08/05/2014 09:26 GMT+7

Vĩnh biệt nhà viết kịch Học Phi: Neo mình vào cõi thiện...

CHU LAI
CHU LAI

TT - Thực ra tôi và bố tôi không mấy khi được sống cận kề chứ chưa nói gì đến chuyện cha con ý đầu tâm hợp. Hồi nhỏ ông cụ rất dữ đòn, mà tôi lại hay nghịch phá khiến cho không ngày nào không có người đến mách rằng tôi lại giở trò nọ trò kia với con cái người ta, vườn tược người ta, chó mèo người ta.

Rồi đến một ngày, chừng 14, 15 tuổi gì đó, bị đánh đau quá, tôi đã trừng mắt lên nhìn ông cụ như ra ý bố cứ đánh đi, đánh chết con đi, thế là cụ thôi, thôi hẳn. Sau này mẹ bảo, bố nói con mắt con nhìn dữ dằn như mắt mấy thằng lính coi tù ở Hỏa Lò.

Rồi tôi đi bộ đội. Mười năm biền biệt trong Nam, khi trở về, ông cụ chỉ nói: “Về được là tốt rồi. Bây giờ phải tính chuyện sống đời thường thế nào, không dễ đâu”. Rồi cụ bảo, nếu thấy đầu óc bí bách thì thử viết ra xem, viết thật vào, viết những cái xúc động nhất. Thế là tôi viết và cụ luôn là người đứng đằng sau lặng lẽ đọc, góp ý, thậm chí góp ý rất thẳng thừng khiến tôi có lúc muốn nổi quạu. Cụ lại nói, mà nói qua cái giọng dịu nhẹ của mẹ tôi: nghề văn là nghề khổ, còn khổ hơn đánh giặc, bảo nó nếu không chịu được thì đi làm nghề khác. Tự ái, tôi cắm đầu vào con chữ như cắm đầu vào danh dự. Và cắm miết rồi thành nghề, thành nghiệp chướng. Cũng khối người thích nhưng riêng cụ lại lắc đầu, tất nhiên vẫn là nói với mẹ tôi: Văn chương là phải tinh tế, mềm mại, lắng sâu, tính nó hổ mang hổ lửa như đang đánh giặc giữa trận tiền như thế làm sao viết được. Nhưng rồi cụ vẫn lén đọc của tôi, vẫn chê bai nhưng kỳ lạ, có lần mẹ tôi nói bố con đọc sách của con khóc đấy, lại còn nhờ mẹ ra hiệu sách mua thêm vài cuốn tặng mấy ông bạn già nữa. Tôi cười, thì ra dù sau này tôi có là đại văn hào thì đối với cụ tôi vẫn chỉ là đứa võ biền cũng như một vị tướng trước mẹ vẫn chỉ là đứa trẻ con cần chăm bẵm dạy dỗ.

Vậy mà thấm thoắt cụ đã đi xa rồi. Cụ đi rất thanh thản, không rên la, không đau đớn, ngọn đèn sắp tắt, cụ êm đềm chìm vào cõi hư vô, để lại những trang viết đang còn dở dang.

Có một điều lạ là cụ đi đúng vào ngày Phật đản (mồng 8-4 âm lịch) mặc dù đã mấy bận định xuôi tay rồi. Phải chăng cả cuộc đời hoạt động bí mật của cụ đều ở trong chùa và hầu hết các nhân vật chính của cụ đều mặc áo cà sa nên trời Phật động lòng cảm kích mà đến đón cụ đi đúng vào thời khắc linh diệu nhất.

102 tuổi, người đàn ông vắt mình qua hai thế kỷ đã nếm đủ mọi vinh nhục đắng cay ngọt ngào của cõi sống để rồi khi ra đi, cụ vẫn để lại trong lòng bạn đọc hình ảnh một người cầm bút tử tế.

Cầm bút tử tế, có lẽ đó là triết lý sống vĩnh hằng đủ để cụ có niềm vui, nghị lực đánh vật trên trang giấy đến giờ phút cuối cùng. Như cụ nói, nếu không viết thì buồn lắm, như cái anh sống thừa, viết không hẳn chỉ là viết mà chính cái sự viết ấy nó đã neo mình vào cõi thiện.

Cụ đi rồi, phận làm con xin chôn theo cụ mấy cuốn sách của con để ở dưới đó, lúc buồn cụ có thể đọc thoải mái mà không phải vướng bận chuyện chê bai cho con thành người cầm bút tử tế nữa.

Vì cụ hiểu, con cũng hiểu, giữa thời buổi ngổn ngang bừa bộn những giá trị không xác định này, để làm một người sáng tạo con chữ một cách tử tế thì khó lắm thay. Còn khó hơn tù ngục, trận mạc thật.

OUuwBrvD.jpgPhóng to
Nhà viết kịch Học Phi - Ảnh tư liệu

Vĩnh biệt nhà viết kịch Học Phi

Nhà viết kịch Học Phi mất lúc 14g56 ngày 6-5-2014. Ông tên thật là Chu Văn Tập, sinh năm 1913 tại Tiên Lữ, Hưng Yên. Ông từng là tổng thư ký Hội Văn hóa kháng chiến Liên khu III, sau chuyển lên ban biên tập Ban Tuyên huấn trung ương, rồi phụ trách Đoàn Văn công trung ương, giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, rồi tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho đến khi về hưu.

Ông đã để lại cho nền văn học và kịch nói nước nhà hơn 30 kịch bản sân khấu và chín tiểu thuyết cùng một số kịch bản phim truyền hình. Các vở kịch nổi tiếng của ông gồm: Ni cô Đàm Vân, Đào nương (Người kỹ nữ ở Đông Quan), Chị Hòa, Bên đường dốc, Một đảng viên, Lúa mùa thu, Mở đường, Mai...

Học Phi được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Ông có mười người con trai nhưng chiến tranh, loạn lạc, bệnh tật đã mất hết bảy, còn ba. Một trong ba người là nhà viết kịch Hồng Phi cũng đã mất năm 2012, chỉ còn hai người con là nhà văn Chu Lai và con út Chu Tác Nhân (nguyên vụ trưởng VPCP). Đó cũng là lý do cho câu trích dẫn ông dán trên bàn làm việc: “Hãy vượt lên trên những nấm mồ để sống và viết”.

Nhớ về Học Phi, quyền giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - NSƯT Hà Quốc Minh nói: “Nhà viết kịch Học Phi là một cây đại thụ của sân khấu kịch nói Việt Nam. Những tác phẩm của ông hầu hết đều mang tính chiến đấu cách mạng và được dàn dựng tại nhiều sân khấu trên cả nước. Ông là một người rất khắt khe trong việc xử lý kịch bản. Các đạo diễn khi dàn dựng kịch bản của tác giả Học Phi đều phải trao đổi với ông rất cặn kẽ”. Nghệ sĩ Hà Quốc Minh cũng cho biết vào dịp tác giả Học Phi thượng thọ 100 tuổi, Nhà hát Chèo Việt Nam đã cho dàn dựng lại vở kịch Ni cô Đàm Vân như món quà mừng thọ gửi đến ông.

Lễ viếng nhà viết kịch Học Phi bắt đầu từ 7g-9g30 ngày 12-5 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng cùng ngày tại nghĩa trang Mai Dịch.

C.KHUÊ - V.V.TUÂN

CHU LAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên