Bởi chị ít khi mặc cảm, tự ti về bản thân từ khi nhận ra đôi chân mình không thể chạy nhảy, đi lại dễ dàng như các bạn sau một cơn sốt bại liệt thời ấu thơ.
![]() |
Chị Hoàng Yến hát giao lưu tại buổi lễ nhận giải thưởng Kazuo Itoga - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Gặp lại Hoàng Yến khi chị vừa từ Nhật trở về sau chuyến đi nhận Giải Kazuo Itoga (Kazuo Itoga Memorial Prize) - giải thưởng tôn vinh những cá nhân ở châu Á - Thái Bình Dương có những đóng góp nổi bật cho cuộc sống của người khuyết tật - hôm 19-11 vừa rồi, chị vẫn vậy, ngồn ngộn công việc với lịch thời gian xếp kín mít, vẫn ấp đầy trong kế hoạch là những dự định về người khuyết tật.
Khi hỏi về giải thưởng 1 triệu yen, chị Yến cười bảo ngay: “Bạn bè nói phải khao mà Yến chối hoài vì Yến định dùng giải thưởng đó góp vào dự án tạo việc làm cho người khuyết tật. Mà như vậy thì 200 triệu đồng này có thấm tháp vào đâu”…
Vậy rồi chị lại hăng say chia sẻ về công việc của DRD (Disability Resource and Development - chương trình Khuyết tật và phát triển) - do chị sáng lập và điều hành từ năm 2005 về công việc giảng dạy môn hành vi khoa xã hội học ĐH Mở - bán công TP.HCM.
Từng bình thản đối diện cái chết
Cách đây gần hai năm gặp chị trong buổi sinh nhật lần thứ 76 của cô Nguyễn Thị Oanh tại báo Tuổi Trẻ chị Yến xanh xao lắm. Rồi những ngày da dẻ nhợt nhạt ấy của chị cũng nhẹ nhàng trôi qua trong mắt nhiều người, để trả lại một Hoàng Yến hồng hào, tươi tắn. Nhưng sau đó ai cũng giật mình khi biết rằng chị mất hơn một năm uống thuốc, điều trị chứng bệnh không rõ tên (dù làm rất nhiều xét nghiệm): một nốt đơn độc ở phổi.
Có người cảnh báo đấy có thể là bệnh ung thư và khuyên chị can thiệp bằng phẫu thuật. Nhưng “mổ mà sống thêm được vài tháng thì mổ làm chi, nên Yến chọn giải pháp uống thuốc và tiếp tục làm việc”, chị cười. Bí mật này được chị giữ kín, không cho người nhà và nhân viên ở DRD biết. Chị sợ mọi người lo lắng cho mình dù có những đêm giật mình tỉnh giấc bởi những cơn đau thắt ruột buốt xương.
Tính tự lập mạnh mẽ theo chị từ bé, đến khi chị đi học tấm bằng ĐH đầu tiên - tấm bằng thứ hai, đến những ngày tự mình xoay xở trên đất Mỹ để học cao học và đến khi chị tưởng rằng cuộc sống mình chỉ còn đếm được bằng ngày.
“Lúc ấy Yến nghĩ mình chỉ còn sống vài ba tháng thì làm việc sao được nữa, cái gì cũng sẽ dở dang. Nhưng nếu mình không tiếp tục viết dự án thì DRD khó có thể tiếp tục hoạt động, chưa kể đâu có ai hay biết chuyện Yến bệnh. Thế là đánh liều Yến tiếp tục viết dự án và cũng không nghĩ nhiều đến căn bệnh. Thấy bình thản lắm! Có lẽ nhờ vậy mà cái nốt ấy mờ dần rồi biến mất chăng”, hơn một năm tự mình đấu tranh với bệnh tật chỉ còn là một kỷ niệm vui khi chị nhớ về…
"Tôi nghĩ sống quan trọng là phải có niềm tin và biết nắm giữ lấy cơ hội. Người khuyết tật hay không khuyết tật cũng như nhau thôi, sẽ phải gặp những khó khăn buộc mình đương đầu. Tôi không nghĩ mình khuyết tật, những gì muốn làm thì sẽ cố gắng làm" - Võ Thị Hoàng Yến. |
Hỏi chị có cô đơn không khi đã quá 40 tuổi đời vẫn còn một mình lẻ bóng, chỉ bảo: có chứ! “Có những lúc buồn vì điều mình muốn làm mà không thể, cảm giác cô đơn lại ập đến và như tăng gấp đôi. Những lúc đó Yến thường ngồi một mình trong bóng tối, suy nghĩ một hồi. Có khi bật nhạc nghe, có khi đánh đàn và hát. Nhưng Yến là người không muốn bị chìm đắm trong cảm giác cô đơn nên tâm trạng đó cũng qua nhanh” - chị bộc bạch.
Rồi khi người viết hỏi “chị Yến có ngại gì không mà chưa chịu kết hôn”, lập tức chị cười bảo: không, không bao giờ Yến nghĩ mình khuyết tật mà ngại ngùng gì, chỉ có điều chưa thấy rung động trước ai; mà để tìm cho ra một người vừa phải lãng mạn như mình (thích đàn hát thi ca) vừa phải yêu công tác xã hội sao mà khó quá…
![]() |
Hoàng Yến với tấm thiệp do học trò tự làm tặng chị nhân Ngày 20-11 năm nay - món quà chị rất yêu thích - Ảnh: B.D. |
Hoàng Yến cũng nói thêm chị không cô đơn, bởi bao nhiêu năm "ở đậu chuyên nghiệp" (như lời của chị) tại nhà chị ruột, chị đã xem đây là nhà của mình, với những đứa cháu chị thương như con; với những nhân viên của chương trình DRD hơn bốn năm chị gắn bó. Và còn cả những cô cậu học trò khi chị luôn nhắc đến "thấy thương lắm"...
Tạm biệt Hoàng Yến tại "thế giới riêng của chị" - một căn phòng đầy sách khi chiều đã tắt nắng, tôi vẫn nhớ hoài câu hát chị thích và thường hát "Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư" (ca khúc Khát vọng - Phạm Minh Tuấn) để càng hiểu rằng nếu gần 20 năm trước chị "đầu hàng" các nhà tuyển dụng khi họ từ chối một cô cử nhân kinh tế khuyết tật, thì có lẽ giờ này sẽ không ai biết đến cái tên Hoàng Yến. Chị đã chọn một thái độ sống "không khuyết tật" và đi lên từ thái độ ấy...
Chị Võ Thị Hoàng Yến tốt nghiệp hai bằng cử nhân kinh tế và sư phạm Anh văn; tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người (ĐH Kansas, Mỹ 2004); là người điều hành chương trình Khuyết tật và phát triển từ năm 2005 (Disability Resource and Development - DRD - www.drdvietnam.com) Bên cạnh DRD, chị còn sáng lập và điều hành thư viện điện tử (có tính tiếp cận cho người khuyết tật) về lĩnh vực khuyết tật (2008), sáng lập và điều hành chương trình học bổng Người bạn đồng hành cho sinh viên khuyết tật và trẻ khuyết tật nặng không thể đến trường (2008). Hiện chị còn là giảng viên môn hành vi khoa xã hội học, ĐH Mở - bán công TP.HCM Trong thời gian du học tại Mỹ (do Quỹ Ford tài trợ), đề tài khoa học “Giúp phát triển kỹ năng vận động và biện hộ cho sinh viên khuyết tật ở các trường đại học Mỹ” của chị được hội đồng khoa học đánh giá cao và được đích thân cố vấn các vấn đề phát triển cho người khuyết tật của Ngân hàng thế giới (WB), bà Judith E. Heumann, mời báo cáo tại trụ sở chính của WB ở Washington D.C vào mùa hè năm 2004. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận