16/09/2016 19:21 GMT+7

​Vinachem đề nghị khoanh nợ cho Đạm Ninh Bình

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Trước tình hình thua lỗ của Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) kiến nghị cho hai doanh nghiệp trên không phải trả nợ gốc và lãi vay trong 5 năm tới ở các ngân hàng.

Thông tin vừa được Vinachem gửi lên Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch - đầu tư trong báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017.

Theo Vinachem, tình hình khó khăn chung diễn ra với toàn tập đoàn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất phân bón. Điển hình là Nhà máy đạm Ninh Bình dù đã đi vào hoạt động từ năm 2012, bên cạnh tình hình thua lỗ thì đến nay vẫn chưa quyết toán được dự án.

Vinachem cho biết kể từ năm 2014, tập đoàn và nhà thầu Trung Quốc đã đàm phán 11 đợt để giải quyết các tồn tại của hợp đồng, trong đó có phần yêu cầu nhà thầu bồi thường thiệt hại do không đạt yêu cầu trong hợp đồng EPC.

Mặc dù hai bên đã đề ra phương án giải quyết, nhưng việc thương lượng vẫn chưa có sự thống nhất. Hiện nay nhà thầu vẫn chưa cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án, báo cáo cuối cùng theo thời hạn đã được hai bên cam kết.

Do đó, Vinachem cũng đề nghị Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển nợ vay vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho dự án Nhà máy đạm Ninh Bình thành vốn đầu tư của Nhà nước tại tập đoàn, số tiền 2.708 tỉ đồng (hiện dư nợ gốc đến thời điểm 29-2-2016 tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 2.669 tỉ đồng và 1,7 triệu USD, tương đương số tiền 2.709 tỉ đồng).

Trường hợp không được chuyển nợ vay thành vốn góp đầu tư, Vinachem đề nghị cho phép khoanh nợ khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong thời gian 5 năm, kể từ năm 2016 - 2020, không trả nợ gốc và không tính lãi vay phát sinh trong 5 năm.

Đồng thời, Vinachem kiến nghị các ngân hàng tiếp tục cho hai công ty Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình vay vốn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Thủ tướng đã đưa ra quan điểm không bù lỗ cho những dự án nghìn tỷ thua lỗ, nhưng việc cứ kêu cứu, tức là tìm mọi cách để xin hỗ trợ, là cách làm rất đáng xấu hổ của DNNN. 

“Kinh doanh thì phải lời ăn lỗ chịu, nhưng lại luôn tìm cách làm hao mòn tài sản và nguồn lực quốc gia, hao mòn năng lực cạnh tranh” - TS. Cũng thẳng thắn nói.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên