29/07/2016 20:14 GMT+7

Vụ 77 dự án nhà ở bị cầm cố: Thực tế còn nhiều hơn

D.NGỌC HÀ - Đ. DÂN - T.LONG (duongngocha@tuoitre.com.vn)
D.NGỌC HÀ - Đ. DÂN - T.LONG (duongngocha@tuoitre.com.vn)

TTO -Ngày 20-7, Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM đã họp báo để thông tin về 77 dự án nhà ở đang được thế chấp tại các ngân hàng mà Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM vừa công bố.

Chung cư City Garden (Q. Bình Thạnh), một trong những dự án có đăng ký thế chấp  vừa được sở TN & MT công bố - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chung cư City Garden (Q. Bình Thạnh), một trong những dự án có đăng ký thế chấp vừa được sở TN & MT công bố - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Con số 77 dự án mới chỉ là thông tin bước đầu của riêng Văn phòng đăng ký đất đai TP rà soát và biết được. Có thể còn nhiều trường hợp chủ đầu tư dự án thế chấp quyền tài sản đăng ký ở Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

Ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP cho biết: Sau khi xảy ra sự việc ngân hàng “xiết nợ” ở chung cư Harmona (Q. Tân Bình), UBND TP đã có cuộc họp các sở ngành để đánh giá và tìm hướng giải quyết nhằm tránh xảy ra trường hợp tương tự.

Sau đó, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đăng tải công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng lên các phương tiện thông tin đại chúng, website của Sở Tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai, niêm yết nơi công cộng hoặc các hình thức khác. Việc công bố thông tin trên nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người mua nhà.

Công bố để cảnh báo

Ông Liên cho biết, quá trình đầu tư, các chủ đầu tư thế chấp đất và tài sản liên quan thành nhiều giai đoạn. Ban đầu thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp, sau khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất thì chuyển sang thế chấp quyền sử dụng đất ở, khi có quyết định phê duyệt dự án thì chuyển sang thế chấp đất ở và tài sản hình thành trong tương lai. 

Những dự án đang bị “cắm” ngân hàng mà Sở TN & MT công bố vừa qua là các dự án đến giai đoạn làm thủ tục để Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn. Dạng thứ 2 là các dự án đã bán nhà trước ngày 1-7-2015 (ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực) hiện đang thế chấp ngân hàng và chưa hoàn thành thủ tục pháp lý về nhà ở cho người dân.

Ông Liên thông tin, với những dự án đang thế chấp ngân hàng mà chủ đầu tư muốn bán căn hộ nào thì phải giải chấp đối với căn hộ đó. Như vậy, người mua lại căn hộ có quyền được thế chấp căn hộ vừa mua.

Khi chủ đầu tư làm giấy chứng nhận quyền sở hữu cho người mua nhà thì phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cơ quan đăng ký cập nhật bổ sung từ quyền sử dụng đất của riêng chủ đầu tư thành quyền sử dụng đất chung của những chủ sở hữu căn hộ và những người sở hữu các phần khác trong dự án.

Nếu như chủ đầu tư đã bán căn hộ hoặc các diện tích khác mà vẫn đang thế chấp dự án tại ngân hàng thì những quyền lợi và quá trình làm thủ tục pháp lý trên của người mua bị trở ngại.

Sở TN & MT công bố những thông tin trên để cảnh báo với khách hàng và cả chủ đầu tư dự án. Sở sẽ xin ý kiến của UBND TP để công bố định kỳ khoảng 2-3 tháng một lần.

Riêng trường hợp chủ đầu tư dự án đã được công bố trên giải chấp một phần hoặc toàn bộ tài sản thế chấp thì sẽ được Sở TN & MT công bố lại thông tin ngay lập tức. Những dự án có chuyển biến tốt như chủ đầu tư đã giải chấp, cập nhật quyền sử dụng đất từ của riêng sang của chung, làm giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho khách hàng, xóa thế chấp toàn bộ... cũng sẽ được công bố lại ngay lập tức. 

Cao ốc An Thịnh (Quận 2),  một trong những dự án có đăng ký thế chấp  vừa được sở TN & MT công bố - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cao ốc An Thịnh (Quận 2), một trong những dự án có đăng ký thế chấp vừa được sở TN & MT công bố - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Còn nhiều kiểu vướng mắc

Ông Liên cho biết đây là những thông tin ban đầu mà Văn phòng đăng ký đất đai rà soát từ công việc và thẩm quyền được phân công. Sắp tới, tổ công tác rà soát các dự án nhà ở sẽ phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị để cân nhắc và công bố những dự án có vấn đề khác.

Cụ thể: những dự án thế chấp quyền tài sản được đăng ký tại các Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, dự án còn nhiều trục trặc như xây dựng vượt tầng, xây dựng sai phép, sai thiết kế, sử dụng sai công năng, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính...

Ông Liên cho rằng không phải dự án nào đang bị thế chấp ngân hàng cũng có nguy cơ trở thành Harmona trong tương lai. “Tuy nhiên, chỉ riêng dữ liệu của Văn phòng đăng ký đất đai thì tôi không có nhiều thông tin để xác định được có hay không, nhiều hay ít trong 77 dự án tiềm ẩn nguy cơ giống dự án Harmona”, ông Liên cho biết.

Nhưng ông Liên khẳng định: 77 dự án có đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại Văn phòng đăng ký đất đai sẽ dễ xử lý hơn những dự án đăng ký thế chấp quyền tài sản. “Các dự án thế chấp quyền tài sản có thể chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa có quyết định phê duyệt dự án”, ông Liên lý giải.

Đối với yêu cầu phân loại các dự án đang thế chấp, ông Liên cho hay trong đơn yêu cầu đăng ký thế chấp của ngân hàng không có thông tin mục đích thế chấp. Sắp tới thì tổ công tác sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để thảo luận, trao đổi xem thông tin nào có thể công khai được, thông tin nào không công khai để bảo đảm bí mật kinh doanh của chủ đầu tư và cả ngân hàng.

Nhiều dạng vay vốn

Theo phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn, vốn thực hiện các dự án bất động sản thường theo các dạng sau: chủ đầu tư làm dựa trên vốn tự có; chủ đầu tư được một NH tài trợ; nhiều NH đồng tài trợ hoặc công ty xây dựng tham gia cùng đầu tư sau đó chia lại căn hộ theo tỉ lệ góp vốn…

Trường hợp chủ đầu tư triển khai dự án hoàn toàn dựa trên vốn tự có chứ không vay NH ít rủi ro nhất cho người mua. Rủi ro duy nhất có thể xảy ra là chủ đầu tư có thực hiện đúng tiến độ đã cam kết hay không, hay giữa chừng ngưng hoặc bị kẹt vốn. Người mua cũng cần lưu ý về thời gian mà chủ đầu tư cam kết ra sổ cho người mua, nếu thời gian cam kết càng dài thì rủi ro càng lớn.

Trường hợp có một NH tài trợ dự án, nghĩa là chủ đầu tư thế chấp dự án cho NH: thì khi xảy ra tranh chấp thì quyền lợi của NH sẽ được ưu tiên giải quyết trước quyền lợi của người mua.

Nếu dự án có nhiều NH đồng tài trợ sẽ càng rủi ro hơn vì người mua không biết căn hộ mình mua thuộc sở hữu của NH nào, thế chấp ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Khi phát sinh tranh chấp rất khó giải quyết.

Cũng có trường hợp chủ đầu tư kết hợp với công ty xây dựng hoặc NH thực hiện dự án sau đó chia lại căn hộ cho công ty xây dựng. Người mua sẽ không biết căn hộ mình mua thuộc sở hữu của công ty nào. Khi mua nhà, người mua yêu cầu công ty bán nhà phải chứng minh mối liên hệ với chủ đầu tư trên pháp lý, đồng thời yêu cầu phải có xác nhận của chủ đầu tư vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng.

Với trường hợp chủ đầu tư gọi vốn trước từ người mua theo kiểu “mượn đầu heo nếu cháo” thì rủi ro sẽ càng cao. Nhiều chủ đầu tư cam kết trả lợi nhuận cho người mua nhưng thực chất không có gì đảm bảo trong khi lúc này người mua trở thành “con tin”.

ÁNH HỒNG

D.NGỌC HÀ - Đ. DÂN - T.LONG (duongngocha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên