02/05/2013 06:12 GMT+7

Việt hóa nhạc kịch Chicago

HỒNG HẠNH
HỒNG HẠNH

TT - Tác phẩm tốt nghiệp ngành đạo diễn của Nguyễn Khắc Duy, sinh viên Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, đã vượt khỏi khuôn khổ một vở diễn tốt nghiệp.

k3Ov9kBN.jpgPhóng to
Tập luyện và biểu diễn Chicago phiên bản tiếng Việt - Ảnh: H.Hạnh

Hai năm trước, trong một bài thi học kỳ, Nguyễn Khắc Duy đã thực hiện một trích đoạn nhạc kịch Chicago - một trong những vở nhạc kịch kinh điển của nhạc kịch Broadway tại New York. Năm 2013 Khắc Duy một lần nữa trở về với giấc mơ Việt hóa vở nhạc kịch lừng danh này, trọn vẹn hơn khi đưa cả vở lên sàn diễn.

Đồng lòng cho một đam mê

Ðộng lực duy nhất cho việc liều lĩnh này chính là vì: "Tôi thấy đã có sẵn hầu hết các nhân vật chính - họ là những người bạn thân của tôi: Nhã Uyên (từng là thành viên của vũ đoàn Sức Trẻ, nay là diễn viên sân khấu Kịch Sài Gòn) vai Roxie, Diễm Phương (từng là ca sĩ, nay là diễn viên kịch của sân khấu Thế Giới Trẻ) vai Velma, Hoàng Quân (diễn viên nhà hát kịch 5B, thành viên của PI Band - nhóm nhạc mà Duy và Quân cùng nhau thành lập cách đây hơn một năm) vai Billy, Dạ Phong - vai Mama, Khả Như (diễn viên sân khấu Idecaf và 5B) vai Mary Sunshine... Tất cả đều rất đam mê nhạc kịch và luôn ao ước được trình diễn thể loại này.

Có "bộ khung", Duy bắt đầu "săn lùng" dàn vũ công. Không chọn vũ công chuyên nghiệp dù vũ đạo của vở Chicago khá phức tạp vì một điều đơn giản: Duy muốn có một đội ngũ đồng hành lâu dài và phải yêu vở nhạc kịch này như mình đã yêu và sống với nó.

Hai tháng trời cả đội tập luyện miệt mài. Mồ hôi đổ là tất nhiên, và có cả máu nữa: những cú xoạc chân, trật mắt cá, giãn cơ... Duy nói: "Nếu chỉ vì một bài thi tốt nghiệp của một người bạn thì các bạn không hết lòng như vậy đâu. Ðó là vì tình yêu nhạc kịch trong máu của các bạn ấy. Mấy chục con người - nhỏ nhất sinh năm 1994, lớn nhất sinh năm 1986, đã đồng lòng làm thế nào để tập và biểu diễn vở nhạc kịch này tốt nhất, vì lòng tự trọng nghề nghiệp, vì sự đam mê chứ lúc đó cũng chưa nghĩ làm sao để biểu diễn được trước công chúng".

Diễm Phương tâm sự: "Lịch đóng phim dày đặc và lịch diễn ở sân khấu Thế Giới Trẻ đã ngốn hầu hết thời gian nhưng Phương vẫn luôn hết mình với Chicago vì niềm đam mê của bản thân và sự thân thiết như một gia đình của êkip nữa". Còn Nhã Uyên bộc bạch: "Vai Roxie rất áp lực với Uyên vì Uyên biết khả năng ca hát của mình chưa tốt bằng các diễn viên khác của vở. Nhưng đã được Duy tin tưởng giao cho vai diễn rất quan trọng thì bằng mọi giá Uyên sẽ cố gắng hoàn thành tốt".

Phiên bản nước ngoài thứ 21 của Chicago

60% giống bản gốc

“Tôi có may mắn được bạn bè mời xem vở diễn tốt nghiệp của Nguyễn Khắc Duy và tôi thấy rất thú vị. Trước đó, tôi từng xem vở này nhiều lần tại New York mỗi khi các bạn tôi sang Mỹ. Họ xem Chicago để hiểu về văn hóa đời sống Mỹ, về hai giới có ảnh hưởng trong đời sống là luật sư và nhà báo. Chicago của Duy có đến 60% giống với phiên bản gốc. Duy đã nghiên cứu kỹ về văn hóa, về jazz, về thời trang, âm nhạc và vũ đạo. Không gian trong Chicago là không gian nước Mỹ những năm 1920. Duy đã trung thành với bản gốc để khán giả thấy được văn hóa Mỹ, sự hài hước châm biếm kiểu Mỹ và đời sống của Chicago thời điểm đó. Đồng thời do hát tiếng Việt, nói tiếng Việt nên vở diễn gần gũi với người Việt Nam hơn, dễ hiểu hơn. Chúng tôi có thể thấy rất rõ niềm đam mê và năng lực của các bạn trẻ khi thực hiện vở diễn này. Tôi hi vọng họ sẽ tìm được một nhà đầu tư - nhà tài trợ để đi tiếp đường dài”. Khán giả James Nguyễn

Là phiên bản tiếng Việt, tại sao không? Hai tháng trời tập luyện của cả nhóm cũng vì khát vọng ấy. Bản gốc của vở nhạc kịch được khai sinh ở nhà hát đường số 46 của New York, Mỹ này đã có 6.700 lần biểu diễn kể từ năm 1975 đến nay và được ghi nhận đạt kỷ lục vở nhạc kịch "sống thọ nhất" của lịch sử nhạc kịch Broadway.

Hiện nay, hầu như tất cả du khách đến New York đều mong muốn được xem vở nhạc kịch mang màu sắc văn hóa Mỹ rất đậm đặc này. Bộ phim ca nhạc cùng tên năm 2003 đã giành sáu giải Oscar, trong đó có giải phim hay nhất. Duy nói: "Hiện nay nhạc kịch Chicago đã có 20 phiên bản với 20 thứ tiếng. Và chúng tôi muốn có phiên bản tiếng Việt - thứ 21. Nhạc kịch đã trở thành phổ biến ở những nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Philippines, tại sao Việt Nam vẫn chưa có?".

Có không ít khó khăn cho Duy khi chuyển ngữ các ca khúc từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà vẫn theo giai điệu gốc và giữ nguyên nghĩa, bởi lời nhạc không chính xác sẽ giết chết vở diễn.

Mất khá nhiều thời gian để Duy chuyển lời tất cả các bài hát trong vở nhạc kịch trở nên sát nghĩa và có thể hát theo giai điệu gốc với ca từ tiếng Việt. Cái khó thứ hai là làm sao chuyển ngọt từ thoại sang hát, hát sang thoại (thoại giọng Nam, hát giọng Bắc) mà không gượng gạo. Duy đã thử nghiệm nhiều lần với nhiều ca từ khác nhau cùng các diễn viên để tìm ra từ thích hợp nhất dễ hát dễ nói và có ý nghĩa phù hợp.

Ðiểm khó khăn quan trọng nữa là diễn viên phải hội đủ ba kỹ năng: diễn xuất, ca hát, nhảy múa. Hầu hết diễn viên trong vở Chicago đều có thoại và có vai trò quan trọng trong cốt truyện.

Vì thế cho dù là vũ công đi nữa thì khả năng thoại và diễn xuất là điều không thể thiếu. Nhóm bạn may mắn có sự giúp đỡ của ca sĩ Hoàng Bách, anh đã tập luyện thanh cho các diễn viên chính của vở và giúp đỡ các bạn trong xử lý bài hát. Biên đạo múa còn rất trẻ Thành Phát đã nhiệt tình hỗ trợ truyền các kỹ năng múa jazz cho các bạn.

Nhưng, tất cả những cái khó nói trên chưa phải là khó nhất, khó nhất chính là con đường để Chicago ra mắt đông đảo khán giả. Khắc Duy nói: "Tôi vẫn đang trao đổi với đơn vị giữ bản quyền diễn học đường cho vở Chicago để xin được mang vở diễn đến công chúng. Vì khi có bán vé thì phải đàm phán về bản quyền".

"Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Chicago sẽ ra mắt vào giữa tháng 5 với bốn suất diễn" - chàng đạo diễn tuổi 23 hào hứng nói với rất nhiều niềm tin.

HỒNG HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên