27/11/2003 09:57 GMT+7

Viện Kiểm sát đề nghị: tử hình Lã Thị Kim Oanh

VÕ HỒNG QUỲNH - NGUYỄN VĂN HẢI
VÕ HỒNG QUỲNH - NGUYỄN VĂN HẢI

TT - Trong phiên xử ngày hôm qua (26-11), ngày thứ chín xét xử vụ án Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm, đại diện VKS đưa ra mức án đề nghị đối với các bị cáo. Viện kiểm sát đề nghị tử hình Lã Thị Kim Oanh; nguyên thứ trưởng Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân mỗi bị cáo từ 36 đến 42 tháng tù giam; không chấp nhận việc trả nợ thay cho Lã Thị Kom Oanh hơn 38 tỉ đồng.

4tgZU8SW.jpgPhóng to
Lã Thị Kim Oanh suy nghĩ gì khi đối mặt với bản án tử hình?
TT - Trong phiên xử ngày hôm qua (26-11), ngày thứ chín xét xử vụ án Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm, đại diện VKS đưa ra mức án đề nghị đối với các bị cáo. Viện kiểm sát đề nghị tử hình Lã Thị Kim Oanh; nguyên thứ trưởng Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân mỗi bị cáo từ 36 đến 42 tháng tù giam; không chấp nhận việc trả nợ thay cho Lã Thị Kom Oanh hơn 38 tỉ đồng.

Không chấp nhận việc trả nợ thay cho bị cáo Oanh hơn 83 tỉ đồng

Khi nghe đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị mức án cao nhất là tử hình, bị cáo Oanh không hề biểu lộ một sắc thái thay đổi nào trên mặt, bị cáo vẫn giữ gương mặt lạnh lùng như ngày đầu khai mạc phiên tòa. Bị cáo Luân, Bình và Thuần biến sắc, bị cáo Nguyễn Quang Hà thì cười khẩy, các bị cáo khác tỏ ra trầm lặng. Nhiều lần trong bản luận tội, đại diện VKS nhắc đi nhắc lại cụm từ “đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...”, gây thiệt hại và làm thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỉ đồng.

Theo bản luận tội của đại diện VKS, Lã Thị Kim Oanh đã huy động được số tiền lên đến 267,7 tỉ đồng và 119.659 USD từ nguồn vốn nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi và vốn vay của các ngân hàng, cá nhân... cho các dự án mà bị cáo đã “chạy” được trước đó. Nhưng bị cáo chỉ chi cho việc thực hiện các dự án hơn 192 tỉ và 6.000 USD, còn trên 74 tỉ và 113.000 USD chi xài vô tội vạ “không giải trình được”.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm vấn tại tòa, bị cáo khai đã phải chi phí tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tiền thuê nhà, vay vốn với lãi suất cao và nhất là các khoản chi phí “khổng lồ” cho tiếp khách, hội họp, biếu xén... lên đến hàng chục tỉ đồng, nên VKS đã chấp nhận trừ đi một phần trong số tiền tham ô của Lã Thị Kim Oanh.

Tổng số các khoản chi “không chứng từ” mà VKS chấp nhận là 715 triệu đồng và 18.000 USD. Còn lại bị cáo Oanh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt lên đến hơn 71 tỉ và 95.000 USD. Ngoài ra, bị cáo Oanh còn phải liên đới trách nhiệm với các bị cáo Bình, Thuần, Nghĩa về tội cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 34 tỉ và 3.000 USD.

Đối với các bị cáo nguyên vụ trưởng, thứ trưởng Bộ NN&PTNT là Quán, Hoàng, Hà và Luân, đại diện VKS cho rằng các bị cáo xác nhận không đúng sự thật, không kiểm tra hoạt động tài chính của Công ty Tiếp thị, từ đó “giúp đỡ” công ty vay nhiều tỉ đồng của ngân hàng, đến hạn không trả nợ lại sử dụng trái nguyên tắc.

Khi được cấp trên nhắc nhở, không những không kiên quyết thanh tra, kiểm tra mà còn báo cáo “tình hình tài chính công ty lành mạnh” để tiếp sức cho công ty lún sâu vào các sai phạm. Hành vi đó đã đủ yếu tố của tội thiếu trách nhiệm phải xử lý theo pháp luật.

uC1aFtNe.jpgPhóng to
Lã Thị Kim Oanh bị cảnh sát dẫn giải ra khỏi tòa án
Đại diện VKS cho biết Bộ NN&PTNT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (đơn vị tiếp nhận Công ty Tiếp thị sau khi vụ án xảy ra) trả hơn 97 tỉ tiền nợ của Công ty Tiếp thị đối với các ngân hàng. Thực tế đã trả được hơn 83 tỉ. Tuy nhiên, theo VKS, “người phạm tội phải có trách nhiệm trả lại món nợ này, bị cáo Oanh là người trực tiếp gây ra hậu quả nên bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường khắc phục hậu quả. Việc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp trả thay là từ nguồn tiền của Nhà nước nên không thể chấp nhận được”.

Luật sư Chu Khang: đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra lại

Là người đầu tiên trình bày bài bào chữa cho bị cáo Lã Thị Kim Oanh, luật sư Chu Khang đã chiếm “diễn đàn” suốt một giờ đồng hồ đầu buổi chiều qua. Trong bài bào chữa, luật sư Chu Khang nêu ra một số vấn đề nhằm “phản bác” quan điểm luận tội của đại diện VKS Hà Nội, tập trung vào việc bản cáo trạng “không đảm bảo tính khách quan”, quan điểm của VKS về khắc phục thiệt hại “có vấn đề”... Luật sư trình bày: sự thiếu khách quan của cáo trạng thể hiện “ngay từ cách đặt vấn đề”, vì các dự án ở đây đều do Bô NN&PTNT giao Công ty Tiếp thị thực hiện, không phải do giám đốc Lã Thị Kim Oanh “lo chạy dự án để... tham ô”.

Hôm qua 26-11, sau khi phát biểu quan điểm luận tội các bị cáo trong vụ án Lã Thị Kim Oanh và đồng phạm, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị tuyên phạt Lã Thị Kim Oanh mức án tử hình về tội tham ô tài sản và 20 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt chung là tử hình; Phạm Tiến Bình (nguyên phó giám đốc Công ty Tiếp thị) 15-16 năm tù về tội cố ý làm trái và 1-2 năm tù tội lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt chung từ 16-18 năm tù; Đỗ Đức Thuần (nguyên kế toán trưởng) 15-16 năm tù tội cố ý làm trái; Nguyễn Chính Nghĩa (nguyên trợ lý giám đốc) 11-13 năm tù tội cố ý làm trái; Nguyễn Quang Hà (nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn): 36-42 tháng tù giam; Nguyễn Thiện Luân (nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT): 36-42 tháng tù giam; Phan Văn Quán (nguyên vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán): 4-5 năm tù; Huỳnh Xuân Hoàng (nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch - qui hoạch): 4-5 năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đặc biệt, luật sư Chu Khang đã công bố một tình tiết khá bất ngờ. Bản cáo trạng của VKS tối cao khi đề cập trách nhiệm của Lã Thị Kim Oanh có nhắc đến hai hợp đồng giữa Công ty Tiếp thị và Công ty Xây dựng 12 (thuộc Tổng công ty Xây dựng VN). Nhưng qua điều tra, luật sư Khang phát hiện cả hai bản hợp đồng được ký vào tháng 8 và tháng 12-2001, sau khi giám đốc Lã Thị Kim Oanh đã bị bắt (ngày 19-6-2001) và bị tạm giam tại trại T.16... khá lâu (!?). Bên cạnh đó, theo các qui định của pháp luật thì bị can được quyền thông báo về kết luận giám định, được yêu cầu giám định lại..., nhưng luật sư Chu Khang cho biết Lã Thị Kim Oanh thực tế chỉ được thông báo bằng... miệng về những nội dung này.

Cũng theo trình bày của luật sư Chu Khang, những dự án nhà đất hình thành bằng nguồn vốn Công ty Tiếp thị vay cần phải được xác định là một phần khắc phục hậu quả. “Dự án do Lã Thị Kim Oanh vay đầu tư, nay nói trả về Nhà nước và “buộc” Oanh tham ô một khoản tiền lớn như vậy, tiền mất đi đâu?”, luật sư đặt câu hỏi cho VKS. Luật sư cho biết tài sản của gia đình bị cáo Oanh hầu như không còn gì. Khi bị con nợ đòi riết, Oanh đã lén đem giấy tờ nhà (của chồng) đi thế chấp, rồi đặt luôn cả sổ tiết kiệm của bố chồng, xe máy của con gái... để trả nợ. Luật sư băn khoăn “qui kết bị cáo tham ô 72 tỉ đồng liệu có đáng tin”.

Từ những căn cứ trên, luật sư bào chữa cho bị cáo Lã Thị Kim Oanh đề nghị HĐXX trả lại hồ sơ để cơ quan điều tra làm lại, xác định lại khoản tiền tham ô mà ông cho rằng “không khổng lồ đến vậy”.

Ngân hàng cho vay: không cần xác nhận của thứ trưởng (!?)

Buộc tội bị cáo Hà thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là “chưa có cơ sở pháp lý”, luật sư Phạm Văn Đàm mở đầu phần bào chữa cho nguyên thứ trưởng Nguyễn Quang Hà bằng việc khẳng định như vậy. Theo luật sư Đàm, việc Ngân hàng Đầu tư - phát triển Hà Nội và Ngân hàng Công thương Ba Đình cho Công ty Tiếp thị vay tiền dựa trên nhiều yếu tố (dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, có hồ sơ đầy đủ...).

Tuy nhiên, qua lời khai của một số đại diện ngân hàng tại phiên tòa, đã xác định điều kiện giải quyết cho vay của hai ngân hàng trên “không căn cứ vào xác nhận của lãnh đạo Bộ NN&PTNT”, thực chất những xác nhận đó không phải là “điều kiện” để ngân hàng cho vay, luật sư Đàm khẳng định. Những công văn này chỉ có ý nghĩa “tăng độ tin cậy”, không hơn không kém.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thiện Luân (nguyên thứ trưởng), luật sư Phạm Hồng Hải băn khoăn “cho đến thời điểm này chưa hề có một văn bản nào qui định về việc giải quyết trách nhiệm hành chính đối với các thủ trưởng cơ quan nếu ở đó để xảy ra hiện tượng tiêu cực, tham nhũng”. Thế nhưng, bị cáo Luân và một số bị cáo khác nguyên là lãnh đạo của Bộ NN&PTNT trong vụ án này đã bị truy cứu hình sự với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Từ phân tích đó, luật sư Hải cho rằng lẽ ra bị cáo Luân, Hà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có chăng chỉ xử lý về hành chính.

Luật sư Phạm Hồng Hải dừng lại và phân tích khá kỹ về sự “không bình thường” của Công ty Tiếp thị, trung tâm của vụ án này. Chỉ là một doanh nghiệp nhà nước “tầm tầm” nhưng lại được thành lập trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (?!). Việc quản lý công ty “không đơn thuần là Vụ Tài chính - kế toán và Bộ NN&PTNT mà đủ cả Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ...”(?!). Một doanh nghiệp không lớn lắm nhưng lại được giao làm chủ đầu tư của rất nhiều dự án khác nhau.

Ngoài ra, luật sư của bị cáo Nguyễn Thiện Luân còn phát hiện những tình tiết rất đáng chú ý: lời khai của nguyên bộ trưởng Nguyễn Công Tạn có sai lầm về thời gian (cuối năm 1997, khi ông không còn làm bộ trưởng), rồi việc bảy thứ trưởng khác khai ông Luân chính là người quản lý Công ty Tiếp thị nhưng bản thân họ cũng từng ký vào các văn bản tương tự. Luật sư Hải cho rằng “không đủ căn cứ” để truy tố bị cáo Luân về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, từ đó đề nghị VKS xem xét “rút truy tố” đối với bị cáo Luân.

Hôm nay 27-11, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.

VÕ HỒNG QUỲNH - NGUYỄN VĂN HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên