18/11/2008 00:03 GMT+7

Vietnam Idol và những nỗi buồn cũ kỹ

NGUYỆT THÀNH
NGUYỆT THÀNH

TT - Bài viết “Mười điều khó của Vietnam Idol 2008” (Tuổi Trẻ, 15-11-2008) bắt bệnh chính xác cho một chương trình mới mùa thứ hai đã mất dần sức hút. Nhưng khi “nhiều khán giả bất ngờ về sự buồn tẻ”, thì dường như đó lại là điều không thể tránh khỏi khi một show đã chấp nhận thỏa hiệp...

JfH4P6f7.jpgPhóng to
Chưa tìm thấy một gương mặt đột phá tại Vietnam Idol 2008 - Ảnh: GIA TIẾN

Suốt những vòng thử giọng, tính ngẫu hứng chân thực của năm trước từ các thí sinh mộc mạc và “dũng cảm” hầu như giảm nhiệt hẳn. Vẫn “vui vui” song chừng mực hơn và đôi phần giả tạo.

Đêm gala đầu tiên, mười thí sinh như mười hình ảnh nhợt nhạt của những típ ca sĩ quen thuộc. Minh Chuyên với chất giọng khá, nhưng với màn biểu diễn cứng nhắc, cô chưa cho thấy một tương lai xa hơn những ca sĩ thường chỉ quanh quẩn với một phong cách. Khán giả không chọn cô vì họ không thiếu dạng ca sĩ tương tự... Những Duyên Anh, Thu Hà, Phi Trường, Lan Trinh... đang cố chứng tỏ cái tôi của khao khát và sức trẻ.

Có thể họ vẫn được chấp nhận như “ca sĩ thời trang” như nhiều giọng ca tranh sáng tranh tối khác, nhưng bỗng thấy tiêng tiếc cho chương trình chưa tìm thấy một gương mặt đột phá có thể bật lên thay thế những ngôi sao thị trường hiện thời, hoặc tạo ra một dấu ấn riêng trong dòng nhạc kén người nghe nào đó...

Cố gắng trong việc cởi mở và chia sẻ thật lòng với thí sinh từ ban giám khảo đang bị trói buộc trong những lời thận trọng để tránh áp lực sẽ chuyển hướng... Về điều này Sao Mai - điểm hẹn làm tốt hơn.

Dù không giữ nguyên thành phần mà thay đổi qua mỗi năm, vẫn có những ý kiến không được đồng tình rộng rãi hay tạo dư luận trái chiều, ít nhất hội đồng nghệ thuật của Sao Mai - điểm hẹn đang hướng dẫn thí sinh biết cách thể hiện quan điểm một cách bạo dạn, một trong những điều cần thiết của cá tính nghệ thuật. Sự khắt khe của Mỹ Linh, sự tỉ mỉ của Giáng Son... tạo được cảm giác họ đang nói những điều có ích cho thí sinh chứ không phải diễn trước ống kính máy quay.

Có lẽ chúng ta đã quá kỳ vọng vào một show truyền hình có thể “giữ lại cho mình một tinh thần chấp nhận giới trẻ và cái mới, chỉ ra những cách làm đã cũ, lối mòn cho thí sinh, đồng thời là động lực cho sự thăng tiến âm nhạc” (Mười điều khó của Vietnam Idol 2008). Trong bối cảnh này, Vietnam Idol đang đánh đồng mình để trở thành một mảnh gương phản chiếu mảng bình lặng “nguy hiểm” của nhạc Việt. Đó là những cuộc thi tròn trĩnh thường thấy, là những thử nghiệm dở dang và đành lòng chấp nhận buồn tẻ để đổi lấy an toàn.

Phản chiếu và nhìn vào chỉ để buồn những nỗi buồn cũ kỹ, thế thôi!

NGUYỆT THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên