Chịu tiêu cực của bất ổn và khủng hoảng toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững được ổn định vĩ mô, nằm trong nhóm 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. 

Năm 2020, Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành công vừa phát triển kinh tế xã hội.

Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 1.

Đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91% là một thành tích đáng ghi nhận. 

Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 2.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 đạt 543,9 tỉ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 281,5 tỉ USD, nhập khẩu 262,4 tỉ USD. Điều này có nghĩa là trong năm qua, Việt Nam đã xuất siêu 19,1 tỉ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp.

Điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam trong năm qua là có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỉ USD và 31 mặt hàng trên 1 tỉ USD. 

31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó, 5 thị trường trên 10 tỉ USD, 8 thị trường trên 5 tỉ USD.

Dòng vốn FDI tiếp tục đổ về Việt Nam trong năm qua với 28,5 tỉ USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm và giá trị góp vốn, mua cổ phần. Con số này tuy giảm 25% so với năm 2019, nhưng trong bối cảnh chuỗi cung ứng đứt gãy và dịch COVID-19 lan rộng, thì đây là một thích tích đáng khích lệ.

Một trong những chỉ số đáng chú ý là năng suất lao động của toàn nền kinh tế trong năm 2020 đạt 117,9 triệu đồng/lao động, tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019.

Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 3.

Một điểm sáng đáng ghi nhận là năm 2020, cả nước có 134.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.235.600 tỉ đồng. Con số này giảm 2,3% về số lượng nhưng tăng 29,2% về vốn đăng ký so với năm trước.

Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỉ đồng, tăng 32,3% so với năm trước.

Cho dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có đến 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020, tăng 11,9% so với năm 2019.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm qua là 179.000 doanh nghiệp, tăng 0,8%, tức trung bình mỗi tháng có 14.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, trong năm có 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Điều đó có nghĩa là trung bình mỗi tháng có khoảng 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

“Nhớ lại 5 năm trước, khi Chính phủ bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nền kinh tế đối mặt nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Sau 5 năm nhìn lại, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ, tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, niềm tin được củng cố… Chúng ta đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế và khu vực, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 4.
Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 5.

Khi các quốc gia bị "ngăn cách" với nhau vì COVID-19, thì năm 2020, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và mạnh mẽ hơn khi có thêm 3 Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) quan trọng, gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và FTA với Vương Quốc Anh.

Như vậy, cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 14 FTA, mở ra một vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.

Chẳng hạn, với EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8-2020, sau 4 tháng thực thi, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 14,66 tỉ USD, tăng 2,02% so với cùng kỳ. 

Tính đến hết ngày 18 tháng 12 năm 2020, các tổ chức được uỷ quyền đã cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỉ USD.

Trong khi đó, Hiệp định RCEP đã hoàn tất ký kết, còn UKVFTA cũng đã ký kết biên bản kết thúc đàm phán.

Ở một hiệp định khác, CPTPP, tiền thân là TPP, có hiệu lực từ 14-1-2019, xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada ước đạt 4,4 tỉ USD, tăng gần 12% so với năm trước, trong khi xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 12%.

Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 6.
Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 7.

Năm 2020 là một năm khó khăn của ngành du lịch Việt nam. Sau khi đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, con số này chỉ còn 3,83 triệu trong năm 2020, giảm 78,7%, tức giảm gần 14 triệu lượt. Chưa kể, đại dịch cũng khiến lượng khách nội địa chỉ còn 56 triệu lượt, giảm 34,1%. Điều này khiến tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỉ đồng, giảm 58,7%, tương đương mất 19 tỉ USD.

Trước những khó khăn này, các doanh nghiệp du lịch đã chuyển đổi để thích ứng với trạng thái bình thường mới bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin về khách hàng, về sản phẩm và dịch vụ.

Theo khảo sát của Vietnam Report có khoảng 80% doanh nghiệp du lịch sử dụng dữ liệu lớn (big data) và phần mềm quản lý quan hệ khách hàng; 60% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ dựa trên đám mây (cloud); trên 20% doanh nghiệp sử dụng báo cáo thông minh (BI-Business Intelligence), Internet vạn vật kết nối (IoT), và trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhiều doanh nghiệp du lịch đã triển khai các ứng dụng kỹ thuật số để thực hiện marketing, quảng bá sản phẩm du lịch. Chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng mở ra những cách thức mới, có tính sáng tạo cao trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách hơn. 

Tổng cục Du lịch cũng đã xây dựng ứng dụng bản đồ số Du lịch Việt Nam an toàn, giúp các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch thuận tiện trong việc xây dựng kế hoạch bán vé máy bay và phục vụ khách, khách du lịch sẽ thuận tiện chọn điểm đến an toàn. 

Theo nhận định của cơ quan này, Việt Nam có nhiều lợi thế khi đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, được các nước trên thế giới đánh giá cao.

Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 8.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2021, theo đó tăng trưởng GDP có thể đạt 5,98% (kịch bản 1) và 5,06% (kịch bản 2).

Con số này gần với chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra cho tăng trưởng kinh tế 2021 đạt 6,5%.

Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 9.

Trong khi đó, trong báo cáo "Vietnam at a glance - Tỏa sáng trong một năm thật đặc biệt", Ngân hàng HSBC cho rằng Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng lạc quan hơn, với GDP đạt 7,6%. Lý do là Việt Nam đã có một năm thành công trong chống dịch, và ổn định các chỉ số vĩ mô, cùng với dòng vốn đầu tư FDI, và đà hồi phục kinh tế toàn cầu.

Con số của Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo trong tháng 1-2021, dù thấp hơn so với HSBC, nhưng vẫn lạc quan hơn với dự báo trong nước. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt 6,7%.

Mới nhất, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho năm 2021.

Theo đó, ở kịch bản cơ sở, khi các nền kinh tế lớn hồi phục sau đại dịch, GDP Việt Nam năm nay sẽ tăng ở mức 6,17%. Ở kịch bản khả quan hơn, kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh hơn, GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng 6,72.

Trong 5 năm tới, NCIF dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6,3 - 6,8% mỗi năm. 

Các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng trong 5 năm tới sẽ tươi sáng hơn, động lực tăng trưởng dựa trên việc ngăn chặn thành công đại dịch, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc phục hồi và kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với các hiệp định thương mại, nhất là EVFTA.

Việt Nam 2020:Tỏa sáng trong một năm đặc biệt - Ảnh 10.
BẢO NGỌC - NGỌC AN - NHƯ BÌNH - HOÀNG PHI
VŨ HOÀNG
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0