11/05/2023 06:54 GMT+7

Viêm mô tế bào - một vết xước nhỏ, nốt muỗi đốt có thể dẫn đến mất mạng

Đã có trẻ 25 tháng tuổi chỉ vì nốt muỗi đốt mà bị nhiễm khuẩn huyết. Có trẻ nguy kịch chỉ vì một vết xước nhỏ, vết côn trùng cắn, bỏng... gây viêm mô tế bào. Bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi nên cần biết để phòng tránh.

Trẻ 25 tháng tuổi chỉ vì nốt muỗi đốt mà bị viêm mô tế bào nhiễm khuẩn huyết - Ảnh: BVCC

Trẻ 25 tháng tuổi chỉ vì nốt muỗi đốt mà bị viêm mô tế bào nhiễm khuẩn huyết - Ảnh: BVCC

Tưởng muỗi đốt hóa ra viêm mô tế bào nguy hiểm

Viêm mô tế bào là một tình trạng nhiễm trùng da khá nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời vi khuẩn có thể xâm nhập và phát tán rất nhanh vào các hạch lympho, mô cơ, vào máu gây nhiễm trùng huyết, tạo ổ áp xe, viêm hạch lympho, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não…

Khoa cấp cứu Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vừa điều trị cho bệnh nhi L.H.K. (25 tháng tuổi) trong tình trạng rất nặng, nghi do tụ cầu nhiễm vào qua da do muỗi đốt.

Theo lời gia đình kể lại, cách nhập viện 6 ngày, trẻ bị muỗi đốt vùng khuỷu tay phải, trẻ ngứa gãi trợt da và gia đình đã băng lại. Sau đó trẻ sốt cao từng cơn, vùng muỗi đốt sưng nề lan tỏa, ngứa, nóng đỏ, da nổi ban sẩn đỏ vùng mặt, nôn thức ăn, mệt nhiều.

Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết mà đường vào từ viêm mô tế bào vùng khuỷu tay phải.

Tương tự, chỉ một nốt mụn nhỏ ở cẳng chân giống côn trùng cắn nhưng sau 4 ngày bé trai 1 tuổi (Hà Giang) đã phải nhập viện Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, trong tình trạng chân sưng nề, mọc nhiều mụn mủ kèm sốt cao liên tục. Trẻ được chẩn đoán viêm mô tế bào cẳng chân và phải nhập viện điều trị ngay, chậm trễ sẽ nguy hiểm tính mạng…

Bác sĩ Triệu Thị Trang, khoa nội - nhi - đông y Bệnh viện Hùng Vương, cho biết viêm mô tế bào là một nhiễm trùng da gây đau đớn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào da qua các tổn thương như vết xước, vết côn trùng đốt, vết cắn, bỏng,...

Tổ chức viêm mô tế bào hay gặp nhất là vùng da ở mặt, cẳng chân, tuy nhiên tổn thương cũng có thể gặp ở bất cứ vùng da nào của cơ thể. 

Khi bị viêm mô tế bào thường có biểu hiện: sốt, đỏ da lan rộng quanh vùng vết thương; sờ vào vùng da đỏ có cảm giác ấm, ấn đau, đôi khi thấy phù nhẹ khu trú, đặc biệt là vết thương ở gần vùng khớp, một số ít trường hợp có hạch gần nơi vết thương. 

Các triệu chứng nghiêm trọng của viêm mô tế bào: mệt mỏi, chóng mặt, đau đớn, run rẩy, đổ mồ hôi... Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi

Bác sĩ Trần Văn Cương, phó giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, cho biết nhiễm khuẩn da thường gặp do tụ cầu, đặc biệt là tụ cầu vàng dễ gây nhiễm khuẩn huyết thông qua những nốt mụn nhọt ngoài da, những vết cắt hoặc vết thương khác trên da.

Một số yếu tố nguy cơ cũng làm tăng khả năng mắc chứng viêm mô tế bào như: hệ miễn dịch yếu; mắc một số bệnh về da gây rách và tổn thương da như eczema và nấm bàn chân; sử dụng một số thuốc tiêm tĩnh mạch; mắc bệnh tiểu đường; đã có tiền sử mắc chứng viêm mô tế bào...

Vi khuẩn tiết ra độc tố gây hại đối với cơ thể, dẫn đến các ổ viêm mủ ở nhiều cơ quan như phổi (viêm phổi hoại tử, viêm mủ màng phổi...), tim (viêm mủ màng tim, viêm trong buồng tim), xương khớp (viêm mủ ở cơ, viêm mủ trong xương gây hoại tử xương), rối loạn đông máu, tổn thương suy đa tạng và tử vong nhanh chóng.

Các chuyên gia cho biết viêm mô tế bào có thể ở tình trạng viêm mô liên kết lan tỏa mức độ nhẹ kéo dài vài ngày, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời vi khuẩn có thể xâm nhập và phát tán rất nhanh, có thể gây hoại tử, áp xe dưới da, viêm cơ, cân cơ, vào các hạch lympho, vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm hạch lympho, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não... và những nhiễm khuẩn nặng khác, bệnh nhân có thể tử vong.

Viêm mô tế bào là bệnh nguy hiểm nhưng đối với trường hợp được phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ cần làm sạch vết thương, cắt lọc các mô hoại tử (nếu có) và dùng kháng sinh đường uống trong khoảng từ 10 - 21 ngày.

Trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện điều trị như cắt lọc vết thương, dẫn lưu ổ viêm, phẫu thuật và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Để phòng bệnh, khi da có vết thương hở, hãy làm sạch vết thương và bôi thuốc mỡ chứa kháng sinh đều đặn. Băng vết thương lại bằng băng gạc vô trùng và thay băng hằng ngày cho tới khi vết thương liền sẹo.

Tuyệt đối không được tự ý chích, nặn hoặc dùng các loại cao dán, lá cây để đắp vì dễ gây viêm loét diện rộng, gây nhiễm trùng máu.

Hãy theo dõi vết thương nếu có xuất hiện các vết đỏ xung quanh, vết thương tiết dịch mủ hay gây đau. Đây là dấu hiệu cho thấy vết thương đã bị nhiễm trùng, cần đi khám để tránh tình trạng nặng nề.

Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị vì nhóm vi khuẩn tụ cầu cần được điều trị bằng nhóm kháng sinh đặc hiệu.

Những đối tượng đã mắc sẵn một số bệnh khiến họ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm mô tế bào nên hết sức thận trọng và lưu ý: giữ ẩm cho da để phòng ngừa nứt nẻ; điều trị khỏi dứt điểm những nhiễm trùng nông trên da như bệnh nấm da chân; đeo các thiết bị bảo vệ khi làm việc và chơi thể thao; kiểm tra chân hằng ngày để phát hiện sớm những chấn thương và nhiễm trùng...

Trẻ viêm mô tế bào, áp xe vì đắp "thuốc" lá lên vết thươngTrẻ viêm mô tế bào, áp xe vì đắp 'thuốc' lá lên vết thương

TTO - Bác sĩ Nguyễn Diệu Vinh - khoa nội tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện vì viêm mô tế bào, áp xe da vì đắp "thuốc" lá lên vết thương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên