15/01/2010 23:03 GMT+7

Viêm nốt sắc tố dạng nhú màng khớp háng

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)
ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Tôi năm nay 26 tuổi, đang là nhân viên IT. Cách đây 5 tháng tôi phát hiện mình bị đau nhói ở khớp háng chân trái. Tôi tưởng mình bị trật lấy dầu xoa nhưng không hết, mấy hôm sau lên cầu thang không được với cảm giác nặng trĩu.

Thời gian trước thỉnh thoảng tôi cũng từng bị như vậy, lấy dầu xoa thì hết, không như lần này. Tôi liền lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình khám thử xem sao. BS cho tôi chụp X-quang, kết quả tôi bị hoại tử chỏm xương đùi, sau đó BS còn nói tôi phải chụp CT mới biết kết quả chính xác. Chụp CT kết quả cũng như vậy. BS cho tôi thuốc uống 1 tháng, dặn phải kiêng cữ mới kéo dài thời gian nếu không phải thay khớp háng.

Tôi rất buồn nên lặn lội lên mạng tìm hiểu về bệnh tình của mình và thấy có BS C. nói có cách chữa trị. Tôi liền đến gặp, sau khi BS xem phim X-quang, CT và khám, BS chẩn đoán có thể tôi bị u xương hoặc kén xương chỗ đó. BS nói phải chụp MRI mới biết quả chính xác, khả năng sẽ mổ và giới thiệu tôi đến một BV.

Tôi trở về bệnh viện gần nhà chụp MRI, trong lúc chụp MRI, BS chẩn đoán tôi bị lao khớp háng. BV lại chuyển tôi sang BV lao. BV lao lại chuyển lên BV chỉnh hình. Thế là tôi trở lại BV chỉnh hình khám và BS cho tôi nhập viện tiến hành mổ xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm tôi bị viêm nốt nhú ngấm sắc tố màng khớp háng (PVNS).

Sau đó BS ở chỉnh hình tiến hành mổ chính thức nạo chỗ xương viêm đó cho tôi. Thời gian mổ xét nghiệm và chính thức cho đến nay được 2 tháng. Trước đây 1 tuần thỉnh thoảng khi đi tôi cảm giác thấy chân hơi yếu. Tôi có thử đi bộ nhiều cảm giác chân hơi yếu và hơi đau. Tôi không biết vết mổ lành chưa hay vẫn còn bị y như cũ. Ước mong của tôi bây giờ chỉ mong sao chuyện thay khớp đến chậm. Hiện giờ hằng ngày tôi đều uống sụn cá mập. Mong BS tư vấn giúp tôi có cách nào kéo dài được nhiều thời gian hơn nữa không, ăn uống bồi dưỡng thế nào?

Phan Trần Duy Phương

- Trả lời của phòng mạch online:

Trước hết xin trả lời bạn về bệnh lý viêm nốt sắc tố dạng nhú (synovite villonodulaire pigmentee tiếng Pháp hay pigmented villonodular synovitis tiếng Anh) được xem là một loại u lành tính của bao hoạt dịch khớp.

Nguyên nhân vẫn còn đang bàn cãi và người ta đưa ra 3 giả thuyết là do tăng sinh màng hoạt dịch khớp, do chuyển hóa hay do phản ứng bao khớp. Mỗi giả thuyết đều có những bằng chứng ủng hộ.

Bệnh này hay xảy ra trên các khớp theo thứ tự thường gặp đến ít gặp là gối, háng, cổ chân, vai, cổ tay, hiếm bị ở khuỷu. Tuổi hay bị là từ 20-40 tuổi chiếm 50% số người bị và nam hay bị hơn nữ, thường bị một khớp, hiếm khi bị hai bên.

Triệu chứng hay gặp là triệu chứng đau cơ học, nghĩa là bệnh nhân đi sẽ thấy đau, nằm nghỉ sẽ bớt. Khớp có thể bị sưng. Khi sờ thấy bao khớp dày lên. X-quang thường quy thường không thấy gì ở khớp gối, ngược lại ở khớp háng và vai hay thấy sự bào mòn xương hay các hốc xương (geode).

MRI cho phép chẩn đoán được bệnh, nội soi khớp cũng có thể chẩn đoán được nhưng dĩ nhiên chính xác nhất vẫn là lấy mẫu bệnh phẩm xem dưới kính hiển vi.

Dạng viêm nốt sắc tố lan tỏa có tiên lượng xấu hơn vì làm hư khớp cũng như tỉ lệ tái phát cao hơn. Ở khớp háng việc nạo và ghép xương xốp vào các chỗ khuyết xương cũng như cắt hết bao khớp sẽ cho kết quả tốt.

Trở lại với trường hợp bạn. Chúng tôi không có hình ảnh X-quang để đánh giá vùng khớp háng. Nhưng với những gì bác sĩ đã làm chúng tôi nghĩ bạn đang có kết quả tốt. Việc chân còn yếu sau 2 tháng mổ là chuyện bình thường. Điều quan trọng là bây giờ bạn phải tập vật lý trị liệu cho các cơ trở về bình thường. Ăn uống bình thường giúp bạn mau lành bệnh hơn.

Việc thay khớp chỉ nghĩ đến khi khớp đã hư hoàn toàn và không còn sử dụng được nữa. Bạn có thể tham khảo chỉ định thay khớp háng cũng như về bệnh lý hoại tử chỏm xương đùi trên TTO hay trên trang web bacsinamanh.com. Việc bạn mới mổ xong đi nhiều khớp háng bị đau là chuyện bình thường.

Bạn phải tập cho khớp chịu sức nặng và cường độ làm việc trước khi bắt nó làm việc quá mức. Nếu trong trường hợp phải thay khớp thì cũng không có gì phải bi quan vì bạn vẫn làm được khối việc vì khớp nhân tạo sẽ giúp bạn hòa nhập tốt với cuộc sống bình thường.

Tóm lại bạn không có gì phải quá bi quan, tiếp tục theo dõi bệnh, luyện tập và trở về cuộc sống bình thường.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS TĂNG HÀ NAM ANH(giảng viên CTCH BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên