Không chỉ mất mát về sức khỏe mà sự chờ đợi công lý đến mỏi mòn khiến tôi không còn niềm tin vào luật pháp.
Phóng to |
Anh Huỳnh Việt Thiên thất vọng vì vụ án chìm vào im lặng - Ảnh: Hoàng Ðiệp |
Ông Trần Minh Đương, trưởng Công an xã Trần Hợi, cho biết: “Vụ anh Huỳnh Việt Thiên bị đánh gây thương tích từng làm xôn xao cả xã Trần Hợi. Tuy nhiên, đến nay đã ba năm sau khi vụ việc xảy ra nhưng vụ án không được khởi tố khiến gia đình anh Thiên và dư luận rất bức xúc. Chúng tôi mong mỏi các cơ quan có trách nhiệm liên quan sớm đưa vụ việc ra ánh sáng để ổn định dư luận trong xã và giảm đi nỗi bức xúc của gia đình anh Huỳnh Việt Thiên”. |
Khi vào nhà lấy xe, nhóm này và Nguyễn Công Nghiệp tiếp tục la hét và chửi bậy. Họ còn nổ máy, vặn ga cho kêu thật to, khói xăng khắp nhà. Không chịu được, tôi nhắc: “Các anh muốn la hét gì thì ra ngoài lộ mà nói, không được nẹt pô trong sân nhà tôi”. Nghiệp không nghe mà vùng vằng chửi lại: “Tao không ra mày làm gì được tao, tao là bộ đội biên phòng nè, không thằng nào dám đụng tao hết”.
Thấy hơi thở của họ nồng nặc mùi rượu, tôi bảo: “Mấy ông xỉn rồi, lấy xe về đi”. Tôi đẩy xe của Nghiệp ra và đóng cổng lại, không ngờ Nghiệp dựng xe lao vào đánh tôi, rồi nhóm bạn của Nghiệp cũng lao vào đánh tôi. Tôi la lên, chạy vào nhà trốn nhưng chúng đuổi theo đè tôi ra để đánh. Vợ tôi chạy ra can bị chúng đánh cho đến bất tỉnh. Mấy người hàng xóm thấy ồn ào chạy vào can, Nghiệp vớ lấy cây phảng (một loại dao phát cỏ có cán dài - NV) quơ lên dọa: “Đứa nào xông vào tao chém chết!”. Bị đánh hội đồng dã man, tôi máu me đầy người, bà con lối xóm đến đông và la lớn nên bọn họ mới thôi hành hung tôi.
Công an xã, công an huyện đã lấy lời khai và hướng dẫn vợ chồng tôi đi giám định thương tật tại Trung tâm Pháp y tỉnh Cà Mau và đã xác định tôi bị thương tật vĩnh viễn tỉ lệ 30%. Từ một lao động chính trong nhà có thể đảm đương được tất cả mọi việc đồng áng, đến nay tôi không thể lái máy cày, máy gặt để làm ruộng. Ngay cả chuyện mang vác những món đồ nặng cũng không thể làm khiến cuộc sống khó khăn thêm gấp bội.
Tuy nhiên, đến nay đã ba năm mà vụ án vẫn chìm vào im lặng. Nguyên nhân chính là do khi đánh tôi, Nguyễn Công Nghiệp đang là quân nhân thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau, sau đó hai tháng thì đơn vị cho Nghiệp giải ngũ. Tôi đã làm đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi, từ Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau đến Viện KSND tỉnh Cà Mau, Viện kiểm sát quân sự khu vực II Bộ đội biên phòng... Nhưng các cơ quan này lần lượt hướng dẫn tôi gửi đơn sang cơ quan khác. Gần đây nhất, Viện KSND huyện Trần Văn Thời đã gửi công văn số 07 do viện trưởng Đỗ Văn Tống ký, cho rằng “việc khiếu nại trên không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện KSND huyện Trần Văn Thời. Viện KSND huyện Trần Văn Thời hướng dẫn ông gửi đơn tới thủ trưởng Cơ quan điều tra huyện Trần Văn Thời để thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật”.
Một lần nữa, tôi tiếp tục gửi đơn đến Cơ quan điều tra huyện Trần Văn Thời nhưng đơn gửi đi đã được một tháng mà vẫn chưa được trả lời. Tôi chỉ là một nông dân, chân lấm tay bùn, hằng ngày chỉ biết cày cấy nuôi con nuôi vợ. Vợ chồng tôi bị đánh đập dã man, gây bất bình, hoang mang cho bà con xóm ấp. Tôi khiếu nại khắp nơi mà không được giải quyết thỏa đáng. Vậy thử hỏi chúng tôi dựa vào điều gì để tin vào sự công minh của các cơ quan luật pháp?
(ghi theo lời kể của anh Huỳnh Việt Thiên, ấp 10A, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau)
Ý kiến
* Luật sư Vũ Quang Đức: Trách nhiệm thuộc về Công an và Viện KSND huyện
Theo thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18-4-2005, đối với những người không còn phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ trong quân đội hoặc những người đang phục vụ trong quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trước khi vào quân đội thì tòa án quân sự xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội; những tội phạm khác do tòa án nhân dân xét xử.
Trường hợp ông Nguyễn Công Nghiệp nếu có hành vi đánh người trong thời gian phục vụ trong quân đội, nay không còn phục vụ trong quân đội và hành vi cố ý gây thương tích của ông Nghiệp nếu không liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội thì việc xét xử thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân. Như thế, thẩm quyền giải quyết sự việc trong giai đoạn điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can thuộc về Cơ quan điều tra Công an và Viện KSND huyện Trần Văn Thời.
* Kiểm sát viên Nguyễn Minh Sơn: Viện KSND huyện có quyền khởi tố
Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thì công văn của viện trưởng Viện KSND huyện Trần Văn Thời trả lời cho anh Thiên thể hiện sự thiếu trách nhiệm. Theo khoản 1, điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành, viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyển đến và chuyển ngay các tố giác, tin báo nói trên kèm theo các tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền chứ không phải hướng dẫn người tố cáo tội phạm tự họ thực hiện quyền khiếu nại. Ngoài ra, khoản 4 của điều luật trên còn quy định: “Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của cơ quan điều tra đối với tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.
Trong trường hợp Cơ quan điều tra huyện Trần Văn Thời ra quyết định không khởi tố vụ án, nếu có căn cứ thì Viện KSND huyện có quyền hủy bỏ quyết định trên và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, yêu cầu cơ quan điều tra cùng cấp điều tra (khoản 1, điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận