26/01/2007 21:49 GMT+7

Vỡ giọng tuổi dậy thì và biến chứng

Theo NHẤT PHƯƠNG - Người Lao Động
Theo NHẤT PHƯƠNG - Người Lao Động

Ngày 13-1, anh N.T.T, 21 tuổi, ngụ tại quận 5 - TP.HCM đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để chỉnh lại giọng nói, vì khi nói chuyện điện thoại nhiều người thường nhầm và gọi anh... bằng chị.

LVM7JsBM.jpgPhóng to
Một bệnh nhân đang được tập hít thở để giúp nói giọng trầm từ ngực
Ngày 13-1, anh N.T.T, 21 tuổi, ngụ tại quận 5 - TP.HCM đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để chỉnh lại giọng nói, vì khi nói chuyện điện thoại nhiều người thường nhầm và gọi anh... bằng chị.

Giọng nói eo éo đã làm anh T. mặc cảm và ngại giao tiếp với mọi người. Tại bệnh viện (BV), sau khi khám và chẩn đoán bằng ống soi hoạt nghiệm dây thanh, các bác sĩ kết luận đây là trường hợp rối loạn giọng tuổi dậy thì.

Bé trai được cưng chiều dễ rối loạn giọng

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, một số trẻ đã dậy thì vẫn duy trì giọng nói trẻ em. Đây là tình trạng rối loạn giọng tuổi dậy thì mặc dù thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Ở những người này, dù thanh quản đã trưởng thành nhưng do căng quá mức nên làm cho họ lại không có giọng nói nam giới.

Khi mới sinh, kích thước thanh quản của trẻ em chỉ bằng 1/3 thanh quản người lớn. Trong suốt thời kỳ thiếu niên, giọng nền của thanh quản xuống thấp rất chậm, từ từ theo sự phát triển của thanh quản và sự hạ thấp của thanh quản trong vùng cổ.

Trước tuổi dậy thì, giữa bé trai và bé gái đã có sự khác nhau về giọng nói nhưng rất kín đáo, chủ yếu là khác ở cường độ và âm sắc. Ở tuổi dậy thì, tác động của những yếu tố nội tiết đã làm cho giọng nói biến đổi đột ngột. Ở trẻ vị thành niên nam, sự thay đổi giọng thường xuất hiện ở 12-14 tuổi, cùng lúc với sự phát triển nhanh của cơ thể và kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Do kích thước thanh quản lớn lên và dây thanh dài thêm khoảng 1 cm nên làm cho giọng nói trẻ lúc trầm lúc bổng đôi khi không kiểm soát được.

Về mặt tâm lý, có nhiều trẻ thành niên bị mất phương hướng vì sự thay đổi quá đột ngột và quá khác biệt của giọng nói nên trong vô thức không chấp nhận giọng mới này. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng gây rối loạn giọng tuổi dậy thì như bệnh nhân là con một, có nhiều chị em gái hoặc được cưng chiều quá mức. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có phong cách yếu đuối, ẻo lả... Trong những trường hợp này, bệnh nhân rất dễ bị hiểu lầm về giới tính hoặc bị chọc ghẹo khi giao tiếp.

Ngoài yếu tố tâm lý, những bệnh lý về dây thanh như liệt nhẹ thanh quản, có rãnh bẩm sinh ở thanh quản... cũng làm cho giọng nói bé trai thiếu độ trầm khi trưởng thành.

Tập phong cách mạnh mẽ để cải thiện giọng nói

Sau khi chẩn đoán xác định rối loạn giọng, bệnh nhân được ghi lại giọng nói bằng băng cassette để bác sĩ theo dõi sự tiến triển qua những lần tập luyện. Tại phòng luyện giọng, người bệnh được thư giãn, tập thở bụng, đằng hắng, phát âm bằng giọng ngực, tập đọc với những âm vực khác nhau, tập kể chuyện, tập động tác môi miệng, tập hát và phát âm theo đàn.

Ngoài ra, bệnh nhân còn tập phong cách để cải thiện những hành động ẻo lả nhằm trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn. Bác sĩ Ngọc Dung cho biết phương pháp này đơn giản và không tốn kém, nhưng tỉ lệ thành công lại cao (gần 88%). Tuy nhiên, rất khó khăn để bệnh nhân hợp tác điều trị, vì vậy bác sĩ phải thuyết phục bệnh nhân rằng chỉ cần phát ra âm trầm là đủ để họ có lại giọng nói nam.

Mỗi tuần, bệnh nhân được tập một buổi 45 phút tại BV Tai Mũi Họng, sau đó bệnh nhân được hướng dẫn tự tập ở nhà mỗi ngày 2 lần. Đa số nam thanh niên có giọng nói eo éo tìm được giọng nam trầm sau 5 đợt tập. Tuy nhiên, những khi xúc động giọng nói của bệnh nhân dễ bị rối loạn trở lại do bệnh nhân chưa điều khiển được giọng trầm. Vì vậy, nếu tập càng chăm chỉ và đều đặn, giọng nói trầm sẽ cố định hơn.

Việc tập luyện cần được thực hiện càng sớm càng tốt để các bác sĩ đưa dây thanh về vị trí bình thường. Nếu để lâu, bệnh nhân đã quen với phong cách yếu đuối và tâm lý mặc cảm đã in sâu sẽ làm giảm kết quả điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân cũng khó hợp tác với thầy thuốc hơn và thời gian luyện tập kéo dài hơn.

Bệnh nhân phải được xác định phát triển bình thường

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng chủ quan, bệnh nhân nói giọng cao với tần số nền lớn hơn 200Hz. Khi soi hoạt nghiệm thanh quản, hai dây thanh đã phát triển đầy đủ, thường thấy sự căng quá độ của dây thanh hoặc thanh quản ở cao hơn so với vị trí bình thường.

Sau khi nội soi thanh quản để xác định thanh quản phát triển đầy đủ, bệnh nhân sẽ được khám nội khoa để xác định là không bị thiếu nội tiết tố và những bệnh lý thực thể liên quan đến việc phát âm hoặc gây tổn thương bộ phận thanh quản. Quan trọng nhất là bệnh nhân phải được xác định đã dậy thì khi có mọc râu và phát triển về mặt tính dục. Những bệnh lý toàn thân như bệnh collagen, thiếu máu, bệnh lý về tim, bệnh thận, thiếu dinh dưỡng hoặc béo phì có thể ngăn cản sự dậy thì cũng làm rối loạn giọng nói.

Theo NHẤT PHƯƠNG - Người Lao Động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên