05/02/2005 00:00 GMT+7

Vọc cho đất biết nói

Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Bởi làng nghèo, trẻ con không biết chơi gì khác ngoài… vọc đất. Đất người lớn làm gốm ngoài hè, nhào sẵn, bọn nhỏ hè nhau ngồi xúm xít lại nặn tượng con trâu, con heo, quân lính hay con tò he, đầu gà…

WUcNUHRq.jpgPhóng to VFvrkm9J.jpg
Bởi làng nghèo, trẻ con không biết chơi gì khác ngoài… vọc đất. Đất người lớn làm gốm ngoài hè, nhào sẵn, bọn nhỏ hè nhau ngồi xúm xít lại nặn tượng con trâu, con heo, quân lính hay con tò he, đầu gà…

Những đứa trẻ trong cái làng ấy buông váy mẹ là đã biết bám vào đất. Đất vô hình chung trở thành một thứ ngôn ngữ tinh khôi của những thằng klu (con trai), con nưk may (con gái) tập chuyện trò với cái thế giới làng nhỏ bé , bình yên mà chúng được sinh ra và lớn lên…

Nếu quan sát kỹ, sẽ dể thấy văn hóa Chăm là một thực thể sống động được tạo ra bởi ba chất liệu chính: đất, nước và lửa. Con số ba dương tính trong tính ngưỡng Chăm Bàlamôn từ đó đã mang lấy một sứ mạng là sáng tạo và sinh sôi. Trẻ con Chăm từ sớm, trong trò chơi đất đã vô tình chạm đến con số ba ấy một cách hồn nhiên và cũng đầy mẫn cảm.

Bởi làng nghèo, trẻ con không biết chơi gì khác ngoài… vọc đất. Đất người lớn làm gốm ngoài hè, nhào sẵn, bọn nhỏ hè nhau ngồi xúm xít lại nặn tượng con trâu, con heo, quân lính hay con tè he, tu huýt hình đầu voi, đầu gà… Chúng học người lớn, tự nung những con vật mình nặn ra, sau đó, đem về nhà cất hay tổ chức những cuộc đấu trâu đất, vo những viên bi tròn ra sân bắn chứ nào có tiền để mua bi màu! Thế đấy, thiếu thốn, chúng phải tự tìm trò chơi, tự mày mò sáng tạo ra nhiều cách chơi mới. Mà nguyên liệu, chẳng đâu xa, là đống đất dẻo ba mẹ chúng đã nhào sẵn đang ủ ẩm ngoài vườn….

Họa sĩ, nhà điêu khắc Chăm Đàng Năng Thọ kể:”Hồi nhỏ, chơi đất cũng là do bản năng thôi, vì trẻ con Bàu Trúc gần với đất. Đất là trò chơi đầu tiên của trẻ con làng này! “Ham chơi đất đến độ bị mẹ nọc ra đánh đòn. Là con một, bố bị điếc, làm thợ mộc, không trò chuyện được với ai, thằng klu Thọ chỉ biết ngồi nặn đất chơi, có khi ngồi nhìn vào vách tường bện rơm – đất nhà mình và thấy trên những vết nức mang hình mặt người khóc, cười. Rồi lấy que vẽ lên cát.

qb5gwzZb.jpgPhóng to

Anh có một phát hiện thú vị, hồi còn đi học, cứ đến môn thủ công là học sinh Chăm luôn xuất sắc. Vì trò chơi từ nhỏ đã giúp chúng luyện tư duy hình ảnh, hình khối một cách vô thức. Anh bắt đầu từ những trò chơi với đất như thế, lớn lên, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật trở về quê, anh vẫn xây một phòng riêng để tiếp tục… nặn tượng, cứ như bị chứng bệnh ghiền đất vậy.

“Có nhiều đêm thức nặng gốm, mở cửa sổ, trăng chiếu vào vách đất, sáng lắm. Có mấy đứa nhóc chòm xóm đứng lấp ló bên ngoài, lén xem mình nặn tượng, khi mình ngước lên, chúng rộ một tràng cười giòn tan và bỏ chạy!”.

Trẻ con Chăm là vậy đó, tò mò, hiếu kỳ với đất đai. Đơn giản, vì chúng đã được không gian văn hóa làng dạy cho cách lắng nghe đất từ thuở sơ sinh. Am ảnh mãi điều này, Đàng Năng Thọ thao thức tìm chân dung mình, văn hóa dân tộc mình trong trò chơi lớn hơn, trò chơi sáng tạo thông qua “cuộc hôn phối” giữa đất, nước và lửa. Trò chơi lần này đưa tên tuổi anh lớn lên, thoát khỏi sự ràng rịt những ngõ làng để hướng ra thế giới… Tượng gốm của Đàng Năng Thọ lấy cảm xúc và sự cô đọng của văn hóa Chămpa, được nhiều bảo tàng thế giới Đức, Anh, Ý… mua về trưng bày.

Những đứa trẻ ngày nào lấp ló ngoài cửa sổ đêm trăng nảo nào xa lắc, những đứa trẻ tay lấm bùn vì những trò chơi dân giã hôm nào bây giờ cũng lớn lên, cũng nặn tượng, làm gốm với ý thức lưu giữ cái nghề truyền thống và văn hóa cho làng nghề. Anh đang dạy một lớp điêu khắc cho ba thanh niên được phát hiện có năng khiếu và say mê điêu khắc trong làng là Lưu Văn Trà, Trượng Văn Anh, và Đàng Lưu Đăng Phụng để họ phát triển nghề gốm theo thiên hướng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.

Trượng Văn Anh, năm nay 20 tuổi, cho biết, chính trò chơi đất thời nhỏ đã khiến anh say mê nặn tượng gốm. Ban đầu chỉ nặn utu, tu huýt (kèn) hay làm những đội quân đánh nhau, cũng để ý người lớn làm gốm thế nào thì học theo, làm đồ chơi cho chắc chắn, không bị vỡ. Anh đã gọi đó là thời “chơi với lửa, ngủ với đất”!

Những đứa trẻ làng được sinh ra và hít đất đai mà lớn lên. Chúng no say tận hưởng món quà xứ sở ban tặng. Đất đai ấy, có khi đơn giản chỉ là những con trâu, con bò, con chim, con cụm tháp Chàm, hay tiếng tu huýt thổi từ con gà đất… nhưng mang đầy ký ức tuổi thơ và dấu ấn văn hóa của một vùng.

Và có lẽ, cũng từ những trò chơi nặn đất của tuổi thơ như thế, có khi nó đủ sức lay động hồn vía của cả một nền điêu khắc, kiến trúc rực rỡ trong quá khứ và làm sống một nền văn hóa gốm trong chiếc nôi cổ nhất Đông Dương này. Những trò chơi ấy theo từng đứa trẻ lớn lên trong cuộc hành trình dài ngày của những hòn đất biết sáng tạo và suy tưởng về ngôi làng, dân tộc, đất nước và thế giới mà mình bước chân đi qua…

Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên