04/06/2019 09:43 GMT+7

Viêm VA - bố mẹ đừng xem là chuyện nhỏ rồi bỏ qua!

BS PHAN QUỐC BẢO (khoa tai mũi họng Bệnh viện Đh Y dược TP.HCM cơ sở 2)
BS PHAN QUỐC BẢO (khoa tai mũi họng Bệnh viện Đh Y dược TP.HCM cơ sở 2)

TTO - Nhiều phụ huynh thấy con hay sốt vặt, "năm ngày ba bệnh", cơ thể ngày càng còi cọc, học hành sa sút... Đến khi bác sĩ chẩn đoán "viêm VA" lại nửa tin nửa ngờ bởi ít nghe đến nó và có nghe thì cũng chỉ nghĩ đó là chuyện nhỏ. Vậy sự thực ra sao?

Viêm VA - bố mẹ đừng xem là chuyện nhỏ rồi bỏ qua!  - Ảnh 1.

Êkip bác sĩ - điều dưỡng Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cơ sở 2 trong một ca nạo VA, ngày 3-6 - Ảnh: P.Q.B.

VA là gì? VA (Végétations adenoids) là một tổ chức Lympho bình thường chỉ dày chừng 2mm nằm trong niêm mạc nóc vòm, thành sau của vòm mũi họng mà mọi trẻ em sinh ra đều có. 

Cùng với amidan họng, amidan đáy lưỡi, VA tạo thành một vòng tròn (vòng Walldeyer) sản xuất ra Lympho bào để góp phần bảo vệ vùng hầu họng chống lại sự viêm nhiễm. 

Nhưng khi VA bị viêm tái đi tái lại nhiều lần thì nó sẽ phát thành những khối to gọi là sùi vòm, gây che lấp cửa mũi sau và lúc đó VA trở thành một tổ chức bệnh lý, gây ra những tác hại khó lường.

1. Rối loạn hô hấp: Vì làm tắc cửa mũi sau nên sùi vòm gây ra các rắc rối về hô hấp, mà nghẹt mũi là triệu chứng đầu tiên. 

Các bé bị bệnh thường bị thở khó cả hai bên mũi, mũi trước thì hay "thò lò mũi xanh", nhầy mủ tiết ra từ VA viêm chảy xuống họng nên rất hay ho, sốt vặt. Cũng không thẳng giấc mà hay giật mình. 

Chuyện không chỉ có vậy, viêm nhiễm có thể lan xa hơn gây viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phổi, đều là những bệnh có thể gây nguy hiểm cho trẻ em.

2. Rối loạn thính giác: VA nằm sát lề ra của vòi nhĩ nên khi viêm nhiễm, quá to thì có thể gây bít tắc vòi nhĩ thường xuyên. Hậu quả là trẻ bị nghễnh ngãng, hay bị viêm tai giữa, đau tai.

3. Rối loạn tiêu hóa: Vì trẻ hay bị nuốt phải nhầy mủ từ VA viêm chảy xuống họng thường xuyên nên hay bị đau bụng, đi ngoài phân nhầy do đường ruột bị nhiễm khuẩn.

4. Rối loạn phát triển thể chất và tinh thần: Do thường xuyên nghẹt mũi, trẻ phải há miệng nên lâu ngày khuôn mặt bị biến dạng: hàm trên hô ra, môi trên xếch lên, môi dưới dài thõng xuống, mắt to, ngây ngô, lồng ngực dẹt, hẹp, lưng cong vẹo...

Ngoài ra, vì tai nghễnh ngãng và não thiếu oxy do thở kém nên các bé bị viêm VA thường xuyên sẽ có khả năng tiếp thu bài học kém, giảm khả năng tập trung, lười học, buồn ngủ trong lớp... Trí tuệ kém thì về sau có khả năng thất bại cao, có ai ngờ rằng hậu quả đó không phải do đầu óc trẻ ngu đần mà chỉ vì hồi nhỏ không sớm được giải thoát khỏi khối VA quá lớn.

Ngoài ra, dù không thường gặp nhưng viêm VA mãn tính có thể gây ra kích thích cốt mạc nền sọ mà phát sinh u xơ vòm mũi họng hoặc biến đổi ác tính mà trở thành ung thư dạng Lympho sarcoma. Đây là hai bệnh rất nặng và gây tử vong cao.

Điều trị và phòng ngừa

- Viêm VA thường phát triển mạnh ở giai đoạn từ 2 - 6 tuổi, nếu được phát hiện sớm, chăm sóc tốt bằng cách rửa mũi thường xuyên, điều trị kịp thời bằng thuốc... thì sẽ mau khỏi, ít tái phát, thoái triển dần, sau 10 - 12 tuổi thường không thấy nữa.

- Các trường hợp viêm VA mãn tính quá thường xuyên gây biến chứng viêm tai giữa hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các trường hợp VA quá phát hoặc VA tồn dư sau 12 tuổi: nên tiến hành nạo bỏ.

Khác với nạo VA truyền thống (nạo "mù", dụng cụ là thìa nạo), Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2 là bệnh viện đầu tiên áp dụng nạo VA qua nội soi bằng máy Coblator hiện đại với ưu thế tuyệt đối là không nạo sót, hầu như không đau và rất ít chảy máu.

Viêm VA ở trẻ em Viêm VA ở trẻ em

VA có vai trò miễn dịch giống như amiđan và được ví như 'tiền đồn' nhằm bảo vệ cơ thể của trẻ chủ yếu là bảo vệ đường hô hấp.

BS PHAN QUỐC BẢO (khoa tai mũi họng Bệnh viện Đh Y dược TP.HCM cơ sở 2)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên