![]() |
Nhà văn Võ Thị Hảo |
* Theo chị, có phải phụ nữ làm văn chương thường nhạy cảm hơn những phụ nữ khác, và họ thường gặp trắc trở trong cuộc đời (nhất là trong đường tình duyên)?
- Hình như thế, hình như đã sinh ra làm nhà văn, mà gặp may nhiều quá thì mất duyên. Không gì vô duyên bằng một nhà văn mà nhẵn nhụi và trơn tuồn tuột.
* Trong khoảng thời gian gần đây, nhất là sau khi Giàn thiêu ra mắt độc giả, người ta ít được đọc truyện ngắn của chị, dường như Giàn thiêu đã khiến cho chị trở nên “kiệt sức”?
- Tôi đang dành thời gian và sức lực cho tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ. Đó là một câu chuyện dài và nhọc nhằn. Vả lại, đôi khi tôi kiệt sức vì cái tội nhạy cảm quá như bạn nói, đã treo một chữ “nhẫn” to tướng trước mũi rồi mà thỉnh thoảng vẫn phải vẽ một cái biển nguệch ngoạc đeo vào cổ, nội dung đại loại như “Tôi, Võ Thị Hảo - một chú mèo chăm bắt chuột, không vồ gà con, nay đang định ra đi. Có ai mua sức lao động của tôi không?”.
* Chị đã mất bao nhiêu thời gian cho Giàn thiêu, cho Từ Đạo Hạnh lẫn Ỷ Lan? Nhân vật nào làm cho chị có cảm hứng nhất khi cầm bút?
- Tôi mất hai năm rưỡi cho “Giàn thiêu”, nhưng chỉ viết tranh thủ vào một số ngày cuối tuần. Nếu chỉ cộng những ngày ngồi vào bàn thì chưa đầy hai tháng, và tôi viết “Giàn thiêu” trước hết là cảm hứng từ số phận kỳ lạ của Từ Lộ - Từ Đạo Hạnh.
* Ngoài văn chương ra, chị còn là một nhà báo có tiếng là thẳng tính và công bằng, vậy nơi nào, báo hay văn, là chỗ để chị “trút bỏ những nỗi muộn phiền”?
- Tôi viết không để trút bỏ muộn phiền. Nỗi muộn phiền của tôi trở thành quá nhỏ bé trước những đau khổ và những lòng yêu lớn của kiếp người, trước những đồng bào của chúng ta. Báo là tiếng nói trực diện, là trách nhiệm trực tiếp đối với đời sống hàng ngày. Văn là nơi thổ lộ những khát vọng, những nỗi đau lớn của kiếp người. Khi trách nhiệm, lòng yêu và nỗi đau đến thì nỗi muộn phiền tự ra đi.
* Người ta thường có ý nghĩ rằng, muốn văn chương “sống” được, phải có một nghề gì đó để “nuôi” nó. Vậy, nếu có một lời khuyên dành cho những người trẻ tuổi đang hàng ngày “lấy báo nuôi văn”, chị sẽ nói điều gì?
- Cứ việc lấy báo hoặc bất kỳ cái gì đó từ mồ hôi nước mắt của mình để nuôi văn, bởi vì trong khoảng hai mươi năm nữa, nguồn thu từ văn chương đích thực vẫn chưa cải thiện được đâu. Chỉ nên nhớ rằng, chớ lẫn lộn giữa hai thể loại, làm báo hay làm văn đều phải hết mình và “ tới bến”. Khi đã “tới bến”, báo và văn chẳng thể triệt tiêu nhau.
* Nếu được làm lại tất cả từ đầu, liệu sẽ có một “Võ Thị Hảo khác” không?
- Nếu được làm lại từ đầu, có hai cách: tốt nhất là không ra đời. Nếu phải ra đời, lại là Võ Thị Hảo, nhưng nên ngào thêm mật ong cho cuộc đời đỡ đắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận