Phóng to |
Vai trò của vitamin trong miễn dịch nổi bật là các vitamin tan trong chất béo, đó là vitamin A và vitamin E. Chất khoáng có vai trò miễn dịch là sắt, kẽm, đồng và selen.
Vai trò của một số vitamin và miễn dịch:
Vitamin A còn được gọi là “vitamin chống nhiễm khuẩn” có vai trò rõ rệt cả với miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn ở trẻ em mà nguyên nhân do thiếu vitamin A rất cao. Vai trò của vitamin A với đáp ứng miễn dịch được thể hiện ở vai trò của vitamin A với tính toàn vẹn của các biểu mô.
Thiếu vitamin A, các biểu mô quá sản, sừng hóa, các tuyến giảm bài tiết, khả năng ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn giảm đi. Da và niêm mạc khô dẫn đến dễ nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắt khô, gây nhũn giác mạc, rồi gây mù.
Ngoài ra, thiếu vitamin A còn gây viêm loét dạ dày, mủ bể thận... Ngược lại, bôi mỡ có vitamin A có tác dụng thúc đẩy quá trình hồi phục các tổn thương ở da.
Vitamin C cần thiết cho sự phát triển bình thường các mô liên kết như sụn, xương, răng, cho sự bền vững của mao mạch và của da. Thiếu vitamin C, sự nhạy cảm với các bệnh nhiễm khuẩn tăng lên, người bị nhiễm khuẩn thì vitamin C trong máu thường giảm, thiếu vitamin C tính thấm mao mạch tăng, mạch dễ vỡ, da khô ráp.
Nếu ăn đủ vitamin C, các globulin miễn dịch IgA và IgM tăng, hoạt tính của bạch cầu tăng, kích thích chuyển dạng các lymphô bào và giúp tạo thành các bổ thể.
Các vitamin nhóm B và miễn dịch Trong các vitamin nhóm B, vai trò các folat và pyridoxin đáng chú ý hơn cả.
Thiếu folat làm chậm sự tổng hợp của các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Tương tự như thiếu sắt, miễn dịch dịch thể ít bị ảnh hưởng hơn miễn dịch qua trung gian tế bào.
Trên thực tế ở trẻ em, nhất là phụ nữ có thai, thiếu folat thường đi kèm thiếu sắt là hai yếu tố gây thiếu máu dinh dưỡng.
Thiếu pyridoxin (vitamin B6) làm chậm các chức năng miễn dịch, cả dịch thể và trung gian tế bào.
Vai trò của một số chất khoáng và miễn dịch
Sắt cần thiết cho tổng hợp AND, nghĩa là nó cần thiết cho quá trình phân bào. Ngoài ra, sắt còn tham gia vào nhiều enzym can thiệp vào quá trình phân giải bên trong tế bào.
Thiếu sắt, nhiễm khuẩn tăng. Thiếu sắt thường kèm theo thiếu protein - năng lượng, do vậy khi bổ sung sắt cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cần chú ý sau khi đã phục hồi dinh dưỡng từ 5-7 ngày, nếu không sắt tự do sẽ là yếu tố thuận lợi cho phát triển các vi khuẩn.
Sắt gây ảnh hưởng đến miễn dịch qua trung gian tế bào hơn là miễn dịch dịch thể. Do đó, tiêm chủng chống các bệnh nhiễm khuẩn vẫn có tác dụng ở những trẻ em bị thiếu sắt vừa phải. Ở nơi có bệnh sốt rét, việc bổ sung sắt cần đi kèm với uống thuốc phòng sốt rét.
Kẽm khi thiếu kẽm tuyến ức nhỏ đi, các lymphô bào giảm số lượng và kém hoạt động. Kẽm là coenzym của một số men như AND và ARN polymeraze, cũng như cacbonic anhydrate của hồng cầu. Thiếu kẽm thường kèm theo thiếu protein, sắt và vitamin.
Đồng là coenzym, trẻ em thiếu đồng bẩm sinh (bệnh Menkes) thường chết do nhiễm khuẩn, nhất là bệnh viêm phổi.
Selen là thành phần thiết yếu của men góp phần giải phóng sự hình thành gốc tự do. Thiếu selen, nhất là kèm theo thiếu vitamin E làm giảm sản xuất kháng thể.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận