Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh viêm loét dạ dày
Bác sĩ Đỗ Thị Xuân Hương - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm loét dạ dày, như: Ăn uống không điều độ, thường xuyên bỏ bữa; ăn nhiều thức ăn có vị cay, chua; ăn không nhai kỹ, nuốt vội; ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc… Hoặc bắt nguồn từ lối sống thiếu lành mạnh như: Uống nhiều rượu bia, thường xuyên thức khuya, hay cáu gắt, căng thẳng, lo âu…
Khi bị viêm loét dạ dày, các bệnh nhân thường có những biểu hiện như: Đau bụng âm ĩ, cơn đau thường xuất hiện khi bụng quá đói hoặc quá no, nặng bụng, khó tiêu, chán ăn, ăn không ngon miệng, buồn nôn, ợ hơi…Do vậy, ngoài việc tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, thì bệnh nhân cần có một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học để giúp cho việc chữa trị đạt kết quả tốt.
Phòng và trị bệnh đau dạ dày qua cách ăn uống
Theo bác sĩ Xuân Hương, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày cần chú ý: kiêng các đồ ăn, thức uống có vị chua (yaourt, nước chanh, các món gỏi, dưa chua, canh chua, trái cây có vị quá chua…) vì chúng làm tăng độ acid có trong dạ dày, gây tổn hại niêm mạc dạ dày, làm vết thương khó lành. Không uống rượu bia, các chất kích thích, không hút thuốc lá. Hết sức chú ý, không được ăn quá no và không được để bụng quá đói. Khi mới ăn no xong, cần nghỉ ngơi khoảng 15-30 phút, tránh lao động nặng. Khi ăn nên nhai kỹ, có thể chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, việc nhai chậm sẽ tăng sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng làm giảm và bão hòa acid trong dạ dày.
Nên ăn các loại thức ăn mềm, nấu chín, nhừ, dễ tiêu hóa như: Sữa, cháo, bánh mì, cơm nhão, các loại khoai luộc chín (khoai tây, khoai lang, khoai môn…). Đồng thời, kết hợp các loại thực phẩm như: Trứng gà, thịt nạc, tôm, cá, các loại đậu… đây là những thực phẩm chứa nhiều protit, có tác dụng làm giảm bớt lượng acid có trong dạ dày.
Ăn nhiều rau tươi, hoa quả tươi chứa vitamin A, B, C, có tác dụng làm lành chỗ loét. Không nên ăn các loại thức ăn cứng và nhiều xơ, như: Hoa quả sấy khô, rau cần, hẹ, dưa, măng…
Chế biến thức ăn dưới dạng hấp, luộc; không nên chiên, xào, muối, trộn; không nêm nếm quá nhiều gia vị khi chế biến… vì chúng khó tiêu hóa, đọng lại trong dạ dày lâu, tăng thêm gánh nặng cho dạ dày.
Hạn chế dùng thuốc Aspirin, thuốc giảm đau, kháng viêm; chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Nếu bị viêm dạ dày cấp tính, bệnh nhân cần có thời gian cho dạ dày lành vết thương. Nên ăn súp nấu với rau, thịt nghiền, uống sữa hoặc ăn kem. Mỗi lần ăn với lượng ít, ăn nhiều lần, mỗi lần cách nhau 1 giờ. Sau đó dần dần tăng lượng thức ăn trong mỗi bữa và giảm số lần ăn, cho đến khi không còn các triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, thì bệnh nhân trở lại chế độ ăn uống bình thường (3-4 bữa/ngày).
Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm dạ dày mãn tính, người bệnh cần có một chế độ ăn cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm, đặc biệt cần bổ sung thêm các loại vitamin và muối khoáng như: B12, acid folic, vitamin A, D, K, canxi, Fe, Zn, Mg.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận