12/04/2016 10:08 GMT+7

Vinafood 2 loay hoay cơ cấu

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Trong khi các thủ tục cho thuê, bán tài sản vẫn chưa hoàn tất, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã giao nhà máy cho Công ty CP Vĩnh Hoàn khai thác...

Công nhân Công ty CP Vĩnh Hoàn sản xuất trong nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản Cổ Lịch - thuộc sở hữu của Vinafood 2 - Ảnh: V.TR.
Công nhân Công ty CP Vĩnh Hoàn sản xuất trong nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản Cổ Lịch - thuộc sở hữu của Vinafood 2 - Ảnh: V.Tr.

 

Trong khi các thủ tục cho thuê, bán tài sản vẫn chưa hoàn tất, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã giao nhà máy chế biến thủy sản và vùng nuôi cá cho Công ty CP Vĩnh Hoàn khai thác suốt hơn một năm qua.

Trong khi đó, dù khẳng định chủ trương tái cơ cấu những lĩnh vực chưa hiệu quả là cần thiết, các bộ ngành đều cho rằng phương án hoán đổi tài sản do Vinafood 2 đề xuất là chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện, đồng thời bác đề xuất giữ lại tiền bán nhà máy của Vinafood 2.

Chưa ký hợp đồng đã giao nhà máy

Đầu tháng 4-2016, có mặt tại nhà máy chế biến thủy sản (CBTS) Cổ Lịch của Công ty Nông sản thực phẩm (NSTP) Tiền Giang (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè), điều khiến chúng tôi ngạc nhiên khi các công nhân làm việc ở nhà máy đều mặc đồng phục in logo của Công ty CP Vĩnh Hoàn. Một số công nhân xác nhận đang làm việc cho Công ty CP Vĩnh Hoàn.

Theo tìm hiểu, nhà máy này được xây dựng trên diện tích 53.300m2, công suất thiết kế 12.000 tấn thành phẩm/năm, kho lạnh có sức chứa 2.000 tấn, vốn đầu tư được phê duyệt hơn 263 tỉ đồng, do Công ty NSTP Tiền Giang - công ty con của Vinafood 2 - quản lý. Tháng 5-2014, khi đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị và nghiệm thu, Công ty CP Vĩnh Hoàn đàm phán mua lại nhà máy.

Tháng 9-2014, Công ty NSTP Tiền Giang có tờ trình gửi Vinafood 2, trong đó đề nghị cho phép “Công ty CP Vĩnh Hoàn đưa nguyên liệu vào sản xuất tại nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản, thực phẩm” và được lãnh đạo Vinafood 2 bút phê “đồng ý thực hiện”.

Tuy nhiên đến nay, sau hơn một năm giao nhà máy cho Công ty CP Vĩnh Hoàn khai thác, giữa Công ty NSTP Tiền Giang và Công ty CP Vĩnh Hoàn vẫn chưa hề có hợp đồng bán hoặc cho thuê nên phía chủ đầu tư không có căn cứ pháp lý thu tiền.

Chưa hết, Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng được Vinafood 2 giao vùng nuôi cá cồn Đông Giang rộng khoảng 16.000m2 (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Trong văn bản ký ngày 9-3-2015, Vinafood 2 giao cho Công ty NSTP Tiền Giang ký hợp đồng cho thuê.

Chỉ một tuần sau đó, ngày 16-3-2015, Công ty NSTP Tiền Giang đã vội bàn giao cho Vĩnh Hoàn vùng nuôi cá này. Điều ngạc nhiên là đến tháng 3-2016, sau hơn một năm Vĩnh Hoàn đưa vào khai thác vùng nuôi, hai bên chưa ký kết hợp đồng!

Trong một báo cáo ngày 17-3-2016, Vinafood 2 thừa nhận có chủ trương mua bán tài sản giữa Công ty CP Vĩnh Hoàn và Vinafood 2 để tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, do chưa có văn bản pháp lý hợp pháp, Vinafood 2 đã để cho Công ty CP Vĩnh Hoàn được quyền khai thác, quản lý, sử dụng cả nhà máy lẫn vùng nuôi như đã nêu trên từ tháng 9-2014 đến nay.

Đối với việc thuê nhà máy chế biến lương thực Vĩnh Hoàn 2 của Công ty CP Vĩnh Hoàn, hội đồng thành viên Vinafood 2 cho biết chưa có chủ trương nhưng tổng giám đốc Vinafood 2 vẫn giao Công ty Lương thực Đồng Tháp thực hiện ký hợp đồng thuê. Theo hợp đồng được Công ty Lương thực Đồng Tháp ký với Công ty CP Vĩnh Hoàn vào ngày 6-3-2015, mức giá thuê nhà máy này là 50 triệu đồng/tháng.

Hoán đổi tài sản: chưa có cơ sở pháp lý

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 26-11-2015, Bộ Tài chính cho biết Vinafood 2 đang tiến hành tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh theo hướng thoái vốn ra khỏi lĩnh vực thủy sản do không có hiệu quả, trong đó có nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản Cổ Lịch. Theo đó, tháng 10-2014, Vinafood 2 thuê tư vấn định giá tài sản để làm cơ sở bán đấu giá, nhà máy này được định giá là 204,6 tỉ đồng.

Dù Vinafood 2 đưa ra bán đấu giá hai lần nhưng không có người tham gia mua. Trong khi đó, Công ty CP Vĩnh Hoàn đồng ý mua lại nhà máy CBTS Cổ Lịch với phương thức hoán đổi tài sản của công ty này, cụ thể là nhà máy chế biến lương thực Vĩnh Hoàn 2. Do đó, Vinafood 2 đề nghị được giữ lại tiền bán nhà máy thủy sản để mua nhà máy chế biến gạo, theo hình thức hoán đổi.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc hoán đổi thực chất là mua bán tài sản theo hình thức chỉ định, nên phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho Vinafood 2 bán tài sản theo hình thức chỉ định với giá thị trường.

Riêng việc mua lại nhà máy chế biến gạo của Công ty CP Vĩnh Hoàn do Bộ NN&PTNT xem xét quyết định, nhưng phải đảm bảo có hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

Ngày 28-12-2015, Bộ KH-ĐT có văn bản cho rằng việc nhượng bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước phải được thực hiện đấu giá, nhưng thừa nhận chưa có quy định xử lý tài sản trong trường hợp đấu giá công khai hai lần mà không thành công. Trong khi đó, Bộ KH-ĐT cũng không đồng ý cho Vinafood 2 mua lại nhà máy của Vĩnh Hoàn theo hình thức chỉ định, do không thuộc diện được áp dụng phương thức này.

“Đề xuất hoán đổi hai tài sản của Vinafood 2 và Công ty CP Vĩnh Hoàn thực chất là mua bán chỉ định tài sản, chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện”, văn bản cho biết, đồng thời Bộ KH-ĐT cũng bác đề xuất được giữ lại tiền bán nhà máy CBTS Cổ Lịch của Vinafood 2.

Tại cuộc họp ngày 25-1-2016, ông Huỳnh Thế Năng - tổng giám đốc Vinafood 2 - cho biết sẽ làm việc với lãnh đạo Công ty CP Vĩnh Hoàn để giải quyết một số vấn đề phát sinh theo hướng “tạm thời tài sản của đơn vị nào thì đơn vị nấy nhận về tự bảo quản”.

Tuy nhiên đến nay, Công ty CP Vĩnh Hoàn vẫn đang khai thác nhà máy CBTS Cổ Lịch và vùng nuôi cá cồn Đông Giang, với lý do đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện.

Xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân sai phạm

Ngày 2-2-2016, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát đối với Vinafood 2, đồng thời “xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân có sai phạm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong xử lý tài sản, đất đai, tài chính tại tổng công ty và các đơn vị thành viên”.

Trước đó, theo báo cáo giám sát tài chính đến cuối năm 2015, Vinafood 2 cho biết đã lỗ lũy kế 948 tỉ đồng, chưa kể số nợ tồn đọng phải thu là 653 tỉ đồng.

Cũng trong báo cáo, lãnh đạo Vinafood 2 thừa nhận rằng “dù đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, khởi kiện ra tòa án và phối hợp với cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra để xử lý thu hồi nợ, tuy nhiên kết quả đạt được rất hạn chế”.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên