Theo ông Giao, tình trạng sử dụng chất cấm này và hiện tượng heo ở VN bị nhiễm chất độc hại này từng xuất hiện dồn dập vào những năm 2005-2007. Khi đó báo chí VN phản ánh rất gay gắt và các cơ quan chức năng, Bộ NN&PTNT cũng vào cuộc rất quyết liệt. Rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh chăn nuôi nhằm phát hiện, xử lý để loại trừ chất Clenbuterol.
Bộ NN&PTNT đã đưa Clenbuterol vào danh mục chất cấm và đến năm 2010 bộ đã có hẳn quy định về việc kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Beta-Agonnist trong chăn nuôi gia súc, gia cầm (cụ thể là các chất Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol).
Từ khi tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, hiện tượng sử dụng chất này trong chăn nuôi ở VN giảm rất nhiều. Theo ông Giao, nếu những năm trước tỉ lệ các mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi có chất Clenbuterol thường trên 10% thì đến năm 2010, các cuộc thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu chỉ phát hiện tỉ lệ rất nhỏ có chứa Clenbutrol chưa đến 1% tổng số mẫu lấy để phân tích.
Ông Giao khẳng định hiện tình trạng sử dụng chất cấm này ở VN gần như không có (theo kết quả thanh tra, kiểm tra).
Theo ông Hoàng Văn Năm - quyền cục trưởng Cục Thú y, Clenbuterol giúp tăng việc đốt cháy mỡ và phát triển cơ. Nếu dùng quá liều có thể gây bệnh, thậm chí tử vong. Chất này thường lưu lại nhiều ở các nội tạng như gan, phổi.
Ông Năm khẳng định VN không hề nhập khẩu thịt, nội tạng hay các sản phẩm từ thịt heo của Trung Quốc. Tuy nhiên do đường biên dài, nạn buôn lậu chưa được kiểm soát thì rất có thể vẫn có nội tạng heo từ Trung Quốc được nhập về VN. Và khi phát hiện các vụ việc này, toàn bộ hàng lậu đều bị tịch thu, tiêu hủy mà không cần phải kiểm tra xem có nhiễm chất độc nào hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận