người lái xe có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (điểm C, khoản 2, điều 260 Bộ luật hình sự 2015).
Hành vi của người lái xe là đã gây ra tai nạn cho nạn nhân. Theo khoản 1, điều 260, tùy theo tỷ lệ thương tật của nạn nhân (hoặc nạn nhân chết) mà người gây tai nạn có thể bị phạt tù tối đa đến 5 năm.
Tuy nhiên, hành vi của người gây tai nạn trong trường hợp này là gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. Như vậy, hành vi này rơi vào tình tiết định khung hình phạt của điểm C, khoản 2 có hình phạt cao nhất đến 10 năm.
Với tình tiết định khung này thì luật không đặt ra vấn đề tỷ lệ thương tích của nạn nhân là bao nhiêu hoặc nạn nhân có tử vong hay không. Tình tiết định khung này chú trọng vào ý thức trốn tránh tránh nhiệm, bỏ mặc hậu quả, không cứu người của người gây tai nạn.
Ngoài trách nhiệm hình sự thì người gây tai nạn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, chữa trị cho nạn nhân.
Riêng trường hợp bất kỳ ai đi đường mà trông thấy người gặp tai nạn trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không có hành động cứu giúp dẫn đến nạn nhân bị chết thì có thể bị xử lý hình sự về tội danh "Tôi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" (điều 132 Bộ luật hình sự 2015).
ÁI NHÂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận