13/08/2008 14:57 GMT+7

Vĩnh biệt "ông già Nam bộ" Sơn Nam

TTO
TTO

TTO - Nhà văn Sơn Nam, "ông già Nam bộ", người được mệnh danh là nhà "Nam bộ học" vừa qua đời lúc 13g chiều nay (ngày 13-8) tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP.HCM, thọ 83 tuổi.

l76bmFnl.jpgPhóng to
Sách vở, văn chương là cả niềm đam mê suốt cuộc đời ông - Ảnh: Đức Huy

Nhà văn Sơn Nam đã bị đột quỵ từ trưa 30-7 và được đưa vào phòng Chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, nhưng ông đã không vượt qua được qui luật của tuổi già và bệnh tật.

Nhà văn Sơn Nam: Cả đời viết về cuộc khẩn hoang Nam BộĐi lãnh nhuận bút với nhà văn Sơn NamNhà văn Sơn Nam đang nguy kịchNghe chuyện xưa, tích cũ với Sơn Nam

Bấm vào đây nghe Biển cỏ miền TâyBấm vào đây nghe tuyển tập truyện ngắn Sơn Nam

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 ở vùng quê Kiên Giang. Ông học tại Cần Thơ, rồi tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp định Genève 1954, ông trở lại Sài Gòn tham gia viết sách, báo. Từ hơn nửa thế kỷ nay, nhà văn Sơn Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong văn chương Nam Bộ. Ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học"...

Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ tối nay. Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ sáng mai (14-08-2008) tại Nhà tang lễ Thành phố, 25 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM. Lễ truy điệu diễn ra và lúc 5g30 sáng thứ 7 (16-08-2008), lễ động quan vào lúc 6g sáng cùng ngày.

Linh cữu của nhà văn Sơn Nam sẽ được an táng tại Công viên Nghĩa trang Bình Dương - xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát - Bình Dương.

Những tác phẩm chính của ông bao gồm:

NXnFamg5.jpgPhóng to
Nhà văn Sơn Nam - Ảnh: Đức Huy

Nhà văn Nguyễn Trọng Tín, vốn là bạn văn, và là người ngưỡng mộ tài năng của Sơn Nam, nhận xét: "Nhà văn Sơn Nam là một trong hai người còn lại hiểu biết nhiều về Nam bộ. Ông có nhiều cống hiến cho văn chương và là người đứng đầu trong số các nhà văn Nam bộ.

Bên cạnh sự nghiệp sáng tác, ông còn rất nhiều công trình khảo cứu và sưu tập về văn hóa Nam bộ. Ðặc biệt, ông là người hiểu biết quá trình hình thành dải đất Nam bộ. Từ hiểu biết uyên bác đó ông lại thể hiện bằng những trang viết rất giản dị khiến nhiều tầng lớp độc giả đều đọc và dễ hiểu tác phẩm của ông".

- Chuyện xưa tích cũ- Tìm hiểu đất Hậu Giang - Hương rừng Cà Mau- Chim quyên xuống đất - Văn minh miệt vườn- Lịch sử khẩn hoang miền Nam - Hai cõi U Minh - Vọc nước giỡn trăng - Bà Chúa Hòn - Bến Nghé xưa- Cá tính Miền Nam- Ngôi nhà mặt tiền - Một mảnh tình riêng

Tất cả các tác phẩm của Sơn Nam đã được Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM mua bản quyền trọn đời từ 12-2002.

Phim Mùa len trâu chuyển thể từ tác phẩm Mùa len trâuMột cuộc biển dâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của ông đã đạt giải Bông sen bạc trong LHP VN lần thứ 15 và rất nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế như giải FIPRESCU tại Liên hoan phim Palm Springs, đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Chicago (Mỹ) và tại Liên hoan phim Cape Town (Nam Phi), Kỳ Lân Vàng - giải thưởng cao nhất cho phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Amiens (Pháp), giải Đặc biệt tại Liên hoan phim Amazonas (Brazil) và giải quay phim hay nhất tại LHP châu Á Thái Bình Dương lần thứ 50.

2MsVL8cN.jpgPhóng to
Ông chưa bao giờ vắng mặt trong những buổi lễ hướng về cội nguồn của TP.HCM, bao giờ cũng giữ trọng trách đại diện cho lớp con cháu hướng về cội nguồn. Chỉ từ hôm nay... - Ảnh: Đức Huy
Onql6HRA.jpgPhóng to

Giây phút xúc động của "ông già Nam Bộ" tại lễ mừng thọ 80 tuổi do Hội nhà văn TP HCM và NXB Trẻ phối hợp tổ chức (năm 2006) - Ảnh: Lam Điền

TTO xin giới thiệu một đoạn trích từ Hồi ký Sơn Nam, do NXB Trẻ xuất bản năm 2005

QzKT6m0j.jpgPhóng to
Bìa sách Hồi ký Sơn Nam
….Phải trở về Sài Gòn, chẳng lẽ cứ lang thang miền quê, chẳng hiểu gì về thời cuộc. Sài Gòn đã là quê hương của tôi để có hoàn cảnh tiến thân về văn học, báo chí. Coi chừng trường hợp mình là kẻ lạc hậu giữa bối cảnh cứ thay đổi của quê hương quen thuộc.

"Văn vô sơn thủy phi kỳ khí..." Câu thơ của ông cử Trần Bích San còn đó, ông là người ở đồng bằng sông Hồng đã được vào phía Nam, qua đèo Hải Vân, lần thứ ba. Văn chương phải gắn bó với sơn thủy, với núi sông. Tôi hiểu là gắn bó với sử và địa. Chuyện sử của Nam Kỳ và đặc biệt phía Hậu Giang còn mù mờ lắm.

Ở Sài Gòn, ngay từ khi Pháp xâm lược, cuối thế kỷ thứ XIX, vài người Pháp và người Việt đã chú ý nghiên cứu đăng trong đặc san viết chữ Pháp, mục đích là giúp người Pháp am tường về mọi mặt. Pháp lập Hội nghiên cứu về Đông Pháp, với thư viện quí giá và trụ sở đặt tại tầng một của Nhà Bảo tàng lịch sử (Thảo Cầm Viên). Khi cần nghiên cứu, người Pháp đọc báo chữ Pháp và đến thư viện nói trên, người viết phải dẫn chứng từ sách chữ Pháp để dễ kiểm chứng. Vào thư viện nói trên, điều kiện cũng khó, phải có hội viên cũ giới thiệu.

Ông Vương Hồng Sển đã đưa tôi đến, giới thiệu. Nơi đọc sách quá rộng, bàn ghế rộng rãi, người nghiên cứu tha hồ hút thuốc lá. Cũng may là nhân viên thư viện (người Việt) khá giỏi về chuyên môn dường như rất thích tôi (qua những truyện ngắn) nên chưa chi các anh đã “đánh hơi” đoán chắc tôi là người ở chiến khu mới hội nhập vào vùng địch chiếm. Được tạo điều kiện dễ dãi, hướng dẫn về tra cứu, cho mượn sách về đọc. Đặc biệt là tiền niên phí (hoặc nguyệt phí), được bỏ quên, số tiền ấy khá to.

Tôi được đọc nhiều quyển sách cơ bản để mở rộng kiến thức, thú vị nhất là René Grousset, nói về Á Châu. Hai nền văn hóa lớn là Ấn Độ và Trung Hoa khác nhau ở điểm nào và giống nhau ở điểm nào. Con rồng của Ấn Độ trông to lớn và hùng dũng hơn. Sông Hằng (Gange) của Ấn Độ là loại rồng thiêng. Qua đến Thái Lan, Campuchia, tục lệ đua ghe quá sôi nổi, ghe đua dài, với phần đầu giống như con rồng. Cũng làm ruộng nước nhưng ghe đua của người Việt nhỏ và ngắn hơn. Đám cưới ở Campuchia cũng dùng biểu tượng lá trầu và bông của cây cau. Các điệu múa của Ấn Độ, của Trung Á lần hồi du nhập qua Trung Quốc. Sự giao lưu giữa Trung Quốc và Ấn Độ phát triển, ban sơ là đời nhà Hán rồi đến Con đường Tơ lụa. Đời nhà Đường có pháp sư Trần Huyền Trang, René Grousset thử ghi lại cụ thể chuyến hành hương để học tập của vị cao tăng này, nhờ đó mà ta đọc Tây Du Ký thấy thú vị lạ lùng.

Ông Vương Hồng Sển giữ quá nhiều sách xưa mà dường như chính ông cũng không lưu ý (thấy xưa, ông mua lại từ lâu, để dành). Tình cờ, gặp tại nhà ông một mớ báo xưa, gần như độc nhất vô nhị, in năm 1908, đó là Lục Tỉnh Tân Văn do Trần Chánh Chiếu làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Nhờ đó tôi sưu tập lại nhiều bài thời phong trào Duy Tân ở Nam Bộ. Sẵn trớn ấy, tôi mượn của ông mấy quyển tư liệu xa hơn về Thiên Địa Hội ở Nam Dương. Đây là những tư liệu tạm gọi là tiền thân của các giáo phái ở Nam Bộ.

Tôi cũng chịu khó tham khảo Văn thư Lưu trữ của Sài Gòn đầy bụi bậm, suốt năm bảy tháng ròng rã để rồi soạn quyển Lịch sử khẩn hoang miền Nam.

Le mur de Đồng Hới, thiên khảo cứu của cố đạo Cadière đã gây ấn tượng sâu đậm cho tôi.

Nam Bộ là vùng đất mới, cứ đổi mới vì chiến tranh, dân mới đến thêm đông, dân cũ thì lắm khi phiêu dạt. Sài Gòn lại là hải cảng quốc tế, thường thay đổi về qui hoạch...

HWoxOEgA.jpgPhóng to

Ảnh: Đức Huy

"Sơn Nam là một tâm hồn lạc lõng trong thế giới buyn-đinh và Mercedes, trong thế giới triết hiện sinh, tranh trừu tượng và nhạc tuýt. Nhưng đó là một tâm hồn đẹp không biết bao nhiêu, đẹp cái vẻ đẹp của lọ sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây (có khác lọ hoa Ý Đại Lợi ngày nay), và ít được người đời thưởng thức hơn là họ đã thưởng thức một tiểu thuyết gia chuyên viết về chuyện tình chẳng hạn. Nhưng phải nhìn nhận rằng, cái đẹp Sơn Nam bất hủ".

(*) Tựa do TTO đặt

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên