01/02/2012 08:37 GMT+7

Vụ Tiên Lãng: Chính quyền xã "không biết" nhiều việc

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Ngày 31-1, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài nguyên - môi trường đã có mặt tại Hải Phòng, bắt đầu đợt thanh tra, kiểm tra đất đai ở huyện Tiên Lãng.

Ngay chiều cùng ngày, đoàn thanh tra, kiểm tra do phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) Lê Văn Lịch làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Tiên Lãng.

Xem hồ sơ vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng trên TTO

O1flEm4y.jpgPhóng to
Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - môi trường rời khỏi trụ sở UBND huyện Tiên Lãng và từ chối thông tin cho báo chí - Ảnh: T.Hoàng

Buổi làm việc kéo dài tới 18g, chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh đã từ chối cho báo chí tham dự, từ chối thông tin về nội dung buổi làm việc. Theo một lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, trong những ngày tới đoàn thanh tra, kiểm tra của bộ sẽ tiếp tục lắng nghe và tìm hiểu thông tin từ nhiều phía liên quan đến việc giao đất, thu hồi đất của huyện Tiên Lãng, cũng như quá trình thực hiện các chính sách pháp luật về đất đai đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng.

Chủ tịch xã Vinh Quang: Tôi rất mệt mỏi!

Sai phạm nghiêm trọng về mặt chủ trương

Về thông tin gia đình ông Đoàn Văn Vươn năm 2005 từng được bồi thường khi bị thu hồi đất để Tổng đội Thanh niên xung phong 13-5 TP Hải Phòng triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nuôi tôm xuất khẩu tại khu Cống Rộc, nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ phân tích: cùng quỹ đất giao cho một người nhưng trước đây thu hồi thì bồi thường, bây giờ thu hồi (giả sử là nhằm mục đích chính đáng) nhưng không bồi thường là cho thấy có sự mâu thuẫn trong vận dụng chính sách pháp luật về đất đai. Ông Võ nhấn mạnh: “Cái sai nghiêm trọng là khi chưa có chủ trương của trung ương về việc có thu hồi lại đất đã giao hay chia lại đất. Tính từ thời điểm Luật đất đai có hiệu lực từ ngày 15-10-1993, đến năm 2013 mới hết thời hạn giao đất 20 năm, vì vậy việc thu hồi đất lúc này là sai nghiêm trọng về mặt chủ trương chứ không chỉ sai về mặt pháp luật”.

Chiều 31-1, sau nhiều lần tránh mặt báo chí, ông Lê Văn Liêm - chủ tịch UBND xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) - cuối cùng đã xuất hiện. Trả lời báo chí, ông chủ tịch xã cho hay “sau vụ này (vụ cưỡng chế ông Đoàn Văn Vươn - PV) rất là mệt mỏi”.

Ông Liêm cho biết khu vực đầm nhà ông Vươn xã vẫn chưa giao cho bất cứ ai. Toàn bộ khu vực này huyện Tiên Lãng cũng chưa có biên bản bàn giao mà chỉ có thông báo UBND xã quản lý 19,2ha diện tích đầm đã được cưỡng chế.

Xã đã giao lực lượng công an quản lý và lực lượng dân quân nắm tình hình trật tự dân cư. Không có lực lượng tự quản nào ở khu vực đầm. Xã đã tăng cường lực lượng trước, trong và sau tết, phân ca phân kíp để bảo vệ hiện trạng khu vực đầm. Mồng 1 tết, lực lượng công an xã có thông tin lại với ông rằng vợ con ông Vươn đã ra dựng lều bạt để ở tại khu vực đầm.

Chính quyền không biết do công an xã không báo cáo (?)

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc hàng chục tấn thủy sản cùng nhiều nông sản trong đầm nhà ông Vươn đã bị mất trộm trong thời gian lực lượng công an xã đang quản lý đầm, chính quyền xã có nắm được không và có hướng xử lý như thế nào, ông Liêm nói: “Việc này lực lượng công an xã không báo cáo nên chính quyền xã không nắm được. Hôm nay các đồng chí nói thì tôi mới biết”.

Về thông tin ngay sau khi cưỡng chế, có người tên Vũ Văn Kết, một chủ đầm ở Tiên Lãng, đến tiếp quản khu đầm của ông Vươn, ông Liêm cho biết ở xã Vinh Quang không có chủ đầm nào tên như vậy.

“Theo danh sách quản lý hành chính không có ai tên là Kết. Cũng có thể có người tên như vậy tự thỏa thuận với người dân để làm kinh tế khu vực đầm, nhưng không làm việc với xã nên chúng tôi chưa nắm được” - ông Liêm nói. Riêng thông tin ngay sau khi ông Vươn bị bắt, đã có một số đối tượng giang hồ tiếp quản khu đầm, ông Liêm cho biết chưa thấy lực lượng công an báo cáo việc này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng Công an xã Vinh Quang Vũ Đức Bốn cho biết lực lượng công an xã tiếp quản đầm từ khi cưỡng chế xong và hiện tại hằng ngày vẫn có 3-5 công an viên quản lý. Ông Bốn khẳng định: “Không có sự việc đầm nhà ông Vươn bị mất trộm cá. Gia đình ông Vươn đã tự te kích điện đánh bắt cách đây một tháng trước khi cưỡng chế. Không thấy anh em làm nhiệm vụ quản lý tại đầm báo cáo lại sự việc mất trộm cá này...”.

Để xác minh thông tin về người tên Vũ Văn Kết tiếp quản khu đầm như người dân sở tại phản ảnh, một số phóng viên đã liên lạc với ông Kết qua điện thoại để hẹn làm việc. Tuy nhiên vừa nghe phóng viên xưng danh, người ở đầu dây bên kia đã tuôn ra những câu chửi vô văn hóa. Sau nhiều lần cố gắng liên hệ lại với người tên Kết, ông này nói với phóng viên “các chú chưa đủ tuổi để nói chuyện với anh...”.

Hội Nghề cá VN: cần hỗ trợ gia đình ông Vươn

Cùng ngày, Ban chấp hành trung ương Hội Nghề cá VN cho biết đã chính thức có công văn gửi UBND TP Hải Phòng đề nghị “xem xét, có biện pháp giải quyết thỏa đáng, kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nông - ngư dân đã được pháp luật quy định, đồng thời có chính sách quan tâm hỗ trợ đời sống cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn”.

Văn bản của Hội Nghề cá VN nhấn mạnh “gia đình ông Đoàn Văn Vươn là một trong những gia đình nông dân đã bỏ ra nhiều công sức, tiền của để khai hoang, xây dựng cơ nghiệp, tạo phong trào khai hoang lấn biển, phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương”. Đồng thời hội khẳng định việc cưỡng chế tài sản, đất đai đối với hội viên Đoàn Văn Vươn đã “gây dư luận lớn trong nhân dân cũng như hội viên Hội Nghề cá VN”.

Trước đó, Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng đã có văn bản gửi Hội Nghề cá VN và nhiều vị lãnh đạo, cơ quan chức năng trung ương và cơ quan báo chí. Văn bản đề ngày 20-1, do phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng Lương Văn Trong ký.

Văn bản viết: “Hàng ngàn hecta ven sông, ven biển của huyện Tiên Lãng ngay từ thuở khai hoang, vỡ hóa từ năm 1993 đến nay, nhân dân nuôi trồng thủy sản không sản xuất phát triển lên được, nhân dân không dám đầu tư lớn vào sản xuất, các đối tác bên ngoài muốn đầu tư lớn vào cùng với nhân dân để sản xuất nhìn thấy cơ chế họ cũng không dám đầu tư.

Bên cạnh việc sản xuất không phát triển, do bức xúc về cơ chế chính sách nên đã xảy ra việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm nay với chính quyền huyện Tiên Lãng. Hàng ngàn hecta đất ven sông, ven biển chỉ sản xuất cầm chừng, gần như bị bỏ hoang vì UBND huyện Tiên Lãng không cho đầu tư, đất bị thu hồi, thiệt hại về kinh tế là vô cùng to lớn với nhân dân, với Nhà nước”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-1, ông Lương Văn Trong khẳng định văn bản trên thể hiện tâm tư, nguyện vọng tha thiết của những người nuôi trồng thủy sản khu vực bãi bồi huyện Tiên Lãng. Hàng chục hội viên của chi hội hiện đã được UBND huyện Tiên Lãng trao các quyết định thu hồi đất từ các năm 2005, 2007 đến nay đứng ngồi không yên và càng thấy bất an hơn sau khi xảy ra vụ việc cưỡng chế thu hồi đầm của ông Đoàn Văn Vươn.

Ngày 31-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Hồng Bách (Công ty luật hợp danh Hồng Bách, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết ông và các cộng sự đang có mặt tại TP Hải Phòng làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Đoàn Văn Vươn và các bị can khác. Theo luật sư Bách, công ty ông cử bốn người tham gia bào chữa cho các bị can trong vụ án này, gồm ông và các luật sư Đào Trung Kiên, Đinh Thị Hòa và Ngô Ngọc Trai.

Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty luật Dragon, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết ông đã làm việc với cơ quan chức năng Công an TP Hải Phòng, gặp gỡ thân nhân các bị can cũng như đi thực tế tại địa phương để hoàn tất các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho bị can Vươn. Còn luật sư Nguyễn Duy Minh (văn phòng luật sư Duy Minh, Đoàn luật sư TP.HCM) vẫn đang ở Hải Phòng chờ đợi cơ quan điều tra hỏi các bị can có đồng ý cho ông bào chữa hay không.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên