06/11/2008 08:00 GMT+7

Vốn xây dựng cơ bản: Thất thoát 10%?

V.V.T. - C.V.K.
V.V.T. - C.V.K.

TT - “Doanh nghiệp sân sau nhiều lắm” - đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) phát biểu như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước, hôm 5-11.

1JmyfCf4.jpgPhóng to
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau): “Xây dựng cơ bản bằng vốn nhà nước đắt, chậm, chất lượng không cao, hiệu quả thấp so với ngoài nhà nước. Tại sao?” - Ảnh: V.D.

Theo ông Xướng, bên cạnh những kết quả đạt được của hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, tình trạng khép kín trong vấn đề này ở các bộ, ngành và địa phương đã dẫn đến việc hình thành các doanh nghiệp sân sau của các tổ chức, cá nhân khiến quá trình thẩm định đấu thầu không thể thực chất được, do vậy Quốc hội cần có hành lang pháp lý để khắc phục.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng cho rằng thất thoát lớn nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản không phải chỗ người ta ăn cắp vài cây sắt, mấy bao ximăng. Đó là rút ruột công trình, cần phải lên án, nhưng cái lớn hơn là để nhà thầu móc ngoặc với đơn vị tư vấn thiết kế.

Số thất thoát phát hiện được chỉ là tảng băng nổi

“Con đường, cây cầu đáng ra 10 tỉ đồng người ta nâng lên 15-17 tỉ đồng. Một số tuyến đường dài, đầu tư mấy trăm tỉ đồng ở giữa rừng sâu, ai đến mà kiểm tra tính hợp lý? Nói dối cho đúng bài đúng bản là coi như xong. Thế là móc ngoặc với nhà thầu, đằng sau nhà thầu có những công ty sân sau, cứ thành cái “dây” như vậy” - ông Thanh nói. Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) bổ sung: “Chúng ta chỉ cần trông các thành phần đi dự hội nghị mở thầu sẽ biết ngay đơn vị nào trúng rồi. Cho nên ở đây các vấn đề liên quan đến hồ sơ, vấn đề thẩm định chẳng qua chỉ là hình thức”.

Nghệ sĩ múa cũng làm quản lý dự án

Để khắc phục những hạn chế trong đầu tư xây dựng cơ bản, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) và nhiều đại biểu khác cho rằng cần có các ban quản lý dự án chuyên nghiệp. Ông nói: “Hiện nay kinh nghiệm và năng lực của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án rất hạn chế, nhiều khi lúng túng dẫn đến chậm trễ. Cái này không phải do lỗi của những người trong ban quản lý dự án vì thực tế do cơ chế hiện nay nên nhiều thầy thuốc, thầy giáo, thậm chí cả nghệ sĩ múa cũng làm quản lý dự án”.

Đi thẳng vào vấn đề thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Trần Đình Nhã nói: “Báo cáo của Chính phủ nhận định thất thoát lớn, còn trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cho rằng thất thoát khá nghiêm trọng, đó là định tính. Còn định lượng, theo báo cáo của cơ quan cảnh sát điều tra, từ năm 2005-2007 phát hiện 149 vụ, 231 đối tượng cố ý làm trái, tham nhũng, tiêu cực, làm thất thoát 671 tỉ đồng, đến nay thu hồi được 167 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra cũng nhấn mạnh thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản rất phức tạp, rất khó phát hiện. Một số nghiên cứu nhận định thất thoát được phát hiện là phần nổi của tảng băng chìm”. Theo ông Nhã, nếu như phát hiện gần 1.000 tỉ đồng thất thoát, trong thực tế vi phạm và tội phạm “ẩn” còn 90%, như thế suýt soát thất thoát gần 10.000 tỉ đồng, trong lúc vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn nhà nước trên 100.000 tỉ đồng, thất thoát mon men khoảng 10%.

Sẽ có hội chứng nhà máy thép, nhà máy đóng tàu

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ), sở dĩ còn nhiều vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước là do việc xử lý những cơ quan, đơn vị, người chịu trách nhiệm ra quyết định đầu tư sai chưa nghiêm. Ba năm qua, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, các ngành, địa phương đã tiến hành hàng ngàn cuộc thanh tra các dự án, công trình nhưng chủ yếu mới kiểm tra việc thực hiện đầu tư, còn các quyết định đầu tư sai thì trong các báo cáo chưa thấy đề cập.

Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Toàn cho rằng việc xác định trách nhiệm chưa rõ. Ông nói: “Chúng ta thường đổ lỗi cho Chính phủ, nhưng tôi nghĩ trong Quốc hội có rất nhiều đại biểu là cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, TP”.

Một nguyên nhân cũng được ông Nguyễn Bá Thanh đề cập là quy hoạch ngành. “Vấn đề này còn hết sức rối rắm. Nếu làm tốt thì chắc rằng sẽ không có hội chứng nhà máy đường, nhà máy bia, ximăng lò đứng, khu công nghiệp, chỗ nào cũng cảng, chỗ nào cũng sân bay. Sắp tới sẽ có hội chứng nhà máy thép và nhà máy đóng tàu, tôi sợ nhất là mấy ông này nếu bố trí không hợp lý sẽ gây ô nhiễm môi trường mà các thế hệ con, cháu của chúng ta trả giá đắt lắm” - ông Thanh nói.

Hôm nay 6-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã.

Đại biểu TRẦN ĐÌNH NHÃ (Bà Rịa - Vũng Tàu):

Tất cả là tiền của nhân dân

Tôi không đồng ý với một đại biểu Quốc hội nói là trong vốn đầu tư xây dựng cơ bản có một phần tiền của nhân dân. Tất cả đây là tiền của nhân dân, nói cán bộ ăn lương nhà nước nhưng lương đấy là lương của nhân dân, chứ Nhà nước bản thân không có tiền, mà Nhà nước của chúng ta là Nhà nước của dân.

Tiêu cực cả ở dự án xóa đói giảm nghèo

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) sử dụng vốn nhà nước ở các bộ ngành, địa phương từ năm 2005-2007 thì trong giai đoạn trên, tổng vốn đầu tư XDCB từ ngân sách nhà nước là 237.447 tỉ đồng, chiếm trên 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng số vốn ODA đã giải ngân khoảng 4,8 tỉ USD.

Theo báo cáo thẩm tra, trong ba năm 2005-2007, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm như chiếm dụng vốn, quyết toán khống... Qua kiểm soát, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản tính trùng hoặc thừa khối lượng, đã từ chối thanh toán 1.570 tỉ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, các bộ ngành cũng đã phát hiện khoảng 28 vụ sai phạm, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 740 tỉ đồng, 46.900 USD, giảm trừ khi thanh quyết toán 665,8 tỉ đồng...

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tội phạm trong XDCB xảy ra ở cả các công trình xóa đói giảm nghèo. Thống kê từ Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết từ năm 2005-2007 đã phát hiện 149 vụ với 231 đối tượng có hành vi cố ý làm trái, tham nhũng, tiêu cực trong các dự án đầu tư XDCB với số tiền thất thoát trên 677 tỉ đồng.

V.V.T. - C.V.K.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên