25/09/2007 08:10 GMT+7

Vietnam Idol: Vẫn chỉ là một cuộc chơi

PHẠM THÀNH NHÂN
PHẠM THÀNH NHÂN

TT - Chỉ một vòng thi nữa, vào 26-9, đến ngày 3-10 Vietnam Idol sẽ giới thiệu đến công chúng gương mặt "Thần tượng âm nhạc VN". Song với những gì đã và đang diễn ra, danh hiệu Idol là chiếc áo quá rộng và còn nhiều mảng tối.

DHdhgNgp.jpgPhóng to
Nguyễn Ngọc Ánh (trái) và Nguyễn Ngọc Phương Vy - hai thí sinh cuối cùng tranh danh hiệu "Thần tượng âm nhạc Việt Nam"
TT - Chỉ một vòng thi nữa, vào 26-9, đến ngày 3-10 Vietnam Idol sẽ giới thiệu đến công chúng gương mặt "Thần tượng âm nhạc VN". Song với những gì đã và đang diễn ra, danh hiệu Idol là chiếc áo quá rộng và còn nhiều mảng tối.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Ngay từ khi kết thúc vòng 30 để chọn lấy mười người, dư luận khán giả đã rộ lên thông tin về việc can thiệp vào kết quả cuộc thi từ phía ban tổ chức (BTC) và người nhà thí sinh (TS). Việc Hải Yến được chọn đặc cách vào vòng 10 và Ngọc Minh thay thế Thùy Dương bỏ cuộc được xem là động thái của BTC nhằm chống lại việc "mua tin nhắn bình chọn" của những người bảo trợ TS.

1 chọi 500

Lý giải cho việc cho phép mỗi số điện thoại được phép nhắn 500 tin bình chọn, nhà tổ chức cho rằng để đảm bảo một người có quyền yêu thích nhiều TS và thích người này hơn người khác. Nhưng ai trong số những khán giả truyền hình sẽ chi 1,5 triệu đồng (3.000 đ/tin nhắn) và mất công ngồi bấm điện thoại cho đủ con số 500 nếu không phải là người nhà TS?

Tại Sao mai - Điểm hẹn, kết quả cuộc thi đã bị cho là không trung thực khi một số điện thoại có quyền nhắn năm tin bình chọn dù BTC chỉ công nhận kết quả của tin nhắn cuối cùng. Ngôi sao Tiếng hát truyền hình cũng bị coi là không khách quan khi cho phép mỗi điện thoại được nhắn chín tin.

Trước câu hỏi liệu một cá nhân có thể can thiệp vào kết quả Vietnam Idol không, ông Phạm Mai Quân - chuyên gia về viễn thông, Internet của Công ty HPT - đã khẳng định là được. Ông cho biết: "Để có 300.000 tin nhắn ở tổng đài, cá nhân hoặc gia đình chỉ việc mua 6.000 sim điện thoại mới, kết nối vào máy tính và dùng phần mềm để nhắn tin.

Hiện nay sim điện thoại đang vào mùa khuyến mãi. Mua sim 75.000 đồng, tài khoản có 150.000 đồng. 6.000 sim điện thoại chỉ mất 450 triệu đồng thôi, lại được xem là 6.000 khán giả”. So với con số 400 triệu đồng mà TS bị nghi ngờ đã mua giải thưởng một cuộc thi năm 2005 thì 450 triệu đồng cho 300.000 tin nhắn là có cơ sở.

Chiếc áo Idol quá rộng

Pop Idol là một mô hình thi hát mới với những điều lệ không thỏa hiệp, vì thế BTC không công khai số lượng tin nhắn, và cũng không thể dĩ hòa vi quí đặt thêm giải thưởng vớt vát TS nào đó để xoa dịu dư luận. Cái mới thường không được trải thảm đỏ đón mừng, phải cần thêm thời gian để được chấp nhận hoặc bị đào thải, như thất bại của Pop Idol tại Singapore. Chiếc áo Idol lúc này khoác lên Ngọc Ánh hay Phương Vy cũng là quá rộng. TS Idol đều phải "vượt lên chính mình" nếu muốn chinh phục khán giả, còn những người chịu trách nhiệm về chương trình có vượt qua được một loạt thử thách thời gian vừa qua để đem đến cho nhạc Việt một show truyền hình đúng chất "văn hóa" không?

Có khuất tất nào quanh chuyện khán giả nhắn tin bình chọn cho TS 7 (Phương Vy) hoặc 8 (Ngọc Minh) nhưng tổng đài lại "Cảm ơn đã bình chọn cho TS 6" (Ngọc Ánh) không?

Ông Quân cho biết: "Tin nhắn đối với tổng đài nhắn tin được chia thành hai loại. Tin nhắn MO - tin nhắn gửi đến tổng đài và tin nhắn MT - tin nhắn từ tổng đài gửi đi. Với Vietnam Idol, MT được gửi đến máy của người bình chọn sau khi tổng đài nhận được MO.

Có thể đây chỉ là một lỗi khách quan của hệ thống, nhưng một tổng đài lỗi thì kết quả của nó không thể nói là tuyệt đối chính xác".

Chính từ "lỗi tổng đài" này mà ngay sau đêm công bố kết quả, TS Ngọc Minh đã lập tức đặt vé máy bay quay về Hà Nội và nhiều khán giả đã thôi không nhắn tin dù giải thưởng 1.000 USD vẫn được treo như một miếng mồi.

Chỉ là show truyền hình giải trí

Mối quan hệ "đặc biệt" giữa TS Ngọc Ánh và bà Hải Yến - người phụ trách truyền thông của Đông Tây Promotion, cũng là đề tài gây xôn xao dư luận khi khán giả cho rằng bà Yến đã nâng đỡ Ánh trong việc cung cấp thông tin về TS.

Trên thực tế, việc giám khảo, BTC hay một cá nhân có những hành động, phát ngôn nhằm "dẫn dắt khán giả” không hiếm trong lịch sử cuộc thi Idol.

Elton John đã từng phản ứng cuộc thi American Idol, từ chối làm khách mời của chương trình vì cho rằng "khán giả Mỹ là những người phân biệt chủng tộc khi không bỏ phiếu cho TS da màu".

Ngay sau tuyên bố của Sir Elton John, số lượng tin nhắn bình chọn cho TS da màu đã tăng lên rõ rệt. Kelly Clarkson (một trong những ngôi sao thành công nhất của American Idol) cũng phê phán giám khảo "không bao giờ đứng về phía những người được lòng công chúng".

Tuy nhiên những phát biểu "hướng khán giả” như vậy không xuất phát từ một mối quan hệ cá nhân đặc biệt. Ở Mỹ, Idol là một show truyền hình thực tế, những vụ lùm xùm như vậy còn để "câu" thêm tỉ lệ người xem. Còn với văn hóa Việt, tranh cãi thường được đánh đồng với tiêu cực hơn là hấp dẫn. Nếu Trà My chưa rớt, khán giả chắc chắn sẽ còn bàn về quan hệ giữa cô và nhạc sĩ Hà Dũng.

Phát biểu của nhạc sĩ Tuấn Khanh từ ghế giám khảo: "Đây chỉ là danh hiệu của một cuộc thi và việc các bạn tác động vào kết quả lúc này sẽ không có ý nghĩa nhiều trong cả cuộc đời các bạn" đã được trưởng BTC Nguyễn Chí Tân gật đầu ủng hộ.

Với nhà tổ chức, Thần tượng âm nhạc VN là một show truyền hình. Nhưng với khán giả thì Vietnam Idol không chỉ là game show giải trí, kinh doanh mà là một cuộc thi nghiêm túc. Cuộc thi đó đã cho thấy có quá nhiều bất cập trong cách thức thi và tuyển chọn do chưa uyển chuyển phù hợp với môi trường nhạc Việt.

PHẠM THÀNH NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên