Read this on Tuoitrenews.vnViệt Nam không tham gia tập trận Hổ Mang Vàng 2011Hai máy bay Thái rơi khi tập trận Hổ Mang Vàng
Tuổi Trẻ Online giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của trung tướng Nguyễn Chí Vịnh trên báo Quân Đội Nhân Dân:
Phóng to |
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ảnh: Ngọc Hưng |
* Cuộc tập trận "Hổ mang vàng" hiện đang diễn ra tại Thái Lan. Vừa qua đã xuất hiện những thông tin khác nhau liên quan tới sự tham dự của Việt Nam vào cuộc tập trận. Thông tin của báo chí nước ngoài về việc Việt Nam cử 3 sĩ quan tham gia lập kế hoạch tác chiến có chính xác hay không, thưa Trung tướng?
- Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đã tham dự các cuộc tập trận "Hổ mang vàng" với tư cách quan sát viên từ năm 2003. Từ đó đến nay, tùy thuộc vào điều kiện của mình cũng như tùy thuộc vào tính chất hay nội dung của cuộc tập trận, có năm Việt Nam tham dự, có năm không. Mục đích tham dự của Việt Nam là để xem các nước thực hiện tập trận như thế nào.
Năm nay, Việt Nam không cử người tham gia cuộc tập trận kể cả ở mức độ quan sát viên. Thông tin về Việt Nam cử người tham gia lập kế hoạch tác chiến là sai lệch, không rõ nguồn tin xuất phát từ đâu. Thông tin sai lệch này có thể làm cho dư luận hiểu sai chủ trương của Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay Việt Nam không tham gia các cuộc tập trận hay các cuộc diễn tập quân sự.
* Như vậy, chủ trương của Việt Nam là không tham gia các cuộc tập trận nhưng có thể cử quan sát viên. Mới đây, phát biểu tại Malaysia, Đô đốc Patrick Walsh, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã ngỏ ý mời Việt Nam tham dự cuộc tập trận CARAT giữa Mỹ và một số nước trong khu vực. Trung tướng nghĩ như thế nào về lời mời này?
- Cho đến nay chúng ta chưa nhận được lời mời chính thức và đầy đủ, cũng chưa có đủ điều kiện nghiên cứu kỹ nội dung của cuộc diễn tập này là gì. Nhưng tôi nhấn mạnh lại là cho đến thời điểm này, Việt Nam không tham gia các cuộc diễn tập quân sự. Trong thời gian tới, nếu có thì Việt Nam cũng bước đầu chỉ tham gia vào các cuộc diễn tập chung mang tính chất nhân đạo như rà phá bom mìn, cứu trợ thảm họa, quân y…
Chuẩn bị tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc * Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép. Xin Trung tướng cho biết Quân đội nhân dân Việt Nam đã chuẩn bị cho việc này như thế nào? - Việt Nam đánh giá hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, có sự kêu gọi và đồng thuận của các nước, là điểm tích cực để đem lại hòa bình và ổn định cho thế giới. Việt Nam đã tuyên bố sẽ sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép, đóng góp trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Điều này sẽ đề cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định của thế giới, cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu tình hình, nghiên cứu các vấn đề của thế giới để phục vụ lợi ích của đất nước. Việt Nam hiện đang trong quá trình chuẩn bị gồm nhiều nội dung. Trước hết, chúng ta phải nghiên cứu đầy đủ về cơ chế, cách thức hoạt động của lực lượng này. Thứ hai, Việt Nam phải chuẩn bị về con người. Bộ đội tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình phải biết ngoại ngữ, phải biết kỹ thuật đặc thù, phải hiểu biết về luật pháp quốc tế v.v.. Thứ ba là vấn đề pháp lý, vì việc đưa quân ra nước ngoài cần phải có sự đồng ý của Nhà nước. Thứ tư là chúng ta phải chuẩn bị về cơ sở vật chất vì đất nước còn nghèo. Quá trình chuẩn bị này đã bắt đầu được thực hiện một cách tích cực từ cách đây 4, 5 năm. Tôi tin rằng, trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có những bước đi ban đầu trong việc tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ lựa chọn lĩnh vực để tham gia như quân y, rà phá bom mìn, tẩy độc… Việt Nam cũng tham gia với mức độ phù hợp, có thể là cử sĩ quan tham mưu, các nhóm chuyên ngành. Chủ trương của Việt Nam không đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình vào bất kỳ nơi nào đang xảy ra xung đột. Việt Nam cũng sẽ không cử lực lượng chiến đấu tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình. |
* Đại hội XI đã xác định chủ trương chủ động hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại quốc phòng sẽ được triển khai ra sao với chủ trương này, thưa Trung tướng?
- Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, Đảng ta đã xác định Việt Nam phải tham gia hội nhập, song từng bước. Do vậy, trong những năm trước Việt Nam chủ trương hội nhập sâu rộng về kinh tế. Các lĩnh vực khác, trong đó có Quốc phòng, hội nhập dần dần và mang tính chất chuẩn bị cho hội nhập một cách đồng bộ.
Tại Đại hội XI, Đảng ta xác định chủ động hội nhập quốc tế. Nói như vậy có nghĩa là Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta có thể mạnh dạn nêu vấn đề như vậy vì tự tin vào thế và lực của đất nước. Chúng ta tin vào sự vững vàng của đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Với nội lực như vậy khi hội nhập, Việt Nam vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, vẫn giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, không bị hòa tan.
Việc chủ động hội nhập quốc tế cũng là một yêu cầu bức thiết của tình hình thế giới và khu vực khi với nhiều vấn đề mà một mình Việt Nam không thể tự giải quyết được. Chủ động hội nhập quốc tế là một chủ trương đúng đắn, đúng thời điểm của Đảng ta.
Từ trước khi Đảng xác định chủ động hội nhập quốc tế thì quân đội đã tham gia từng bước hội nhập quốc tế, trước hết là trong khu vực như việc tham gia Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và các hội nghị quân sự - quốc phòng ASEAN khác. Năm 2010, một cấu trúc an ninh mới đã được hình thành là ADMM+, dù chỉ là một diễn đàn khu vực nhưng có sự tham gia của nhiều nước lớn trên thế giới.
Với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại quốc phòng sẽ không có đột biến gì lớn. Chúng ta vẫn thực hiện với tốc độ, nhịp độ, nội dung mà Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Quân ủy Trung ương đã xác định. Cụ thể, năm nay Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tăng cường các mối quan hệ song phương đã xây dựng. Mỗi mối quan hệ, chúng ta có mức độ, nội dung, phạm vi và nhịp độ hợp tác khác nhau, nhưng đều cố gắng đi đến quan hệ thực chất để đem lại lợi ích cho đất nước, đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực và thế giới. Trong quan hệ đa phương, chúng ta sẽ tích cực, chủ động đóng góp cho các diễn đàn mà chúng ta tham gia từ trước, trong đó quan trọng nhất là ADMM và ADMM+.
Với tư cách là nước tiền nhiệm của Indonesia trong vai trò Chủ tịch ADMM và ADMM+, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để Indonesia làm tốt vai trò chủ nhà. Thực tế, ngày 15-2, Indonesia đã cử một đoàn cán bộ quốc phòng cấp cao sang lắng nghe ý kiến và kinh nghiệm của Việt Nam về việc tổ chức các hội nghị quân sự - quốc phòng ASEAN. Chúng ta tích cực như vậy là để giúp Indonesia cùng các nước ASEAN khác đưa ADMM và ADMM+ có những bước tiến bộ mới trong năm 2011 và quan trọng nhất là giữ đúng những định hướng đã được đồng thuận.
Việt Nam tích cực đóng góp cho ASEAN nhưng trước hết phải vì lợi ích của đất nước - tăng cường vị thế của Việt Nam, tạo điều kiện để hiện đại hóa quân đội, cũng như tạo sự đồng thuận của dư luận thế giới và khu vực trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Phóng to |
Chiều 15-2, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp đoàn cán bộ quốc phòng cấp cao Indonesia sang học tập kinh nghiệm tổ chức các hội nghị quân sự - quốc phòng ASEAN - Ảnh: Khổng Minh Khánh |
* Trung tướng nói rằng Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Indonesia thực hiện tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ADMM nói riêng và Chủ tịch ASEAN nói chung. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2011, Indonesia hay có thể nói là cả ASEAN đã gặp một thách thức không nhỏ là vấn đề tranh chấp biên giới giữa Campuchia và Thái Lan. Xin Trung tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?
- Nhiệm vụ đầu tiên của Indonesia trên cương vị Chủ tịch ADMM và Chủ tịch ADMM+ là phải tổ chức tốt các Hội nghị, đưa ra được các nội dung phù hợp, đem lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực, tạo bước phát triển mới cho các diễn đàn đa phương này. Tuy nhiên, một nhiệm vụ khác củaIndonesia trên cương vị Chủ tịch ADMM là phải cùng các nước ASEAN khác đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định của khu vực, tìm cách xử lý hoặc hạn chế xung đột giữa các nước trong khu vực.
Xung đột giữa Thái Lan và Campuchia là điều đáng tiếc cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, cũng như là một điều đáng tiếc cho các cam kết của ASEAN. Rõ ràng, cả hai nước đã vi phạm Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC). Giải quyết vấn đề này là thách thức chung của ASEAN nhưng mà tập trung trách nhiệm vào nước Chủ tịch luân phiên, cũng như trách nhiệm của Thái Lan và Campuchia đối với hòa bình và ổn định của ASEAN.
Vấn đề này trước hết phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đối thoại, tôn trọng lẫn nhau. Thứ hai là phải công khai, minh bạch trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và ASEAN. Thứ ba là phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế. Thái Lan cũng như Campuchia, với trách nhiệm đối với đất nước mình cũng như đối với ASEAN, nên thực hiện những điều này.
Qua vấn đề giữa Campuchia và Thái Lan, chúng ta cũng có thể thấy, những vấn đề song phương bên cạnh việc cần giải quyết tay đôi thì rất cần những ý kiến thiện chí, đúng mực, đúng luật pháp, tôn trọng nước chủ nhà của cộng đồng quốc tế để làm dịu tình hình. Có như vậy, các nước tranh chấp mới có cơ sở để nhìn lại hành vi của mình, tính toán bước đi để đảm bảo lợi ích của dân tộc và quốc tế, ví dụ như chủ quyền lãnh thổ thì không thể từ bỏ, nhưng đồng thời phải tính đến lợi ích chung của khu vực.
* Năm 2010, ADMM+ đầu tiên đã được tổ chức. Đây là một cột mốc quan trọng trong việc hình thành cấu trúc an ninh mới nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Gần đây, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Scher nói rằng, Mỹ mong muốn tổ chức ADMM+ thường xuyên hơn thay vì 3 năm một lần như hiện nay. Quan điểm của Việt Nam về tuyên bố trên như thế nào, thưa Trung tướng?
- Ngay từ trước ADMM+ đầu tiên và trong quá trình hội nghị này được tổ chức, nhiều nước trong đó có Mỹ mong muốn tổ chức ADMM+ thường xuyên hơn, cụ thể là hằng năm hoặc hai năm một lần. Tuy nhiên, mọi quyết định của ADMM+ phải thông qua hai bước đồng thuận. Thứ nhất là đồng thuận trong ASEAN. Thứ hai là đồng thuận giữa ASEAN với các nước đối tác. Vì chưa đạt được đồng thuận nên ADMM+ đầu tiên vẫn quyết định tổ chức hội nghị ba năm một lần.
Về đề xuất tổ chức ADMM+ thường xuyên hơn mới được đưa ra, trước hết Việt Nam coi đó là ý kiến tích cực, có tính xây dựng và sẽ lắng nghe kỹ càng, tại sao lại cần như vậy. Nếu Việt Nam thấy hợp lý thì sẽ đồng tình và chờ đợi sự đồng thuận của tất cả các nước. Vai trò quan trọng nhất hiện nay để nghiên cứu, tham vấn các nước về vấn đề này là của Indonesia, nước Chủ tịch ADMM và ADMM+.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận