![]() |
Phác thảo sân bay quốc tế mới ở Doha, Qatar |
Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn Pháp lừng danh thế giới Jules Verne, đề tài của WTD là “Lữ hành và vận chuyển: từ sự tưởng tượng của Jules Vernes đến thực tế thế kỷ 21”. Nước chủ nhà của WTD 2005 là Qatar, nước Ả Rập Trung Đông đầu tiên đảm nhận vai trò này kể từ khi bộ luật của Du lịch Thế giới được công nhận vào ngày 27-9-1970.
Ông Jules Verne có sống lại chắc sẽ rất vui vì hầu hết những chuyện phiêu lưu mạo hiểm thực hiện với những phương tiện vận chuyển “độc đáo” mà ông hằng tưởng tượng năm xưa nay đều đã hoặc sắp trở thành chuyện thực tế đời thường. Ngày nay, người giàu có thì tính chuyện du hành vào không gian; còn chuyện đáp máy bay, khinh khí cầu, tàu thủy, đường sắt cao tốc mà chu du xứ lạ quê người đã là chuyện quá bình thường.
Với sự “nở hoa” của các hãng vé rẻ ở các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và sự ra đời của những hàng hãng không tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc, chuyện đáp máy bay đi du lịch đã trở thành thực tế trong tầm tay của hàng trăm triệu người có thu nhập thấp. Và chỉ còn hơn một năm nữa thôi thì A380, loại máy bay lớn nhất thế giới, có sức chở từ 555 đến 900 hành khách sẽ cất cánh bay thương mại. Rõ ràng, “Từ sự tưởng tượng của Jules Vernes đến thực tế thế kỷ 21”, đúng là đề tài cần được nói đến nhiều trong Ngày Du lịch Thế giới 2005.
Khách mời danh dự tại Hội nghị du lịch quốc gia Qatar lần thứ nhất diễn ra tại Doha nhân dịp Qatar tổ chức WTD 2005 vào ngày 27- 9 năm nay là ông Guy Dallery, quản trị viên cấp cao nhánh dự báo nhu cầu hàng không -thuộc tập đoàn Airbus Industrie. Có lẽ ông là người hiểu rõ hơn ai hết về lợi ích của vận chuyển và du lịch bằng đường hàng không, vì ông đã có 30 năm làm việc ở ngành công nghiệp máy bay và từ năm 1978 là làm cho Airbus.
![]() |
Jules Verne |
Ông nhắc rằng nơi nào, nước nào thiếu các cơ sở hạ tầng đường sá, bến cảng, sân bay xem như có chướng ngại vật lớn trong đà tăng trưởng của công nghiệp du lịch. Và các nơi ấy sẽ để hụt mất cơ hội phát triển kinh tế và xã hội, vì ngày càng có nhiều người đi du lịch hơn. Năm 1950 là 20 triệu, năm ngoái là 760 triệu và đến năm 2020 sẽ là 1,6 tỷ khách đi du lịch quốc tế.
Vào lúc ấy chi phí mà người dân thế giới bỏ ra cho dịch vụ du lịch sẽ lên đến 2 ngàn tỷ USD, tức 5 tỷ USD/ngày. Du lịch-lữ hành đã trở thành một ngành công nghiệp lớn (trực tiếp góp 4% vào GDP của thế giới và gián tiếp là 11%), người ta còn gọi nó là công nghiệp không khói. Có người khẳng định nó là công nghiệp lớn nhất thế giới vì trực tiếp thuê dụng 75 triệu người và gián tiếp tạo việc làm cho khoảng 200 triệu người khác.
Du lịch là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể đối với nhiều quốc gia, thậm chí vài nước không thể nào tồn tại và phát triển nếu như không sớm biết khai thác nó. Cụ thể là đảo quốc Mauritius, là công quốc Monaco… Và không thiếu những thành phố chỉ sinh ra và tồn tại vì du lịch, chẳng hạn như Las Vegas (Mỹ), Macao (Trung Quốc), Bali (Indonesia), Genting (Malaysia)…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận