23/08/2020 20:21 GMT+7

Với Paris Saint-Germain, Champions League là một tấm áo của tình yêu

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Paris Saint-Germain (PSG) không chỉ xem chức vô địch UEFA Champions League như một danh hiệu lớn. Đây là một cột mốc lịch sử và có thể giúp vị trí của PSG trong bản đồ bóng đá Pháp thay đổi mãi mãi.

Với Paris Saint-Germain, Champions League là một tấm áo của tình yêu - Ảnh 1.

Paris Saint-Germain chỉ còn cách chức vô địch Champions League lịch sử một trận đấu nữa - Ảnh: GETTY IMAGES

Hai ngày trước trận chung kết Champions League 2019 - 2020, PSG đón nhận một tin tức kỳ lạ tại quê nhà.

Cảnh sát thành phố Marseille ở miền nam, cách Paris gần 800 km, ban hành quy định cấm cổ động viên mặc áo PSG đi lại khu trung tâm Marseille từ 3h chiều 23 tới 3h sáng 24-8. Họ cho rằng đây là cách làm hợp lý để giữ an ninh, vì lo ngại người ở Marseille ủng hộ PSG sẽ bị cổ động viên đội Olympique Marseille tấn công.

Vị công tử không được ưa thích

Với Paris Saint-Germain, Champions League là một tấm áo của tình yêu - Ảnh 2.

Nhiều năm qua, Olympique Marseille (áo trắng) mới là đại diện ưu tú của nước Pháp chứ không phải PSG - Ảnh: GETTY IMAGES

Động thái trên xuất hiện sau một số sự cố ở trận PSG đánh bại RB Leipzig của Đức ở bán kết Champions League năm nay. Cảnh sát cho biết hơn 250 người đã tụ tập ở Marseille và có hai người tấn công những cổ động viên mặc áo PSG.

Quy định trên bị rút lại chỉ vài giờ sau khi công bố, nhưng nó phần nào diễn tả câu chuyện đặc biệt của PSG.

Là đại diện của thủ đô Paris, là nơi các danh thủ hàng đầu Giải vô địch Pháp Ligue 1 tề tựu, là nhà vô địch tuyệt đối tại Pháp trong nhiều năm liền, PSG lại không phải niềm tự hào của Ligue 1 hay bóng đá Pháp nói chung.

Ở đất nước hình lục lăng, không chỉ Marseille ghét PSG. Một khảo sát của L’Equipe năm 2013 cho thấy PSG chính là đội bóng bị ghét nhất nước Pháp.

Còn đại diện ưu tú nhất ở Pháp lại chính là Olympique Marseille, nhà vô địch Champions League 1993 và là đội bóng Pháp duy nhất tới nay lên đỉnh tại đấu trường lớn nhất cấp câu lạc bộ châu Âu.

Rất nhiều bài viết đã phân tích lý do PSG bị ghét. Trước tiên, đội chủ sân Công viên các hoàng tử là một câu lạc bộ trẻ trung, chỉ vừa thành lập cách đây đúng 50 năm. Thứ hai, bóng đá là cảm xúc, là những điều dung dị, mộc mạc, vì vậy các câu lạc bộ được rót tiền như PSG (hay Manchester City ở Anh) rất dễ hứng chịu ác cảm từ người hâm mộ. Và thứ ba, như tạp chí FourFourTwo vừa nhắc lại cách đây vài ngày, PSG đại diện cho tinh hoa của Paris, mà khá nhiều người Paris sinh ra tự định nghĩa họ là "người Paris" chứ không phải "người Pháp".

Chưa dừng lại ở đó, khi thành công càng đến gần với PSG, áp lực dư luận quốc tế lại càng lớn. Họ không xem PSG là một đội bóng mà là một núi tiền, là đại diện cho cách làm bóng đá không bền vững. Nỗ lực của PSG trong bao năm qua luôn đi kèm với con số 1 tỉ euro, rồi 1,1 tỉ euro, rồi giờ là 1,3 tỉ euro để "mua" được tấm vé vào chung kết. Không một sự tôn trọng nào nằm ở đó.

Ngược lại, một số ý kiến còn nhắc tới việc PSG đang xài tiền của các tỉ phú Qatar, mà điều này dính liền với hình ảnh những cái chết của công nhân, việc lạm dụng nhân quyền… và hẳn đây còn là điều tồi tệ hơn so với mất cân bằng tài chính hay lòng tham trong bóng đá.

Tấm áo tình yêu

Với Paris Saint-Germain, Champions League là một tấm áo của tình yêu - Ảnh 3.

PSG là nhà vô địch nước Pháp nhiều năm liền nhờ tài chính mạnh mẽ - Ảnh: AFP

Tất cả những điều này khiến PSG như một phản đề của Bayern Munich, dù về lý thuyết họ đều là đội bóng có khả năng "hút máu" cả giải đấu quốc nội khi chiêu mộ những cầu thủ tốt nhất. Bayern là đội bóng giàu truyền thống, giàu tình yêu, là hiện thân của một Bundesliga mẫu mực về mô hình phát triển bóng đá. Như khi nói về 1,3 tỉ euro của PSG, người ta đồng thời thống kê đội hình toàn ngôi sao "siêu rẻ" của Bayern vì cộng giá chuyển nhượng lại chưa bằng một mình Kylian Mbappe hay chưa bằng một nửa Neymar của PSG.

So sánh như thế có thể càng tạo động lực cho PSG tạo ra một cuộc lật đổ ngoạn mục. Họ không chỉ đánh bại Bayern mà còn chinh phục trái tim của người hâm mộ ở Pháp.

FourFourTwo đã điểm lại những chi tiết phần nào cho thấy nỗi oan khuất của PSG. Vào năm 1993, thời điểm Marseille giành chiếc cúp Champions League đầu tiên, chính trị gia Bernard Tapie "đã chuẩn bị mọi thứ để biến Marseille trở nên vĩ đại". Tuy nhiên, câu chuyện sau đó lại hóa thành một trong những vụ bê bối lớn nhất lịch sử bóng đá Pháp. Các cầu thủ đội Valenciennes thừa nhận họ có nhận hối lộ từ Tapie.

Vụ bê bối Marseille - Tapie cũng là đặc trưng của bóng đá Pháp, khi nó luôn dính tới câu chuyện chính trị. Cuối những năm 1990, thời điểm câu chuyện đa dạng sắc tộc nổi lên, tổng thống Jacques Chirac còn yêu cầu Zinedine Zidane - kiến trúc sư của chức vô địch World Cup 1998, công khai ủng hộ ông trong cuộc bầu cử chống lại đối thủ cực hữu Jean-Marie Le Pen. Năm 2017, lịch sử tái hiện khi Zidane một lần nữa lên tiếng chống lại Marine Le Pen, con gái của ông Jean-Marie Le Pen.

Những ngày này, khi nước Pháp hướng tới một bối cảnh mới hậu đại dịch COVID-19, PSG lại có thể gánh trên vai một nhiệm vụ mới. Phía sau đội bóng này sẽ là những kỳ vọng cho một nước Pháp vui tươi, tận hưởng cảm giác là nhà vô địch châu Âu. Dù người ta nói rằng Ligue 1 bị hủy sớm và trao cúp thẳng cho PSG là một trò hề nhằm ủng hộ đội bóng này tại đấu trường châu Âu, thì dẫu sao với riêng người hâm mộ bóng đá Paris, đó chính là tín hiệu của tình yêu và hi vọng.

Tương quan sức mạnh giữa PSG và Bayern ở chung kết Champions League Tương quan sức mạnh giữa PSG và Bayern ở chung kết Champions League

TTO - Trước trận chung kết Champions League giữa PSG và Bayern rạng sáng 24-8, Tuổi Trẻ Online gửi đến bạn đọc infophraphic tương quan sức mạnh của hai đội.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên