Bị cáo Vi Văn Phượng được dẫn giải đến tòa sơ thẩm lần 2 nhưng phiên tòa hiện đang tạm hoãn - Ảnh: T.P.
Kéo dài bảy năm, cho đến nay vụ án Vi Văn Phượng (51 tuổi, ngụ tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) lại quay trở về vạch xuất phát ban đầu khi kết quả điều tra không làm sáng tỏ được những mâu thuẫn mà quyết định giám đốc thẩm chỉ ra.
Theo tôi, trong trường hợp này tòa án có thể tuyên bị cáo vô tội hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Bà Đặng Thị Thanh (nguyên phó chánh Tòa hình sự, TAND tối cao)
Căn cứ kết tội chưa vững chắc
Vi Văn Phượng sống chung với người mẹ ruột bị mù là bà Nguyễn Thị Vui. Cáo trạng xác định năm 2009, Phượng vay tiền và vàng để con trai đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, trong đó có vay bà Vui 1,5 chỉ vàng. Sau đó, bà Vui nhiều lần đòi vàng nhưng Phượng chưa trả được.
Do bà Vui nhiều lần đòi vàng nên Phượng nảy sinh ý định giết bà Vui để trút gánh nặng cho gia đình. Phượng đến tiệm vàng mua 1,5 chỉ vàng để trả cho mẹ. Bà Vui nói vàng giả, khiến Phượng thêm bức xúc vì nghĩ mẹ không tin mình.
Hai mẹ con to tiếng nên Phượng lại nảy sinh ý định giết mẹ.
5h sáng 4-10-2012, Phượng ngủ dậy dọn dẹp nhà cửa rồi đưa tiền cho con trai đi mua mì gói về nấu cho hai bà cháu ăn. Sau đó Phượng đi làm thuê cho người trong thôn.
Đến 11h trưa, Phượng về nhà thấy mẹ nằm ngủ trên giường. Phượng đi vào góc buồng lấy con dao quắm chém nhiều nhát vào vùng cổ, vai làm bà Vui bị chết do đứt cổ, đứt động mạch cảnh.
Tại cơ quan điều tra, có lúc Phượng nhận tội, có lúc lại kêu oan. Trong năm 2013, TAND tỉnh Bắc Giang và Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã hai lần tuyên án tử hình Vi Văn Phượng.
Sau đó, TAND tối cao có văn bản trả lời không đủ căn cứ để kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên bị cáo, luật sư bào chữa cho Phượng và gia đình vẫn liên tục có đơn kêu oan.
Năm 2015, đoàn giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận định vụ án này có nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ, tòa án hai cấp quá tin vào lời nhận tội của bị cáo ở cơ quan điều tra... vì vậy cần được rà soát lại.
Sau đó, viện trưởng Viện KSND tối cao đã kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị hủy cả hai bản án kết tội Vi Văn Phượng để điều tra lại.
Nhiều thiếu sót, mâu thuẫn
Tháng 11-2016, TAND tối cao đã giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội Vi Văn Phượng để điều tra lại.
Lý do, đây là vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo bị kết án tử hình nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều thiếu sót, mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ. Hàng loạt điểm mấu chốt của vụ án chưa được làm rõ như thời gian, động cơ gây án...
Tại cơ quan điều tra, Phượng khai giết mẹ lúc 10h, nhưng cơ quan giám định chưa giám định bà Vui chết lúc mấy giờ. Bị cáo được hàng xóm, bạn bè đánh giá là người sống tình cảm, có hiếu với mẹ.
Mặc dù bà Vui bị mù lòa nhiều năm nhưng bị cáo vẫn chăm sóc mẹ mà không ngược đãi. Bị cáo lại khai do bực tức với mẹ trong việc mẹ đòi vàng nên mới giết mẹ, TAND tối cao nhận định động cơ gây án này quá đơn giản nhưng chưa được làm rõ.
Quyết định giám đốc thẩm cũng yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ có sự đánh đập, ép cung, bức cung và nhục hình đối với Vi Văn Phượng hay không? Bởi khi ra tòa, Phượng khai tại cơ quan điều tra phải nhận tội là do điều tra viên đánh nhiều, dọa sẽ bắt con, viết sẵn các lời khai để bị cáo ký.
Tuy nhiên, kết quả điều tra lại vẫn không có gì mới, không làm sáng tỏ được các vấn đề mà quyết định giám đốc thẩm đã chỉ ra. Năm 2018, Viện KSND tỉnh Bắc Giang hoàn tất cáo trạng truy tố Vi Văn Phượng như cũ.
Hiện nay, TAND tỉnh Bắc Giang đang thụ lý vụ án và chuẩn bị xét xử sơ thẩm lần 2.
Luật sư Trần Văn An (bào chữa cho bị cáo Phượng) cho rằng kết quả điều tra lại chưa đáp ứng yêu cầu của quyết định giám đốc thẩm. Cụ thể, bà Vui chết lúc 10h hay 11h là vấn đề cực kỳ quan trọng nhưng không được làm rõ.
Kết quả giám định lúc kết luận bà Vui chết sau ăn 3-4 tiếng, lúc lại kết luận bà chết sau ăn 3-5 tiếng (thời gian bà Vui ăn bữa cuối cùng đã được xác định là 6h sáng). Kết quả này mâu thuẫn nhau trong khi đây là căn cứ buộc tội bị cáo.
Ngoài ra, trong buổi sáng mẹ chết thì Phượng ở đâu, làm gì, với ai? Đây là nội dung cực kỳ quan trọng liên quan đến chứng cứ ngoại phạm của bị cáo mà quyết định giám đốc thẩm yêu cầu làm rõ nhưng kết quả điều tra lại và cáo trạng mới lại không hề đề cập.
"Phải chăng nếu đề cập sẽ chứng minh Phượng vô tội? Vì hồ sơ vụ án thể hiện trước 11h Phượng luôn ở cùng mọi người, luôn luôn có người chứng minh điều này" - luật sư Trần Văn An cho biết.
Không đủ căn cứ buộc tội, phải tuyên vô tội?
Cũng như vụ án Vi Văn Phượng, thực tế có nhiều vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng nhưng quá trình điều tra có nhiều thiếu sót, mâu thuẫn nên vụ án được xử đi xử lại, trả hồ sơ điều tra nhiều lần nhưng kết quả điều tra lại vẫn không thể khắc phục được những thiếu sót trước đó.
Đơn cử như "kỳ án vườn mít" Lê Bá Mai (Bình Phước) trải qua hàng chục phiên tòa, lúc tuyên tử hình, lúc tuyên vô tội rồi lại tuyên chung thân; vụ án Hàn Đức Long (Bắc Giang) kéo dài 12 năm với hàng chục phiên tòa, hai lần giám đốc thẩm hủy án sau đó mới được minh oan...
Bà Đặng Thị Thanh (nguyên phó chánh Tòa hình sự, TAND tối cao) cho rằng trong trường hợp án bị hủy để điều tra lại, nếu kết quả điều tra không có thêm gì mới, không làm rõ được các vấn đề mà cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm yêu cầu, cơ quan điều tra thấy bị cáo không có tội thì phải đình chỉ điều tra.
Nếu thấy có tội thì chuyển hồ sơ sang tòa án để tòa xét xử. Trong trường hợp này, tòa án có thể tuyên bị cáo vô tội hoặc trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Trên thực tế, TAND tối cao đã có hướng dẫn tòa án các cấp không lạm dụng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung để tránh việc án bị xoay vòng.
TS Đinh Thế Hưng (trưởng phòng pháp luật hình sự Viện Nhà nước và pháp luật - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng để đảm bảo quy trình tố tụng được khách quan, thận trọng, việc kết tội đầy đủ chứng cứ thì việc trả hồ sơ điều tra bổ sung là cần thiết.
Tuy nhiên, quy định này đang bị lạm dụng làm nảy sinh tình trạng "trả hồ sơ đi trả hồ sơ lại".
"Pháp luật rất linh động, cho phép nếu điều tra có sai sót, việc buộc tội thiếu căn cứ thì cấp giám đốc thẩm hủy án để cơ quan điều tra có cơ hội khắc phục thiếu sót. Tuy nhiên nếu kết quả điều tra lại vẫn không làm rõ được các vấn đề mâu thuẫn, thiếu sót thì tòa án phải giữ sự độc lập trong xét xử là dũng cảm tuyên bị cáo vô tội.
Nguyên tắc hiện nay là xét xử hai cấp nhưng với tình trạng hủy án, trả hồ sơ hiện nay thì có vụ án được xử... mấy chục cấp. Tố tụng phải có điểm dừng, không thể kéo dài mãi ảnh hưởng đến quyền của bị cáo" - ông Đinh Thế Hưng cho biết.
Án kéo dài do điều tra nhiều thiếu sót
Với các vụ án kéo dài như Lê Bá Mai, Hàn Đức Long, Vi Văn Phượng..., mỗi lần hủy án thì cấp giám đốc thẩm đều chỉ ra hàng loạt thiếu sót của cơ quan điều tra. Tuy nhiên do thời gian kéo dài nên hầu như kết quả điều tra lại đều không khắc phục được.
Đơn cử như vụ án Vi Văn Phượng, cơ quan giám định không lấy thức ăn trong dạ dày nạn nhân để giám định mà lại quan sát qua bản chụp thức ăn trong dạ dày.
Cơ quan giám định kết luận mâu thuẫn nhau mà không đưa ra được căn cứ để giải thích, không đưa ra được kết quả giám định đối với các hoạt động giám định cơ bản như: dấu vân tay trên cán dao dù con dao được thu giữ nguyên trạng, thời gian máu nạn nhân chảy ra ngoài và chuyển qua thâm đen cũng không xác định được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận