12/08/2007 06:27 GMT+7

Vũ đoàn của những người quá khổ

T.TRÚC (Theo New York Times)
T.TRÚC (Theo New York Times)

TT - “Chúng tôi luôn bị cười cợt vào những phút đầu, nhưng đến cuối buổi diễn, mọi người trong khán phòng đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay - Xiomara Gonzalez, 43 tuổi, vũ công của đoàn, nói - Đó là một hình ảnh đẹp, rất đẹp”.

KIIgRQe6.jpgPhóng to
Những vũ công của Danza Voluminosa say sưa hóa thân vào vai diễn - Ảnh: NYT
TT - “Chúng tôi luôn bị cười cợt vào những phút đầu, nhưng đến cuối buổi diễn, mọi người trong khán phòng đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay - Xiomara Gonzalez, 43 tuổi, vũ công của đoàn, nói - Đó là một hình ảnh đẹp, rất đẹp”.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Mailin Daza sải những bước chân duyên dáng trên sân khấu. Thỉnh thoảng chị cúi gập hay uốn cong người theo tiết tấu của bản nhạc Hồ thiên nga. Là nữ diễn viên múa chính trong vũ đoàn Danza Voluminosa, Daza vô cùng tự tin phô diễn những động tác điêu luyện. Chẳng có gì khác thường ngoài việc nữ diễn viên này cân nặng... ngót nghét 130kg!

“Múa là niềm đam mê của tôi. Khi còn bé, tôi luôn ao ước được học ở lớp ballet cổ điển, nhưng mẹ tôi nói con gái mà béo tròn thế này thì không múa được. Tôi luôn ao ước được trở thành vũ công ballet”, Daza tâm sự. Từ ngày gia nhập vũ đoàn Danza Voluminosa, mơ ước của Mailin đã thành sự thật.

Cười rồi thổn thức

Đó là vũ đoàn chỉ dành cho những thành viên trên trăm ký. Mười năm qua, họ đã từng bước chinh phục khán giả, mà đặc biệt là chinh phục ngay chính bản thân họ.

Thành lập cách đây mười năm, vũ đoàn của những diễn viên ballet quá khổ này đã trở thành một hiện tượng tại Cuba. Những tưởng nó sẽ nhanh chóng lụi tàn ở xứ sở của các điệu nhảy Latin cuồng nhiệt, nơi vũ công thuộc bất kỳ loại hình khiêu vũ nào cũng sở hữu cơ bắp thon gọn và đường cong tuyệt mỹ. Nhưng Danza Voluminosa lại đứng vững trong suốt mười năm qua. Quan trọng hơn, nó giúp những người luôn mặc cảm với trọng lượng của mình tìm thấy sự tự tin mà họ đã đánh mất từ lâu.

Anh Juan Miguel Mas, 41 tuổi, người sáng lập, vũ công kiêm biên đạo múa của đoàn, nói rằng người béo chuyển động hơi khác người thường, cho nên biên đạo múa cũng phải thay đổi. Với thân hình nặng 136kg, mỗi cử động của Juan trên sân khấu khiến người ta liên tưởng đến chú mèo lười đang uể oải dạo bước.

Các đồng nghiệp của anh cũng vậy. Cân nặng hạn chế họ thực hiện những vũ đạo đòi hỏi sự nhanh nhẹn, nhưng bù lại nó biến những vở nhạc kịch về thế giới người béo phì trở nên chân thật và sống động hơn. Họ thường làm người xem bật cười với những biến tấu vui nhộn trong các vở cổ điển, rồi lại khiến khán giả suy ngẫm với những vở nhạc kịch phản ánh cuộc sống của người thừa cân. Nói như Juan thì “chúng tôi dùng sự hài hước để thu hút công chúng, rồi sau đó mới xuất chiêu”. Để rồi sau khi cười chảy nước mắt, khán giả sẽ lắng mình trong những vở nhạc kịch do chính Juan biên soạn, ở đó có bi kịch của người mắc bệnh thèm ăn, có tình yêu của những người “quá khổ”, có mặc cảm của họ trước định kiến người đời...

Nhưng Juan nhấn mạnh sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng các tác phẩm của anh nhằm ca ngợi hay bôi bác chứng béo phì. Nó cũng không nhằm lên lớp người ta đừng phân biệt đối xử với người nặng cân. Mục đích của vũ đoàn đơn giản chỉ là để đối mặt với thực tế về tình trạng béo phì, và tạo cơ hội cho người nặng cân thể hiện bản thân thông qua vũ đạo, một cơ hội mà họ đã bị khước từ ở những lớp dạy múa thời thơ ấu. “Chúng tôi biểu diễn với tư cách những vũ công béo phì, nhưng chúng tôi cũng đang cố gắng giảm cân đấy chứ!”, Juan tâm sự một cách dí dỏm.

Đổi đời

Tất cả vũ công trong đoàn đều là người có thân hình “bồ tượng”. Nhưng nặng hơn và không thể đo đếm bằng số kilôgam của cơ thể là niềm đam mê mãnh liệt của họ dành cho loại hình nghệ thuật vốn là biểu tượng của sự thanh mảnh này. Cuộc đời nhiều người đã thay đổi từ khi được sống với niềm đam mê thật sự của mình. Họ đã yêu quí hơn cơ thể mình, hoặc ít ra cũng bắt đầu chấp nhận nó.

Đối với Barbara Paula, 29 tuổi, dù đã gia nhập vũ đoàn năm năm nhưng thỉnh thoảng khi bước lên sân khấu, chị lại cảm thấy lạ lẫm với cảm giác khám phá vẻ đẹp ẩn giấu trong thân hình 125kg của mình. “Cảm giác ấy rất mới mẻ. Tôi không còn nhức đầu với suy nghĩ rằng hễ bị béo phì thì không được múa, không được bước đi trên đường nữa”, chị chia sẻ.

Còn khán giả thì sao? Đó là một sự đón nhận tích cực. Chính phủ Cuba đã đồng ý cho đoàn tập luyện và biểu diễn tại Nhà hát quốc gia. Trưởng đoàn Juan giờ đã được ăn “lương cứng” của nhà nước để tiếp tục theo nghề. Nhiều vũ công có mặt trong đoàn từ nhiều năm qua nói khi bắt đầu công diễn vào tháng 11-1996, họ đã bị chê cười và châm chọc rất nhiều. Nhưng giờ đây người ta đã đón nhận họ một cách nghiêm túc.

T.TRÚC (Theo New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên