30/11/2016 10:30 GMT+7

Vitamin D - Cần thiết cho sự phát triển xương

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Vitamin D là một trong 4 vitamin tan trong dầu (gồm vitamin A, D, E, K).

Vitamin D có tên khoa học là calciferol, được cung cấp từ thực phẩm có hai dạng: vitamin D2 hay ergocalciferol hiện diện trong thực vật (trong nấm men và một số loại nấm) và vitamin D3 hay cholecalciferol có trong động vật (nhiều nhất là dầu gan cá biển sâu).

Vitamin D không chỉ là “của trời cho”  tìm thấy từ các loài động vật mà còn thấy từ một số loài thực vật. Một số loại nấm, đặc biệt là vi nấm như nấm men (yeast) chứa sẵn hợp chất esgosterol biến thành ergocalciferol tức vitamin D2 . 

Còn đối với con người chúng ta, ở vùng thượng bì của da có chứa hợp chất 7-dehydrocholesterol cũng được xem là tiền vitamin D. Khi có tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời (đặc biệt là UVB có bước sóng 290-325nm) chiếu vào da sẽ biến tiền vitamin D thành cholecalciferol tức vitamin D3. Các nhà khoa học ghi nhận, chỉ cần 10 phút để cho hai tay và khuôn mặt lộ ra dưới nắng mặt trời không cần gắt lắm là đủ cho việc tổng hợp vitamin D với lượng cần thiết cho cả một ngày.

Vai trò của vitamin D

Vai trò chính của vitamin D là tạo xương bằng cách duy trì lượng calci và phospho có sẵn trong cơ thể để hóa xương. Nếu thiếu vitamin D, sẽ thiếu chất khoáng cho xương và răng đưa đến còi xương, nhuyễn xương, loãng xương, răng của trẻ không phát triển tốt. 

Ngày nay, người ta còn phát hiện thêm một số tác dụng mới của vitamin D. Đó là tăng cường hệ miễn dịch, tức giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là biệt hóa bạch cầu thành những tế bào có sức chiến đấu cao tiêu diệt mầm bệnh. Gần đây, một số nghiên cứu khoa học ghi nhận tình trạng thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, mắc bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường…

Vì sao có hiện tượng gọi là bỏ phí ‘của trời cho’ ?

Hiện nay ở nước ta, khá đông phụ nữ tỏ ra rất quyết liệt “kỵ với ánh nắng mặt trời”. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, khi ra đường phố nhiều phụ nữ vận quần dài áo rộng kín mít đeo khẩu trang thuộc loại to đùng, đeo kính đen, đội nón rộng vành, mang giày và tất đủ bộ, nhất quyết không để một centimet nhỏ nhoi của làn da tiếp xúc với ánh nắng.

Thái độ “kỵ với ánh nắng mặt trời” quyết liệt như thế có hai lý do. Một là sợ ánh nắng làm đen da, tức xâm phạm đến vẻ đẹp làn da mà theo quan điểm của đa số các chị là “trắng bóc thì mới tuyệt mỹ” (trong khi đối với phụ nữ da trắng thì ngược lại, “nước da rám nắng nâu dòn dòn thì mới số dzách”). Hai là sợ, số này ít thôi, ánh nắng mặt trời có tia cực tím gây ung thư da. Đúng là hai lý do vừa nêu phần nào có sự đúng đắn để người ta cần hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp ánh nắng gắt đối với làn da của cơ thể. 

Ánh sáng sẽ có hại nếu ta phơi nắng khi trời nắng gắt được quy định trong khoảng thời gian từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Thời gian còn lại, ánh nắng của sáng sớm, nhất là một hai giờ sau khi mặt trời mọc, sẽ đánh thức làn da để làn da làm việc thần kỳ là tổng hợp biến “tiền vitamin D” thành vitamin D mà hiện nay được cho là có nhiều tác dụng mới rất tốt. 

Vitamin D được xem là “vitamin trời cho” vì được tạo ra nhờ phơi nắng nhưng nhiều chị em phụ nữ đã khước từ “của trời cho” này do có sự lo sợ quá đáng về tác hại của ánh nắng mặt trời. Hiện trạng thiếu vitamin D ở ngay các nước nhiệt đới tràn ngập ánh nắng là điều đáng ngạc nhiên và rất đáng lo ngại.

Vitamin D sản xuất từ ánh nắng mặt trời, nếu dư cơ thể ta không xài hết sẽ được dự trữ ở gan hoặc mô mỡ để sử dụng dần dần. Ngoài vitamin D là “của trời cho” sản xuất bởi ánh bắng mặt trời, vitamin này còn được cung cấp từ thực phẩm như dầu gan cá, mỡ cá (cá hồi, cá trích, cá mòi…), lòng đỏ trứng, sữa. 

Ở một số nước tiên tiến thiếu ánh nắng mặt trời, vitamin D được bổ sung bằng bánh mì, bơ làm từ dầu thực vật để cho dân nước họ không thiếu chất dinh dưỡng này. 

Rõ ràng là nếu ta ăn uống đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất và chịu khó phơi nắng một ít trong ngày là chẳng phải lo thiếu vitamin. 

Cần ghi nhận, trẻ con nước ta rất dễ thiếu vitamin D. Ngay từ khi sơ sinh, trẻ rất cần được phơi nắng để có vitamin trời cho bởi vì sữa mẹ tuy có chứa vitamin D như hàm lượng rất nghèo nàn, và đặc biệt có khá nhiều bà mẹ theo hủ tục bản thân úm mình trong phòng kín chẳng dám ra nơi thoáng đãng nói chi chịu khó cho con mình mới sinh được phơi nắng.

Nếu uống vitamin D nên uống bao nhiêu là đủ?

Đối với các vitamin, chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến vitamin A và vitamin D vì hai vitamin này thường được cung cấp trong dạng thuốc chung là viên dầu cá hay viên vitamin A-D. Hơn nữa, hai vitamin này nếu dùng quá liều và với thời gian kéo dài sẽ đưa đến hội chứng ngộ độc rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ.

Hàng ngày, trẻ chỉ nên uống lượng dầu gan cá hoặc vitamin A-D tương ứng với 2.500 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và 400 IU vitamin D. 

Còn người lớn thì không được dùng quá 5.000 IU vitamin A/ngày và 400 IU vitamin D/ngày. Để không quá liều, nên uống theo từng đợt cách quãng, nghĩa là sau khi uống 3 tuần phải ngưng uống 1-2 tuần nếu muốn tiếp tục.

Dùng quá liều vitamin D sẽ gây vôi hóa nhau (rau) thai ở phụ nữ có thai, còn trẻ thì bị chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. 

Đặc biệt lưu ý, hiện có các dược phẩm chứa vitamin D liều cao có tác dụng kéo dài chỉ được dùng sau khi được bác sĩ khám và cho đơn thuốc dùng để chữa một số bệnh nhất định như còi xương, nhuyễn xương do thiếu vitamin D, cơn co giật do thiếu calci huyết. Nếu dùng với mục đích khác - như cho trẻ không thiếu vitamin D uống với hy vọng làm tăng chiều cao - dễ dẫn đến quá liều rất nguy hiểm. Tuyệt đối không được dùng vitamin D (đặc biệt là loại có liều cao và tác dụng kéo dài) cho người bị calci huyết tăng, calci niệu tăng, bị sỏi thận loại calci.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên