Điểm sơ sơ lại Phạm Mạnh Hùng đã dịch hơn 30 đầu sách, trong đó có nhiều bộ sách gồm ba bốn tập, lên tới hàng nghìn trang. Tập trung nhất anh đã giới thiệu cho bạn đọc VN nhiều tác phẩm lớn của văn học Nga, văn học Xô viết. Trong số này có tới chục cuốn thuộc sách kinh điển, như những tác phẩm của I. Tuốcghênhiép (Bút ký người đi săn) , F. Đôxtôiépxki (Những đêm trắng, Anh em nhà Karamadốp), M.Goócki (Bà lão Idecghin, Tsenzasơ, tiểu thuyết Foma Gocđêép) và những cuốn như Tsapaép của Fuốcmanốp, Suối thép của F. Sêrafimôvits, Xi-măng của Glátcốp, Rừng Nga của L. Lêônốp, Máu người không phải nước lã của M. Xtenmắc; Quy luật của muôn đời của Đumbátzê, Tuổi thơ mãi mãi cùng ta của M.Karim, Con tàu trắng, Vĩnh biệt Gunxarư, Con chó khoang chạy bên bờ biển của Aitmatốp, Rừng Nga của L. Lêônốp; cũng như không ít những tác phẩm xuất sắc của các nền văn học khác như Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Côlin Mắccalâu (Australia), Khuôn mặt của người khác của Kobo Abe (Nhật Bản), Chỉ còn lại tình yêu của George Sand (Pháp),... |
Phạm Mạnh Hùng đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1950 khi anh mới 15 tuổi. Anh là dược tá của phòng quân dược 4 (Thái Nguyên) rồi dược tá của Sư đoàn 316. Năm 1952, anh được cử đi học sư phạm ở Khu học xá Trung ương và sau hòa bình lập lại một năm, năm 1955, anh ra trường về dạy học tại Nam Định.
Hồi học ở trường sư phạm đóng trên đất Trung Quốc, thấy có nhiều sách tiếng Nga ở cửa hàng, thèm đọc, anh đã đi mượn sách dạy tiếng Nga qua tiếng Pháp, tự học bằng được tiếng Nga. Từ năm 1958, không còn được dạy học ở trường quốc lập nữa, Phạm Mạnh Hùng tiếp tục kèm học các môn toán, lý để có tiền sống và bắt tay vào sử dụng tiếng Nga dịch văn học.
Năm 1960, bản dịch đầu tay của Phạm Mạnh Hùng ra đời: Tôi đã học tập như thế nào? của M.Goócki.
Phạm Mạnh Hùng từng được Hội Nhà văn Liên Xô trao tặng giải thưởng quốc tế dịch văn học Nga mang tên M. Goócki. Con người bấy lâu vốn ai cũng biết là tính tình kiêu hãnh, bộc trực, thẳng thắn, không chịu những sự ngang trái, khuất tất, bỗng lại tỏ ra bối rối trước vinh quang... Cũng là thái độ bối rối ấy trong lần anh được giải thưởng về Văn học dịch (loại A) năm 1984 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Phạm Mạnh Hùng không còn nữa. Anh ra đi không phải là đột ngột - anh đã bị trọng bệnh cả chục năm rồi. Tuy vậy, việc ra đi của anh vẫn làm hẫng hụt nhiều người, trong đó có tôi, những người vẫn quen có anh hiện diện đâu đó. Những thế hệ bạn đọc sau này hẳn không biết anh là ai nhưng chắc chắn họ sẽ say mê những áng văn trong bản dịch của anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận