12/03/2005 14:00 GMT+7

Vụ "rút ruột" tòa nhà A2: Cần một hội đồng kỹ thuật để "hội chẩn"

N.V.HẢI thực hiện
N.V.HẢI thực hiện

TTCN - Vụ “rút ruột” công trình nhà cao tầng ở Kim Giang đang làm nảy sinh nhiều vấn đề kỹ thuật: thực chất có bao nhiêu cọc bêtông bị “rút ruột”, làm sao biết những cọc đã hoàn tất đổ bêtông bị “rút ruột” hoặc thay đổi loại thép...

i3raXEtS.jpgPhóng to
ông NGUYỄN TRƯỜNG TIẾN
TTCN - Vụ “rút ruột” công trình nhà cao tầng ở Kim Giang đang làm nảy sinh nhiều vấn đề kỹ thuật: thực chất có bao nhiêu cọc bêtông bị “rút ruột”, làm sao biết những cọc đã hoàn tất đổ bêtông bị “rút ruột” hoặc thay đổi loại thép...

Trao đổi với ông NGUYỄN TRƯỜNG TIẾN - một chuyên gia đầu ngành về địa kỹ thuật, hiện là tổng thư ký Hội Địa kỹ thuật và nền móng công trình, đồng thời là trưởng ban kỹ sư - Tổng hội xây dựng VN.

* Thưa ông, về mặt kỹ thuật việc rút bớt cốt thép khi đổ bêtông cọc nhồi như trường hợp vụ tòa nhà A2 khu di dân giải phóng mặt bằng Kim Giang ảnh hưởng như thế nào đến sự an toàn và độ bền của công trình?

- Mấy hôm nay tôi theo dõi rất kỹ báo chí đưa tin về vụ nhà cao tầng Kim Giang lẫn vụ cầu Văn Thánh 2, vì nó liên quan tới chuyên ngành của tôi. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì trước khi đánh giá cần phải thử lại tất cả các cọc đã hoàn thành. Có nhiều phương pháp để thử lại ở điều kiện đã thi công như trên. Với công nghệ và kỹ thuật hiện nay hoàn toàn có thể kiểm tra lại.

"Rút ruột" công trình: Chế tài xử lý ra sao?

Cuối năm 2004, Bộ Xây dựng đã dự thảo một đề án về chống lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó, sẽ chấm dứt tình trạng thông đồng, thỏa thuận giữa chủ đầu tư với tổ chức tư vấn hoặc nhà thầu xây dựng nhằm vụ lợi cá nhân. Trường hợp phát hiện có hiện tượng thông đồng, móc ngoặc, tùy theo mức độ sai phạm phải bị phạt tiền, thi hành kỷ luật hành chính, phạt không cho tham gia hoạt động xây dựng ít nhất là một năm và thông báo “danh sách đen” này trên trang web.

Trong dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang được Bộ Tài chính xây dựng, điều 28 (chương 3: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng các dự án có sử dụng tiền, tài sản nhà nước) cũng qui định việc thi công công trình phải “đảm bảo đúng thiết kế, qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; đúng tiến độ thi công đã được phê duyệt; nghiêm cấm việc tự ý kéo dài thời gian thi công; thi công sai thiết kế; sử dụng nguyên vật liệu không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, làm giảm chất lượng công trình”. Cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao làm chủ đầu tư, chủ dự án hoặc thi công công trình và những người có liên quan nếu vi phạm, gây lãng phí thì phải bồi thường và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Việc kiểm tra phụ thuộc nhiều yếu tố: sức chịu tải (tải trọng) của cọc bêtông theo ý đồ của người thiết kế, trên cơ sở hồ sơ thiết kế và bảng tính toán của người kỹ sư thiết kế ra móng đó, cũng như việc phân bố tải trọng vào các cọc như thế nào. Mặt khác, hoàn toàn có những công nghệ để kiểm tra cọc bêtông có đáp ứng các yêu cầu thiết kế không, thí dụ cọc chịu được tải trọng 600 tấn, 800 tấn hay 900 tấn? Với điều kiện thi công cụ thể cũng như việc rút bớt thép như thế (vụ tòa nhà 12 tầng ở Kim Giang), cọc làm việc được ở mức bao nhiêu tấn...

Những cái đó hoàn toàn có thể thử nhanh được như bằng phương pháp chấn động, phương pháp truyền sóng trong cọc hoặc nén tĩnh đối với một số cọc... để biết chịu được tải trọng bao nhiêu. Còn phương pháp ống siêu âm mà báo chí mấy ngày qua nhắc tới chỉ để kiểm tra độ chắc đặc của bêtông cọc thôi, không giúp đánh giá được bêtông cọc đó chịu được tải trọng bao nhiêu.

Mặt khác, ở góc độ người thiết kế nếu cọc bêtông bị thiếu thép đương nhiên hệ số an toàn của nó sẽ giảm đi. Có điều cọc nhồi đó làm việc chủ yếu chịu tải trọng nén, vì vậy phần bêtông làm việc là chính, tất nhiên phần trên của cọc cũng chịu lực kéo.

Tôi nghĩ cần có một nghiên cứu nghiêm túc, coi đây như một bài toán kiểm chứng về mặt kỹ thuật. Đối với tòa nhà 12 tầng như thế, cọc được làm trong điều kiện như thế, giả sử trong cả 52 cọc thép chỉ còn một nửa thôi, thì các nhà kỹ thuật vẫn hoàn toàn có thể đánh giá cọc có đáp ứng yêu cầu chịu tải lâu dài của công trình và nên sửa như thế nào? Về mặt kỹ thuật hoàn toàn có biện pháp tính toán và có những công nghệ có thể làm được, không phải số cọc này bỏ đi hoàn toàn.

* Tuy nhiên, dư luận không khỏi lo lắng về độ an toàn của tòa nhà, nhất là trong trường hợp có địa chấn, gió bão lớn?

- Tất cả những điều đó đều có thể kiểm tra được. Bằng các phần mềm tính toán và các phương pháp thử chấn động, thử truyền sóng hay thử sức chịu tải của những cọc đó, sẽ biết nó làm việc thế nào và hoàn toàn có thể dự báo được trong các điều kiện địa chấn, gió bão... cọc sẽ như thế nào.

Công nghệ khoan cọc nhồi đã được chúng tôi sử dụng từ cách đây 17-18 năm. Đây không phải là một công nghệ ghê gớm lắm, có điều đối với cọc nhồi phải rất quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng của nó. Trong việc đảm bảo chất lượng của cọc khoan nhồi, thông lệ phải kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ trong quá trình thi công.

Ngoài chuyện cốt thép, một điểm quan trọng nữa là người thi công vét bùn ở đáy hố cọc có tốt không, có thổi sạch bùn ở đáy mỗi hố cọc không. Sức chịu tải của cọc giảm đi rất nhiều nếu người thi công không kiểm tra kỹ qui trình công nghệ. Thép chỉ là một thành phần trong quá trình chế tạo cọc nhồi, còn điều người ta quan tâm nhất là mỗi cọc đó có được đổ đầy bêtông không, có được tiếp xúc tốt với đất nền không, có bị bùn và mùn khoan đọng dưới đáy mỗi cọc không...

* Đã có một số chuyên gia hiến kế sử dụng phương án bổ sung cọc để khắc phục cho tòa nhà A2 ở Kim Giang. Ngoài phương pháp này, còn có thể áp dụng những phương pháp nào khác, thưa ông?

- Trước khi tính đến làm cọc bổ sung, những người chủ trì thiết kế và người được trưng cầu giám định có thể đưa ra nhiều biện pháp để kiểm tra thực tiễn tại những cọc đã thi công xem chịu được tải trọng bao nhiêu, hệ số an toàn ra sao, sau đó mới quyết định nên áp dụng phương án gì. Giống như một bệnh nhân, cần phải khám bệnh để biết họ ăn, uống như thế, tim, phổi, mạch đập như thế... từ đó mới quyết định nên tiêm thuốc gì. Có trường hợp cần phải thêm cọc, nhưng cũng có trường hợp không nhất thiết phải thêm.

Cái chính tôi cho là cần có một hội đồng kỹ thuật, có thể là Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng hay nhóm các nhà kỹ thuật xây dựng đứng ra đánh giá vấn đề, có một câu trả lời đúng về mặt kỹ thuật, đúng về mặt thực tại và đồng thời đáp ứng được những quan tâm, mong mỏi của xã hội.

N.V.HẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên