09/04/2006 19:33 GMT+7

Vị thuốc từ mai mực

Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống
Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống

Mai mực làm thuốc thường được tán nhỏ. Vị thuốc này được dùng để chữa viêm loét dạ dày, tai chảy mủ hoặc thổ huyết.

Mực có nhiều loại, thường gặp nhất là mực ống, mực lá, mực mai... Mực ống thường để nhồi thịt, còn mực lá, mực mai thường dùng luộc hoặc xào với cần tỏi tây, rắc thêm ít hạt tiêu vào ăn nóng rất ngon. Ngoài ra mực còn được phơi khô. Mực khô dùng xào nấu hoặc nướng ăn đều là những món ăn ngon.

Phân tích thành phần hóa học của mực tươi cho thấy trong 100g mực có 81,4g nước, 16,3g protid, 0,9g lipid, cung cấp được 75 Kcalo. Ngoài ra còn có nhiều muối khoáng (14mg canxi, 150mg photpho, 0,6mg sắt) và vitamin (0,01 mg vitamin B1, 0,06mg vitamin B2, 1 mg vitamin PP).

Mực khô do đã được làm khô rút nhiều nước nên có tỷ lệ chất dinh dưỡng cao hơn nhiều. Trong 100g mực khô có 28,7g nước, 60,1g protid, 4,5g lipid, 27mg canxi, 287mg photpho, 5,6mg sắt, cung cấp được 288 Kcalo.

Ngoài giá trị thực phẩm, mực còn được Đông y dùng làm thuốc từ lâu đời. Theo "Lĩnh Nam bản thảo" của Hải Thượng Lãn Ông, thịt mực (tên thuốc là Ô tặc) có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, có tác dụng bổ trung ích khí và điều kinh. Còn mai mực là một vị thuốc được dùng rất phổ biến trong nhân dân ta với tên ô tặc cốt.

Theo y học dân tộc, mai mực vị mặn, tính bình, có tác dụng thông huyết mạch, trừ hàn thấp, cầm máu, bổ phế, hút nước chua dạ dày. Cách bào chế tương đối đơn giản, thường người ta lấy mai mực, cạo sạch vỏ cứng ở ngoài, ngâm nước cho đến khi hết mặn, sau đó phơi hoặc sấy khô, khi dùng tán bột, sao kỹ.

Về thành phần hóa học, trong mai mực có các muối calci cacbonat, canxi photphat, muối natri clorua, các chất hữu cơ, chất keo. Theo các sách thuốc cổ, mai mực được dùng chữa nhiều bệnh. Ngoài tác dụng chữa đau dạ dày, ô tặc cốt còn được dùng để chữa con trai thận hư tinh kiệt, phụ nữ huyết khô không thai nghén (tán bột uống), chữa đại tiện ra máu, trĩ nội ra máu, thổ huyết, tai chảy mủ và cầm máu vết thương. Trong nhân dân ta hiện nay, mai mực được dùng chủ yếu làm thuốc chữa bệnh đau dạ dày thừa nước chua, các chứng loét dạ dày, ho ra máu, đại tiện ra máu. Liều dùng trung bình mỗi ngày uống 4-8g dưới dạng thuốc bột hay thuốc viên.

Dưới đây là một số bài thuốc có mai mực thường dùng:

- Chữa viêm loét dạ dày-tá tràng: Mai mực 40g, cam thảo 24g, thổ bối mẫu 12g. Đem các vị tán nhỏ thành bột. Người lớn mỗi lần uống 10g, ngày uống hai lần vào lúc đói.

- Chữa thổ huyết: Lấy mai mực tán thật nhỏ, ngày uống 4-5 lần, mỗi lần 1-2g với nước cơm hoặc nước sắc bạch cập (10-20g bạch cập sắc với 300ml nước).

- Chữa tai chảy mủ: Mai mực 2g, xạ hương 0,4g, tán thật nhỏ, lấy tăm bông sạch chấm thuốc ngoáy nhẹ vào tai.

Theo Văn hóa nghệ thuật ăn uống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên