Gần đây tôi còn bị đau đầu và đau ở cổ xuống vùng vai. Theo bác sĩ những dấu hiệu trên có liên quan đến bệnh ung thư vòm họng không? Và muốn xét nghiệm chính xác thì xét nghiệm ở đâu, xét nghiệm như thế nào?
Trịnh Ngọc Ân
- Trả lời của Phòng mạch Online:
Theo một nghiên cứu thống kê trên 151 người bệnh bị ung thư vòm mũi họng thì các triệu chứng xuất hiện theo thứ tự giảm dần như sau: khối u vùng cổ, ù tai, nghe kém, chảy máu mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau trong tai, đau cổ, sụt cân, nhìn đôi.
Do vậy tình trạng viêm loét niêm mạc miệng và lưỡi của anh có vẻ như không liên quan đến bệnh lý này. Triệu chứng nhức đầu, đau cổ và lan xuống vùng vai mới xuất hiện trong thời gian gần đây có thể có nhiều nguyên nhân, cũng có thể chỉ là căng thẳng, mệt mỏi, stress và cũng có thể là tình trạng viêm mũi xoang hoặc vấn đề nào đó về thần kinh, anh có thể đi khám ở khoa tai mũi họng của các bệnh viện lớn trong thành phố để được khám kỹ và chẩn đoán chính xác hơn. Rất ít bằng chứng để nghĩ đến ung thư vòm mũi họng, nhất là khi anh vừa được nội soi chẩn đoán cách đây 1,5 tháng.
* Tôi thường hay sổ mũi, nhảy mũi rất nhiều (vài chục lần trong một giờ). Nước mũi màu trắng trong, không mùi. Bác sĩ nói tôi bị viêm mũi xoang mãn, chụp X-quang, nội soi bác sĩ nói bị súc tuyết, vẹo vách ngăn nhưng không cần phẫu thuật. Nhưng cũng có bác sĩ nói tôi nên phẫu thuật vách ngăn.
Tôi gửi kèm toa thuốc, cho tôi hỏi đơn thuốc trên tôi uống nhiều năm liền có tác dụng phụ và ảnh hưởng gì nghiêm trọng cho sức khỏe sau này không?
Bùi Văn Tân
Theo lời anh mô tả thì anh đang bị viêm mũi dị ứng, bệnh thường biểu hiện bằng các triệu chứng: hắt hơi, ngứa mũi, chảy mũi và nghẹt mũi. Đây là phản ứng quá mức của cơ thể đối với một số yếu tố như: thời tiết, bụi bặm, lông thú, phấn hoa, một số thực phẩm...
Cách điều trị lý tưởng là tránh tiếp xúc với các yếu tố này nếu biết được. Hiện nay trong điều kiện của y học nước ta, bệnh viêm mũi dị ứng được điều trị bằng thuốc kháng dị ứng qua đường uống và đường xịt trực tiếp vào niêm mạc mũi.
Mỗi đơn thuốc bác sĩ kê chỉ thích ứng với thời điểm lúc bác sĩ khám bệnh, mỗi đợt bệnh tuy về căn bản có giống nhau một số triệu chứng nhưng đều khác nhau, anh không thể cứ sử dụng một toa thuốc như vậy mãi, điều này không hợp lý về mặt khoa học lẫn thực tiễn, và dĩ nhiên là không có lợi cho sức khỏe. Để biết được điều trị cụ thể như thế nào, sử dụng thuốc gì, anh nên đi khám với bác sĩ tai mũi họng để có chẩn đoán chính xác, từ đó mới có kế hoạch theo dõi và điều trị phù hợp.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để TTO liên hệ khi cần thiết. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận