11/12/2005 11:35 GMT+7

Vốn ODA sẽ giảm dần từ giai đoạn 2010-2015

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, hiện nay, nền kinh tế chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn “đói” vốn nhưng chắc chắn, việc vay vốn ODA của thế giới sẽ giảm dần trong giai đoạn 2010-2015 và giảm hẳn từ sau năm 2015.

MHZsPtRD.jpgPhóng to
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, hiện nay, nền kinh tế chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn “đói” vốn nhưng chắc chắn, việc vay vốn ODA của thế giới sẽ giảm dần trong giai đoạn 2010-2015 và giảm hẳn từ sau năm 2015.

* Ông đã có lần thừa nhận rằng trong một thời gian dài, chúng ta đã quá chú trọng việc sử dụng ODA cho phát triển kinh tế. Điều này sẽ được thay đổi như thế nào trong kế hoạch năm năm tới?

- Bộ trưởng VÕ HỒNG PHÚC: Quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn năm năm tới được xây dựng dựa trên tam giác phát triển là kinh tế - xã hội - môi trường, vì vậy việc thu hút ODA cũng phải dựa trên tam giác ấy.

Về xã hội, ODA tới đây sẽ tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng xã hội như xây dựng bệnh viện, trường học, tập trung vào các hoạt động xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa để tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các vùng, miền trong phạm vi cả nước.

Còn về môi trường, chúng tôi sẽ tập trung vào các dự án cải thiện môi trường đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp và một loạt các dòng sông đang có nguy cơ "chết" do khan hiếm nước. Tôi cho rằng lĩnh vực môi trường sẽ được nhiều nhà tài trợ quan tâm đặc biệt trong thời gian tới. Theo tôi, đó là những điểm mới trong kế hoạch phát triển kinh tế nói chung và thu hút ODA nói riêng của Việt Nam.

* Ông đánh giá như thế nào về Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm nay?

- Các nhà tài trợ đánh giá cao bản quy hoạch của Việt Nam và cho rằng đây là một hướng đi đúng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam để bảo đảm đất nước phát triển theo hướng bền vững.

Có thể nói đây là lần đầu tiên cộng đồng các nhà tài trợ cho Việt Nam được trực tiếp đánh giá quy hoạch phát triển kinh tế. Trước đây, ít khi chúng ta tổ chức các hội nghị với nội dung như vậy. Các nhà tài trợ đánh giá rằng cách tiếp cận của chúng ta về quy hoạch có sự thay đổi, coi kế hoạch là của cộng đồng, cho cộng đồng và chính cộng đồng mới là những người thực hiện bản kế hoạch ấy.

Đi vào cụ thể, các nhà tài trợ đánh giá cao sự lồng ghép của kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm năm với những mục tiêu mà chúng ta đã cam kết, ví dụ như tăng trưởng kinh tế gắn với cam kết xóa đói giảm nghèo, hay gắn với mục tiêu Thiên niên kỷ mà nguyên thủ các quốc gia đã ký kết tại Liên Hiệp Quốc năm 2000.

* Vậy theo quy hoạch đó, chúng ta sẽ cần bao nhiêu vốn ODA?

- Theo đề án phát triển kinh tế - xã hội cho năm năm tới thì tổng đầu tư của toàn xã hội giai đoạn 2006-2010 là khoảng dưới 140 tỉ đô-la Mỹ, trong đó 65% là vốn trong nước, 35% là vốn nước ngoài, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn vay ưu đãi (ODA). Theo tính toán của chúng tôi, trong năm năm tới sẽ thu hút được khoảng 25 tỉ đô-la vốn FDI và 14-15 tỉ đô-la vốn ODA.

* Để sử dụng hiệu quả vốn ODA thì việc giải ngân cần phải thực hiện theo đúng tiến độ, nhưng hiện nay có ý kiến cho rằng việc thực hiện các dự án của chúng ta chậm, vì vậy những ưu đãi mà phía nước ngoài dành cho Việt Nam về lãi vay đã không phát huy hết tác dụng ban đầu và lãi suất phát sinh lớn?

- Tôi xin nói thế này, theo quy định của các bên cho vay, việc tính lãi bắt đầu từ khi giải ngân chứ không phải từ khi các bên đưa ra cam kết. Vì vậy, dự án phải thực hiện thì mới phát sinh lãi.

Thứ hai, trong thời gian qua Chính phủ đã có những biện pháp thích đáng để đảm bảo việc giải ngân diễn ra theo đúng tiến độ.

Năm 2005, chúng ta đã giải ngân đạt kế hoạch đề ra và trong năm 2006 sẽ cố gắng ở mức cao hơn. Không phải chúng ta so sánh với chính mình nhưng so với các nước khác thì tỷ lệ giải ngân của chúng ta cũng hợp lý.

Ở các dự án của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mức độ giải ngân trung bình đạt khoảng 20%, của Nhật khoảng 15% và chúng ta cũng ở trong mức đó.

Đối với Ngân hàng Thế giới hay các nước châu Âu cũng như vậy. Còn về hiệu quả của dự án, phải khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng vốn ODA rất có hiệu quả.

Các nhà tài trợ đã so sánh hiệu quả sử dụng ODA của Việt Nam với các nước châu Phi, Mỹ la-tinh và thấy có nhiều điểm chúng ta hiệu quả hơn. Các dự án ODA ở Việt Nam có sự giám sát công khai của các nhà tài trợ và mọi thủ tục đều được thực hiện một cách công khai, minh bạch.

Hiện nay các nhà tài trợ có chương trình chống tham nhũng và nếu chúng ta để thất thoát ODA, các nhà tài trợ sẽ có ngay biện pháp ngăn chặn. Tôi cho rằng việc kiểm soát chi tiêu trong các dự án ODA giữa Việt Nam và các nhà tài trợ thực hiện khá tốt và sự thất thoát trong việc sử dụng vốn của các dự án ODA thấp hơn các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

* Ông có cho rằng chúng ta đã dựa vào ODA trong một thời gian quá dài không? Khi nào chúng ta sẽ không còn phải đi vay ODA nữa và phát triển bằng chính khả năng của mình?

- Chắc chắn đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phát huy được nội lực và hạn chế sử dụng vốn vay ODA để phát triển kinh tế. Một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hiện đã giảm dần sử dụng vốn ODA cho phát triển kinh tế.

Tôi cho rằng vốn ODA của thế giới sẽ giảm dần trong giai đoạn 2010-2015 và giảm hẳn từ sau năm 2015. Phải biết được xu hướng ấy để trong giai đoạn trước mắt, tranh thủ vận động, thu hút và sử dụng một cách có hiệu quả khi nền kinh tế của chúng ta vẫn còn đang "đói" vốn. Thực tình tôi cũng hy vọng chúng ta sẽ giảm dần việc đi vay.

Huy động ODA giai đoạn 2006-2010

Ngành, lĩnh vực Giá trị ODA theo hiệp định 2001-2005 Dự báo giá trị ODA theo hiệp định 2006-2010 Dự báo giá trị ODA cam kết
Tỉ USD Tỉ trọng đầu tư Tỉ USD Tỉ trọng đầu tư Tỉ USD
Nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản kết hợp với phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo

1,6

14,6%

2,2 - 2,5

18%

2,9 - 3,3

Năng lượng và công nghiệp

2,1

18,7%

1,9 - 2,2

16%

2,6 - 2,9

Giao thông, bưu chính viễn thông, cấp thoát nước và đô thị

2,9

26,3%

3,6 - 4,1

30%

4,8 - 5,5

Y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường, khoa học công nghệ và các ngành khác

4,5

40,4%

4,3 - 4,9

36%

5,8 - 6,6

Tổng

11,1

100%

12,0 - 13,6

100%

16,0 - 18,2

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên